Kỷ niệm sự thương khó của Đức Chúa Jê-sus 2015

Sự thương khó của Đức Chúa Jê-sus là vô cùng tận. Nhà đạo diễn Mel Gibson đã trình bày sự đau đớn nhục nhằn của Ngài trong bộ phim nổi tiếng: “The Passion of the Christ” (Sự thương khó của Đấng Christ), đã làm cho người xem phải khóc nức nở. Nhưng phim này chỉ diễn tả được một phần sự đau đớn của Đức Chúa Jê-sus mà thôi. Đó là sự đau đớn về thể xác. Chúng ta biết lúc Đấng Christ hi sinh, Ngài còn mang nặng một nỗi đau đớn khác nữa đó là sự đau đớn về tinh thần.

Chúng ta hãy xem qua hai nỗi đau đớn này của Chúa Jê-sus đã chịu để cứu chúng ta.

I. Sự đau đớn về thể xác của Đức Chúa Jê-sus

Xin trình bày theo thứ tự thời gian:

1. Trận đòn

Lính La-mã lột trần và buộc Chúa vào một trụ cây. Một tên đứng đàng trước, một tên đứng sau lưng thẳng tay đánh vào ngực, vào lưng của Ngài. Mỗi cây roi có một cái cán với ba sợi dây da buộc vào cán, đầu mỗi sợi dây da buộc một miếng kim khí hoặc móc sắt. Mỗi khi đánh vào người Chúa thịt nát máu rơi hoặc gây ra những vết bầm thâm tím. Ngài chịu đánh đòn cho chúng ta được lành bệnh.

ky niem su thuong kho 0
2. Mũ gai

Bọn lính đan một mũ triều bằng gai, với những gai dài chừng ba phân nhọn hoắc, rồi đặt mũ lên đầu Chúa, đè mạnh xuống, khiến gai đâm thấu màng tang, trán, ót Chúa. Máu rỉ ra tại mỗi nơi gai đâm vào. Ngài chịu đội mũ gai vì những tư tưởng xấu xa của chúng ta.

3. Đinh đóng

“Cây thập tự đặt dưới đất. Nạn nhân lúc ấy đã kiệt sức bị xô ngã ngữa, vai đè lên thanh gỗ. Người lính lấy tay dò tìm chỗ lõm trên cườm tay, rồi lấy một cây đinh bằng sắt, vuông vức, đóng vào đấy, xuyên cườm tay, thấu sâu vào gỗ; rồi lẹ làng bước sang bên kia, đóng một cây đinh khác vào tay kia. Người lính cẩn thận giữ cho hai tay không căng thẳng, nhưng chùng. Lúc ấy, cây thập tự được dựng lên và được chôn chân xuống đất.

Hand Jesus crucified

Bàn chân trái quay ngược, đặt úp vào bàn chân phải. Hai chân duỗi, ngón chân chỉ xuống đất, người lính đóng một cây đinh thứ ba xuyên hai bàn chân, thấu vào gỗ, để cho gối hơi co. Người lính xong công tác” (Đóng đinh trên cậy thập tự- C. Truman David).
Ngài chịu đóng đinh vì công việc tay chúng ta làm, nơi chân chúng ta đi đến.

4. Giáo đâm

“Có một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Ngài, tức thì máu và nước chảy ra” (Gi. 19:34).

Tên lính La-mã chuyên việc giết người này đã đâm lưỡi giáo xuyên giữa hai xương sườn Chúa thẳng lên thấu tim, làm vỡ tim Ngài ra. Ngài chịu giáo đâm vì lòng dạ gian ác của chúng ta.

Sự đau đớn của Đức Chúa Jê-sus về thể xác là điều người ta có thể diễn tả được. Còn sự đau đớn về tinh thần của Chúa lớn hơn sự đau đớn về thể xác nhiều, nhưng là điều khó lòng diễn tả. Kỳ thực, chúng ta vẫn chưa hiểu hết được nỗi đau đớn vô cùng tận này của Chúa, nên lấy gì mà diễn tả cho cùng?

II. Sự đau đớn về tinh thần của Đức Chúa Jê-sus

1. Sự phản bội của các môn đồ

Giu-đa bán Chúa cho các thầy tế lễ, lấy 30 miếng bạc. Nó đã dẫn đoàn người vào vườn Ghết-sê-ma-nê chỉ điểm Chúa bằng cách ôm hôn Ngài. Bọn lính của thầy tế lễ liền bắt Chúa.

Phi-e-rơ theo đoàn người vào trong sân thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe, ngồi sưởi ấm trước đống lửa. Và tại sân này, ông đã chối Chúa ba lần, đúng như lời cảnh cáo của Chúa Jê-sus: “Chính đêm nay, trước khi gà gáy, con sẽ chối Ta ba lần” (Ma 26:34). Và lúc ấy, Chúa quay lại nhìn Phi-e-rơ, ông thổn thức khóc.

Bị hai sứ đồ phản và chối Thầy, Đức Chúa Jê-sus đau đớn vô cùng, vì họ là những người được Chúa yêu, dạy dỗ, săn sóc suốt 3 năm trời.
Điều khác nhau giữa hai ông là: Phi-e-rơ đã ăn năn và được Chúa phục hồi. Cuối cùng, ông đã chết cho Chúa bên ngoài thành La-mã.
Trong khi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã thắt cổ tự tử, hư mất đời đời. Đây là kết quả đáng thương của một người không biết ăn năn.

2. Chúa Cha quay mặt đi

ky niem su thuong kho 2

Trên thập tự giá, Đức Chúa Jê-sus đã gánh chịu tất cả tội lỗi của chúng ta. Ngài là Đấng Công Chính trở nên người tội lỗi vì chúng ta.
Đức Chúa Cha là Đấng tuyệt đối thánh khiết, dầu Ngài yêu Đức Chúa Con vô cùng, cũng phải ngoảnh mặt quay đi, không nhìn Chúa Jê-sus lúc ấy. Chính tội lỗi của chúng ta đã gây nên mối phân cách này, mà từ muôn đời về trước cũng như muôn đời về sau, chưa bao giờ xảy ra.

Bị Chúa Cha quay mặt đi, là sự đau đớn lớn nhất Đức Chúa Jê-sus phải chịu vì chúng ta. Vì yêu chúng ta mà Ngài đã chịu tất cả những sự đau đớn nhục nhã mà con người không ai chịu nổi, cả thể xác lẫn tinh thần.

Đây là tình yêu cao cả tuyệt đối chúng ta không thể hiểu nổi. Chúng ta chỉ biết cảm tạ và nhận lãnh những điều Chúa chịu thay cho mình. Chúng ta dù muốn, cũng không thể nào đền ơn Chúa được.

“Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va
Về các ơn lành mà Ngài đã làm cho tôi?
Tôi sẽ cầm cái chén cứu rỗi,
Mà cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va” (Thi 116:13-14).