Chắc chắn Đức Chúa Jê-sus đã sống lại (Phần II)

III. Bài học cho người hoài nghi việc Đức Chúa Jê-sus sống lại

Có những người không tin Chúa Jê-sus đã sống lại. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề, họ đã thay đổi tư tưởng.

1. Frank Morison, một Luật sư người Anh, ban đầu đã nghĩ rằng câu chuyện Chúa Jê-sus sống lại không thật, nên ông bắt đầu viết về: Những ngày chót của Chúa Jê-sus để “vạch trần sự thật.” Nhưng khi nghiên cứu để viết, ông thay đổi ý kiến. Cuốn sách ông định viết không tiếp tục được nữa, đành bỏ dở dang, vì những điều mới tìm thấy chứng tỏ ý định của mình sai lầm. Và Morison lại bắt đầu một sách khác, theo một chiều hướng ngược lại, đó là cuốn “Who moved the Stone?” (Ai đã lăn tảng đá lấp cửa mộ?), chứng minh sự sống lại của Đức Chúa Jê-sus Christ với những bằng chứng không chối cãi được. Sách này đã là cuốn bán chạy nhất (Best seller) trong suốt 75 năm (Frank Morison, Who Moved the Stone, First published in 1930 by Faber and Faber Ltd., 3 Queen Square, London, WC1 3AY).

2. Lee Strobel, một Luật sư vô tín người Mỹ, đoạt giải Chủ bút mục Pháp lý (viết cho tờ Chicago Tribune,) tác giả trên 20 sách bán chạy nhất của New York Times. Sau gần hai năm điều tra bằng chứng về Chúa Jê-sus, Lee Strobel tin Chúa.

Sách “The Case for the Resurrection” là một trong những sách trưng dẫn bằng chứng về Đức Chúa Jê-sus Christ sống lại của ông. Ông xác nhận sách “Who Moved the Stone” của Frank Morison là một trong những lý do đã khiến ông tìm tòi về Nước Đức Chúa Trời, và nhờ đó ông biết được Chân Lý.

Theo Strobel, chân lý dồn về một nan đề chính yếu: Chúa Jê-sus đã sống lại hay không sống lại? Câu trả lời sẽ giải quyết mọi vấn đề.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng bốn sách Tin Lành, câu trả lời là hiển nhiên: Đức Chúa Jê-sus Christ đã sống lại. Và sau đây là lời cầu nguyện của ông:

“Kính lạy Đức Chúa Jê-sus, đúng là con đã thiếu hụt, không theo đúng tiêu chuẩn Chúa muốn con sống. Thực ra, con đã phạm tội bằng nhiều cách hơn con có thể tính, và con hết lòng ăn năn. Con muốn bỏ lối cũ của con, để theo lối của Chúa. Con hết lòng tin rằng Chúa là Con Một của Đức Chúa Trời, đã chết vì tội của con, và đã sống lại sau khi chết. Bây giờ, con xin tiếp nhận món quà Chúa cho con, là sự tha tội và sự sống đời đời. Cám ơn Đức Chúa Jê-sus đã lên thập tự giá để trả giá tất cả tội lỗi của con, nhờ đó con được làm hòa với Đức Chúa Trời, được làm con Ngài. Xin Chúa hướng dẫn cuộc sống con. Xin giúp con sống theo cách Chúa muốn con sống – vì từ phút này trở đi, con thuộc về Chúa.” (Lee Strobel, The Case for Resurrection, Reaching a Verdict, Zondervan, Grand Rapids, Michigan, 2009, p. 57).

Vậy, nếu bạn còn hoài nghi, mời bạn hãy tận tình nghiên cứu.

IV. Nhân chứng

Hai nhân chứng thẩm quyền nhất của vụ Chúa Jê-sus Christ sống lại là hai ông Phê-rơ và Giăng, vì họ là những nhân chứng tai nghe mắt thấy. Họ là những người đi sát bên cạnh Đức Chúa Jê-sus trong ba năm rưỡi, và họ đã chứng kiến việc người ta xử án và hành hình Chúa. Cả hai ông, khi được Ma-ri Ma-đơ-len báo tin, đều chạy đến mộ Chúa, đều thấy cảnh trong mộ sau khi Chúa sống lại (Gi 20:1-10). Sau đó, họ đều gặp Chúa trên bờ biển Ti-bê-ri-át (Gi 21:1-14).

1. Phê-rơ, trong bài giảng của ông vào ngày lễ Ngũ tuần đã công bố: “Chính đồng bào đã mượn tay người ngoại đạo đóng đinh và giết Ngài trên cây thập tự. Nhưng Đức Chúa Trời khiến Ngài sống lại, giải thoát Ngài khỏi nỗi thống khổ của sự chết, vì sự chết không thể giữ Ngài được” (Công 2:23b-24). Và về sau, Phê-rơ đã đã bị đóng đinh ngược trên thập tự giá ngoài thành La-mã khi ông đi truyền giảng về sự cứu rỗi của Đức Chúa Jê-sus Christ.

2. Giăng, môn đồ được Chúa Jê-sus yêu chuộng, rất gần gũi với Chúa. Về sau, ông bị bắt, bị bỏ vào một vạc dầu sôi, nhưng được cứu sống bởi một phép lạ. Sau đó, người La-mã đày ông ra đảo Bát-mô, ở đó ông thấy khải tượng và chép lại thành sách Khải huyền. Sứ đồ Giăng làm chứng về Đức Chúa Jê-sus thế này: “…Chúng tôi đã được thấy Ngài tận mắt, đã được nghe Ngài dạy, và tay chúng tôi đã chạm đến Ngài” (1Gi 1:1).

Ngoài Phê-rơ và Giăng, còn có đến trên 500 người trông thấy Chúa Jê-sus trong suốt thời gian 40 ngày sau khi Ngài sống lại (1Côr 15:3-8).

Jesus appeared to disciples

Số nhân chứng được các tòa án coi như đáng tin và được chấp nhận tốt nhất, thường là hai hay ba. Mà trong trường hợp này, ta có đến trên 500 người. Thật là vô cùng mạnh mẽ. Lời chứng của họ không thể nào chống lại được. Nếu ta hỏi họ: “Đức Chúa Jê-sus có sống lại sau khi chết không?” Từng người một sẽ trả lời: “Ngài đã sống lại.” Họ đã đồng thanh với thiên sứ báo tin cho các nữ môn đồ đi thăm mộ Chúa (Ma 28:6; Mác 16:6; Lu 24:6).

V. Kết luận

Để kết luận, chúng ta nói qua hai điểm:

1. Ngôi mộ trống

Ngôi mộ của Đức Chúa Jê-sus ở ngoài thành Giê-ru-sa-lem là một chứng tích, đã chân thành báo cho mọi người việc gì đã xảy ra cho Chúa.

Khi cất công đi viếng mộ ai, dù là một người thân trong gia đình mà ta mến thương, hay một nhân vật lịch sử ta kính trọng, trong ý thức hệ, ta nhận định là ta đang đứng trước di hài của người quá cố.

Nhưng nếu ta đi viếng mộ Đức Chúa Jê-sus, nhận định trong ý thức hệ của ta sẽ khác. Ta không đứng trước di hài của Ngài. Ta chỉ đứng trước nơi Ngài đã nằm. Mộ Chúa Jê-sus không còn xương, dù là xương khô hay xá lợi, cũng không có râu, tóc gì còn lại cả. Trống không.

Thân thể của Đức Chúa Jê-sus Christ đã được biến hóa, khi Chúa sống lại. Sự biến hóa này báo trước sự biến hóa của thân thể người tin Chúa trong ngày Ngài trở lại (1Côr 15:51-53). Ngôi mộ trống của Đức Chúa Jê-sus chứng tỏ Ngài không còn ở đó. Vì Ngài chỉ mượn tạm nó, và Ngài đã trả lại cho chủ nó là Giô-sép người A-ri-ma-thê sau khi sống lại.

chua giexu da song lai 2

2. Người không tin và người tin ngày nay

Sự sống lại của Đức Chúa Jê-sus chia nhân loại ra làm hai: Người tin và người không tin. Người tin sẽ sống trong một niềm hi vọng vững chắc, còn người không tin sẽ sống trong vô vọng suốt đời.

a. Hi vọng và vô vọng

Nếu cuộc sống con người kết thúc trong nấm mồ, thì câu: “Trăm năm nào có gì đâu, Chẳng qua một nắm cổ khâu xanh rì” (Cung Oán Ngâm Khúc) được áp dụng, đem lại nỗi vô vọng triền miên cho người không có cuộc sống đời đời. Kết cục chỉ là một nấm mồ, cỏ dại mọc xanh. Phải chăng chết là hết? Thật là mênh mông vô định.

Nhưng đối với người tin Chúa, họ biết trước tương lai sáng lạn đang chờ đón, chính Đức Chúa Jê-sus, Đấng đã phục sinh sẽ nghênh tiếp họ về cõi sống huy hoàng Ngài đã hứa: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi. Thầy đi, chuẩn bị chỗ ở cho các con. Nếu Thầy đi và chuẩn bị chỗ ở cho các con, tất nhiên Thầy sẽ trở lại đón các con về với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó” (Gi 14:2-3).

b. Sống đời đời và chết đời đời

Sự sống lại của Đức Chúa Jê-sus Christ báo trước sự sống lại của người tin Chúa trong ngày cuối cùng. Đồng thời, vì Chúa sống, họ cũng sẽ sống. Đây là sự sống đời đời mà Đức Chúa Jê-sus Christ đã hứa cho người tin Ngài.

Còn những ai không đặt đức tin vào Đức Chúa Jê-sus Christ, vào sự chết và sự sống lại của Chúa, họ sẽ không hưởng được lời Ngài hứa: “Ai tin Ta, đều được sự sống đời đời. Ai không tin Ta, sẽ chẳng thấy sự sống đâu, Nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời tiếp tục ở trên người đó” (Gi 3:36).

Đức Chúa Jê-sus Christ đã giáng sinh, đã hi sinh, chịu chết trên cây thập tự để gánh hình phạt thay cho con người. Nếu ai tin Chúa Jê-sus đã chết thay cho mình, vì tội của mình, người đó được Ngài tha thứ mọi tội lỗi, được kể là người công chính, được sự sống đời đời.

Và như bạn đã biết, đức tin của người tín đồ còn thêm điểm này nữa: Sau khi hi sinh, Chúa Jê-sus đã phục sinh.

Đức Chúa Jê-sus Christ chắc chắn đã sống lại. Ngài sống lại để xưng ta là người công chính (Rô 4:25), và bảo đảm cho ta cuộc sống đời đời. “Vì Ta sống, thì các con cũng sẽ sống” (Gi 14:19b).

Mời các bạn tin nhận Chúa Jê-sus để được sự sống đời đời.