Chắc chắn Đức Chúa Jê-sus đã sống lại (Phần I)

Thượng Đế giáng sinh làm người là một sự kiện trí óc con người khó hiểu nổi. Thế mà đó là một sự kiện thực tế. Con người đã công nhiên chấp nhận. Mỗi năm một lần, người ta kỷ niệm lễ Giáng sinh. Đèn màu chăng khắp phố phường, đường sá đông nghịt, cả xe cộ lẫn người đi bộ. Người ta đã quen thuộc với ngày 24/12 Dương lịch, ngày Đức Chúa Jê-sus vào đời. Người ta chấp nhận một sự kiện thực tế hiển nhiên.

Thượng Đế hi sinh cho con người, chịu tội thay cho con người, mang hình phạt thay cho con người, chịu tra tấn vì kẻ áp bức không tìm thấy tội nơi Ngài, và cuối cùng Ngài chịu đóng đinh trên cây thập tự. Chúa Hi sinh cũng là một sự kiện thực tế. Hình ảnh cây thập tự cũng trở thành quen thuộc với mắt con người. Bên ngoài Kinh Thánh, các sử gia ngoại đạo như Cornelius Tacitus, Flavius Josephus đều xác nhận Đức Chúa Jê-sus thực sự đã chết vì chịu người La-mã đóng đinh. Một sự kiện thực tế được lịch sử công nhận.

dang christ chiu chet 1

Sau khi hi sinh cho con người, Đức Chúa Jê-sus sống lại vì Ngài là Thượng Đế. Ngài không chết luôn. Tuy nhiên, sự kiện Đức Chúa Jê-sus phục sinh cần được trình bày rõ ràng ở đây, vì dù thế giới đều kỷ niệm ngày Chúa Phục sinh vào Chúa nhật đầu tháng Tư Dương lịch, nhưng ít người hiểu rõ Đức Chúa Jê-sus sống lại cũng là một sự kiện thực tế như việc Chúa Giáng sinh và Hi sinh vậy.

Chúng ta xét xem việc Đức Chúa Jê-sus Christ sống lại có thực sự xảy ra hay không căn cứ trên lịch sử chứng minh, trên môn bằng chứng học, qua những con người hồ nghi, và qua các nhân chứng.

I. Các sử gia nói gì về việc Đức Chúa Jê-sus sống lại ?

Một tài liệu muốn được lịch sử xác nhận là đúng, là sự thật, khi tài liệu hội đủ hai điều kiện sau đây:

1. Tài liệu phải trình bày một sự kiện tương đối mới xảy ra, trong một quá khứ gần, càng gần, càng tốt, vì việc kiểm chứng tính cách xác thực của tài liệu đó sẽ dễ dàng hơn, chính xác hơn.

Kinh Thánh Tân Ước là tài liệu chép việc Chúa Jê-sus sống lại. Kinh Thánh Tân Ước được chép bao lâu sau khi Đức Chúa Jê-sus hi sinh?

Dr. John Robinson, một học giả người Anh nổi tiếng về việc chỉ trích tính cách siêu nhiên của Kinh Thánh, sau khi để công nghiên cứu tỉ mỉ thời kỳ các sách Tân Ước được viết, kết quả làm cho ông phải kinh ngạc. Ông cho biết các học giả đi trước đã thiếu tìm tòi, chỉ phỏng đoán, và “cố tình không thấy,” nên lý luận của họ không có hậu thuẫn để tự chống đỡ. Ông cho biết Tân Ước do chính tay các sứ đồ viết hay do các người cộng tác viết ra, và tất cả các sách Tân Ước, kể cả sách Giăng, đều được viết trước năm 64 SCN (John A.T Robinson, Time – March 21, 1977, p. 95).

Bằng chứng nội dung về văn chương của các sách Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca liên quan với nhau đã khiến cho nhiều học giả kết luận sách Mác được viết trước hai sách Tin Lành khái quát kia.

Ông Craig Blomberg nói: “Những điều này cho ta một kết luận vững chắc là cả ba sách Tin Lành đều được viết trong vòng 30 năm sau khi Chúa Jê-sus Christ hi sinh, và như thế nó thừa sức ở trong khoảng thời gian để người ta có thể kiểm chứng tính cách chính xác của những sự kiện trong bản văn.” (Craig Blomberg, “Where do we start studying Jesus?” Jesus Under Fire (Grand Rapid, MI: Zondervan, 1995, p. 29).

So với các tài liệu khác được các sử gia chấp nhận, như hai bản tiểu sử của Alexander the Great (A-lịch-sơn Đại đế) do Plutarch và Arian viết. Họ đã viết tiểu sử này hơn 400 năm sau khi Alexander chết (năm 323 TCN), thế mà hai tài liệu ấy đã được các sử gia công nhận là đúng, vì mới xảy ra trong một quá khứ khá gần.

Vậy, theo Dr. John Robinson, thời gian các sách Tân Ước được viết trước năm 64 SCN, nghĩa là các sách được viết sau Chúa Jê-sus hi sinh 31 năm (64-33=31). Còn theo ông Craig Blomberg, thời gian này là 30 năm.

Nếu khoảng cách thời gian từ khi A-lịch-sơn Đại đế chết cho đến khi tiểu sử của ông được viết, mà còn được công nhận là đúng, vì mới xảy ra trong một quá khứ gần là 400 năm; huống chi từ khi Đức Chúa Jê-sus hi sinh đến khi các sứ đồ viết các sách Tin lành, thời gian của khoảng cách chỉ là 30 đến 31 năm, gần hơn thời gian viết tiểu sử A-lịch-sơn Đại đế đến 370 năm (400-30=370).

Vì thế, Kinh Thánh Tân Ước đã được các sử gia coi là có giá trị bậc nhất của các bản cổ văn.

2. Tài liệu phải có tính cách xác thực, đáng tin cậy. Và như thế,

a) Các bản sao phải được thực hiện trong một thời gian không quá lâu sau khi bản văn chính được viết. Thời gian này ngắn hay dài là một điều kiện để xét giá trị của tài liệu. Thời gian càng ngắn, tài liệu càng giá trị.

b) Ngoài ra, số các bản sao có nhiều hay ít là một điều kiện khác để xét giá trị của tài liệu. Nếu có nhiều bản sao, người ta có thể so sánh giữa các bản sao với nhau, và như thế, giá trị tài liệu càng tăng.

Phần lớn các tài liệu cổ có một khoảng cách chừng 700 năm giữa bản chính và bản sao. Riêng các tài liệu về hai triết gia Plato và Aristotle, khoảng cách lên đến gấp đôi thời gian 700 năm trên.

Thế mà, có những phần của sách Tin Lành Giăng thời gian sao chép chỉ cách thời gian bản chính có 40 đến 50 năm (John Rylands Papyri – Giấy cỏ chi của John Rylands), và một bản sao gần trọn vẹn của cả Tân Ước chỉ cách bản chính có 100 đến 150 năm (Chester Beatty Papyri – Giấy cỏ chi của Chester Beatty).

Còn số bản sao của Kinh Thánh Tân Ước lên đến gần 25.000 cuốn (Josh McDowell, Evidence For The Resurrection, 2009, p. 144). Con số này khiến cho giá trị của Tân Ước vượt trội xa văn kiện đứng hàng đầu của các bản văn cổ được công nhận. Văn phẩm Iliad của Homer kém Tân Ước 643 bản sao.

Số bản sao lớn lao, và thời gian ngắn ngủi từ bản chính đến bản sao được viết, khiến cho Tân Ước có một giá trị xác thực chân chính (authenticity) và một tính toàn vẹn (integrity) cao. Xin xem tác phẩm của Sir Frederick G. Kenyon, nhà khảo cổ danh tiếng hàng đầu: “The Bible and Archaeology” (New York: Harper and Row, 1940, p. 288).

John A.T. Robinson kết luận: “Con số của các bản sao, và nhất là thời gian ngắn ngủi giữa bản chính và các bản sao đầu nhất, khiến cho Kinh Thánh Tân Ước trở thành bản văn được xác nhận giá trị bậc nhất của tất cả cổ văn toàn thế giới.” (John A.T. Robinson, “Can We Trust The New Testament?” Grand Rapids: Eerdmans, 1977, p.360).

Chính Kinh Thánh Tân Ước, một tài liệu lịch sử được xác nhận giá trị bậc nhất trong các tài liệu cổ văn thế giới này đã chép về sự sống lại của Đức Chúa Jê-sus Christ. Vậy Đức Chúa Jê-sus sống lại là một sự kiện lịch sử.

chua giexu da song lai 2

II. Ý kiến của các nhà Bằng chứng học về việc Chúa Jê-sus sống lại.

1. Dr. Simon Greenleaf, giáo sư Đại học Harvard là người có thẩm quyền bậc nhất thế giới về bằng chứng pháp lý. Sau khi viết nhiều sách giá trị về bằng chứng học, ông quyết định đem khả năng và kinh nghiệm của mình ra nghiên cứu vụ Đức Chúa Jê-sus sống lại.
Sau khi tra xét tỉ mỉ, ông tuyên bố: “Trước bất cứ một tòa án không thiên lệch nào trên thế giới, nếu bằng chứng về việc Chúa Jê-sus sống lại được đem ra trình bày, tòa án đó ắt phải công bố đây là những bằng chứng pháp lý tuyệt đối.” (D. James Kennedy, Evangelism Explosion, 1977, p. 102).

2. Sir Edward Clark, một nhà bằng chứng học danh tiếng của Anh quốc, khi viết bài nghiên cứu về sự sống lại của Đức Chúa Jê-sus Christ, ông kết luận: “Theo tôi, bằng chứng là hiển nhiên. Trước tòa án Tối cao, tôi đã nhiều lần xác nhận một bản án căn cứ trên những bằng chứng nếu đem so với bằng chứng của vụ Chúa Jê-sus sống lại, thì giá trị kém hơn nhiều. Một nhân chứng trung thực luôn luôn là một người không thiện nghệ và bất chấp hậu quả. Bằng chứng của các sách Phúc Âm về vụ Chúa Jê-sus sống lại thuộc loại này. Là một Luật sư, tôi chấp nhận không dè dặt những bằng chứng ấy, nó là lời chứng minh các sự kiện một cách trung thực.” (ibid, p. 172)

Vậy, hai nhà bằng chứng học có thẩm quyền bậc nhất trên, đã cùng với nhiều nhân vật khác trong giới pháp lý xác nhận tính cách chính xác, trung thực của Kinh thánh Tân Ước chép về việc Đức Chúa Jê-sus Christ sống lại.

Mời các bạn đọc tiếp phần 2 nói về “Người hồ nghi và Nhân chứng của việc Chúa Jê-sus sống lại.”