MÙA THƯƠNG KHÓ – PHỤC SINH 2016

“Chẳng phải Đấng Christ chịu khổ hình như thế rồi mới đi đến vinh quang sao?” (Lu-ca 24:26).

Chúng ta sắp bước vào mùa Thương khó – Phục sinh. Thương khó là chịu khổ hình. Vinh quang là Phục sinh, chiến thắng sự chết và Âm phủ, tể trị 1.000 năm bình an, tể trị trong vĩnh cửu, “được Đức Chúa Trời đem lên đến tột đỉnh, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, để khi nghe  đến danh Đức Chúa Jê-sus, mọi đầu gối trên trời, trên đất, bên dưới của đất đều quỳ xuống, và mọi lưỡi đều tuyên xưng Jê-sus Christ là Chúa, tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha” (Phi-líp 2:9-11).

Theo sách Giăng 12:24: Nếu hạt lúa mì kia không được gieo xuống đất và chết đi, nó là một hạt lẻ loi. Nhưng nếu chết đi, nó sinh ra nhiều hạt khác,” và Lu-ca 24:26 nêu trên, sự thương khó của Đức Chúa Jê-sus đưa đến sự vinh quang của Ngài.

Ở đây chúng ta chỉ nói về sự Phục sinh trong số những sự vinh quang Đức Chúa Jê-sus nhận được sau khi chịu thương khó.

1. Sự Thương khó

Sự thương khó Đức Chúa Jê-sus chịu là vô cùng tận: Chịu tra tấn bởi các thầy tế lễ và người Do-thái, chịu nhục mạ, mắng nhiếc, chịu trận đòn khốc liệt của lính La-mã trước tòa án Phi-lát, chịu đội mũ gai, chịu vác cây thập tự đi đến đồi Gô-gô-tha, chịu đóng đinh trên cây thập tự, chịu giáo đâm suốt vào hông, chịu chết.

Thánh Lu-ca trong Lu-ca 24:13-35 chép lại câu chuyện hai môn đồ trên đường đi về làng Em-ma-út, cho thấy phản ứng của hai môn đồ đối với việc xảy ra cho Đức Chúa Jê-sus là: Họ “buồn rầu lắm” (câu 17), trách móc người bạn đồng hành vì không quan tâm (câu 18), phàn nàn về hành động của các thầy tế lễ và các nhà lãnh đạo Do-thái (câu 20), thất vọng vì Đấng Giải phóng Y-sơ-ra-ên đã bị hại (câu 21).

Chua Jesus va hai mon do

Nhưng Đức Chúa Jê-sus đã lấy Kinh thánh từ Ngũ kinh, các sách tiên tri và những lời viết về Ngài (trong Thi thiên) giải thích cho họ. Đức Chúa Jê-sus bảo: Hỡi những người dại dột, có lòng chậm tin lời các nhà tiên tri nói! Chẳng phải Đấng Christ chịu khổ hình như thế, rồi mới đến vinh quang sao?” (Câu 25-26).

Khi hai môn đồ được Đức Chúa Jê-sus giải thích, hiểu được nguyên lý khổ hình đưa đến vinh quang,” họ thay đổi cả tư tưởng lẫn hành động.

2. Sự Phục sinh

a. Cảnh Phục sinh của Đức Chúa Jê-sus được Kinh thánh mô tả là cảnh chiến thắng vô cùng huy hoàng:

Từ ngờ vực đến đức tin: Nghe tin Ma-ri Ma-đơ-len báo: “Người ta đã dời Chúa khỏi mộ, không biết để tại đâu?” Phi-e-rơ và Giăng chạy đến mộ… Họ bước vào, thấy và tin (Giăng 20:1-9).

10_Jesus_Alive_1024

Luật sư Frank Morison, một người Anh hoài nghi về thần tính của Đấng Christ, ra công nghiên cứu để viết một sách “Vạch trần mặt nạ của bọn Cơ đốc” vì đã “rêu rao” việc Đức Chúa Jê-sus sống lại. Nhưng càng nghiên cứu, ông càng được thuyết phục bởi những tài liệu nghiên cứu, và cuối cùng ông tin là Đấng Christ đã sống lại. Cuốn sách ông định viết lúc ban đầu đổi thành cuốn: “Ai đã lăn tảng đá lấp cửa mộ?” (Who moved the stone?). Sách này bạn có thể tìm đọc.

Từ chết qua sống: Trận động đất lớn: (Ma-thi-ơ 28:2)

Trận động đất này mở tung cửa mộ của các thánh đồ, và “sau khi Đức Chúa Jê-sus phục sinh, họ ra khỏi mộ đi vào thành thánh, xuất hiện cho nhiều người thấy” (Ma-thi-ơ 27:53).

Từ khóc qua cười: Khi Đức Chúa Jê-sus bị bắt trong vườn Ghết-sê-ma-nê, khi Ngài bị các thầy tế lễ và Phi-lát xử án, khi Ngài bị hành hình trên đồi Gô-gô-tha, các môn đồ buồn bực lắm. Nhưng khi Chúa sống lại, họ hớn hở vui mừng. Ma-ri Ma-đơ-len không còn khóc nữa (Giăng 20:11), nhưng đi báo tin cho các môn đồ: “Tôi đã thấy Chúa” (Giăng 20:18).

Từ giá lạnh đến bùng cháy: Hai môn đồ lủi thủi, đi bộ từ Giê-ru-sa-lem về làng Em-ma-út. Nhưng khi đã gặp Chúa sống, “lòng họ bùng cháy lên” (Lu-ca 24:32), và ngay lúc ấy, họ đứng phắt dậy, quay lại Giê-ru-sa-lem (Lu-ca 24:33).

Câu báo tin mừng:Chúa sống lại rồi!”

Các thiên sứ (Ma-thi-ơ 28:6; Mác 16:6)

Các sứ đồ (Lu-ca 24:34).

Đạo Chúa lan truyền khắp thế giới: Hàng tỷ người được cứu.

cross

b. Sự Phục sinh đem lại những kết quả rạng rỡ cho Nước Chúa và cho con dân Ngài:

Người tin nhận được uy quyền (Ma-thi-ơ 28:19, 19a).

Nước Trời được xây dựng (Ma-thi-ơ 28: 19b-20; Mác 16:15-16).

Hưởng lời hứa: “Vì Ta sống, các con cũng sẽ sống” (Giăng 14:19). Đây là cuộc sống đời đời.

c. Hi vọng:

Nhạc sĩ Bill Gaither diễn tả niềm hi vọng của mình trong bài ca “Vì Jê-sus sống” (Because He Lives) như sau: “Vì Jê-sus sống, tôi có thể đối diện với ngày mai… Mọi sợ hãi đều tan biến… Vì tôi biết chắc Chúa nắm giữ tương lai mình, và cuộc đời đáng sống chỉ vì Ngài sống” (Because He lives, I can face tomorrow… All fear is gone… Because I know He holds the future, and life is worth living just because He lives).

Vô số người kinh nghiệm cảnh “thiên đàng trên đất” vì hằng ngày họ được sống với Chúa.

“… Nay tôi sống không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Nay tôi còn sống trong thể xác, là sống trong niềm tin vào Con Đức Chúa Trời, Đấng đã yêu tôi và đã phó thân vì tôi” (Ga-la-ti 2:10).

d. Nếu Chúa đã không sống lại:

Theo Sứ đồ Phao lô trong 1Cô-rinh-tô 15:

Câu 14: Lời giảng chúng tôi là vô ích,

Câu 15: Chúng tôi là nhân chứng dối,

Câu 17: Đức tin anh em là vô dụng,

Câu 18: Những người qua đời trong Đấng Christ hư vong.

3. “Nhưng bây giờ Đấng Christ đã từ cõi chết sống lại” (1Cô 15: 20).

Ngài sống!

Ngài sống trong anh chị em!

Ngài sống trong tôi!

Hãy tin, không chậm tin như hai môn đồ đi về làng Em-ma-út.

Hãy tin lời tiên tri và lời hứa của Chúa!

Chúa sắp trở lại để đem chúng ta là người tin về Nước Ngài.

Hãy chuẩn bị đón Chúa!

Hãy sẵn sàng nhận cuộc sống đời đời!