Chúa Còn Làm Phép Lạ – Chương 13.6

Chương 13.6: Phép Lạ Thực Sự Đã Xảy Ra

canh-dong-hoa-tulip-12

Một tuần lễ sau, tôi về nhà trên chiếc xe lăn tay. Các con trai tôi đến giúp tôi và khiêng tôi lên lầu. Chẳng bao lâu, tôi cảm thấy rằng tôi có thể sống một cuộc sống bình thường với chiếc xe lăn tay. Tôi có thể may vá, rửa chén bát. Tôi có thể gọt khoai và lặt rau giúp nhà hàng. Tôi có thể rửa muỗng nĩa và xếp khăn ăn. Tôi có thể sử dụng máy hút bụi nữa. Tôi cũng bận rộn chẳng kém gì ai.

Thoạt tiên, các con tôi khiêng tôi lên xuống nhà hàng, nhưng chẳng bao lâu tôi thấy mình có thể ngồi trên một cái bìa cứng và tuột dần xuống các nấc thang. Khi leo lên, tôi vịn chặt thành cầu thang và lê chân vô dụng lên từng nấc một cho đến chừng lên đến đỉnh.

Tôi sử dụng xe lăn tay mãi cho đến giữa mùa hè. Một ngày nọ, Clarence đem về nhà một dụng cụ tập đi, một khí cụ buộc vào mình tôi ở ba mặt để tôi có thể dựa vào đó, từ thế đứng đẩy nó đi. Chậm rãi, hết sức chậm rãi, tôi bắt đầu thực tập. Tôi cảm thấy mình có thể dùng bắp thịt ở vai để nhấc cặp chân lên. Nhô vai trái lên cao, tôi có thể nhấc được chân trái lên một chút để đưa tới phía trước. Tôi lập lại tương tự cho chân phải. Nhún mình lên và nhờ dụng cụ tập đi này tôi dần dần tiến bộ.

Mùa thu năm ấy, tôi có thể đứng một mình. Không có dụng cụ tập đi, tôi không thể bước tới, nhưng tôi có thể bước lui. Các con trai tôi nằm xuống sàn, thay phiên nhau một đứa giữ dụng cụ tập đi, một đứa nhắc chân tôi đưa lên phía trước, tập cho chân tôi bước đi bằng cách vận dụng các bắp thịt khác.

Mỗi tối đi ngủ tôi đều cầu xin Thượng Đế giúp đỡ tôi. Rồi một buổi sáng kia thức giấc, trong khi tụt xuống giường, chân tôi tự nhiên bước tới trước. Tôi hét vọng lên cầu thang và cả gia đình tôi chạy lên. Tôi nói lớn: “Xem đây này, chân tôi bước tới được đây này.” Nhưng khi tôi cố bước tới thì chân lại không động đậy. Khi nãy tôi đã làm gì mà nó đi được? Clarence và ba con trai tôi đứng xung quanh và nôn nả. Cuối cùng tôi cũng có thể lặp lại phương thức cũ trong óc và từ từ di chuyển được chân tới trước được một cách có ý thức. Hôm ấy tôi thật vui sướng.

Tuy nhiên, tôi vẫn không nhấc được các ngón chân. Tôi có thể nhấc gót lên khỏi mặt đất bằng cách nhấc vai lên, nhưng khi tôi bước đi các ngón chân tôi vẫn bị kéo lê. Tất nhiên, khi gặp một chỗ hơi gồ ghề hay cao lên là tôi bị té ngay.

Đến cuối năm, tôi đã có thể đi lại kha khá với cặp nạng hay cây gậy. Tuy nhiên, mỗi khi tôi chồm người về phía trước, con người tôi quả thật khó coi.

tulip5

Trong ba năm kế tiếp, tôi nhận thức được một điều mới: lời nói của bác sĩ thật đúng. Bệnh sẽ càng ngày càng nặng hơn. Nhiều tháng trời tôi có thể đi lại, và bệnh dường như thuyên giảm đi thì bệnh lại trở nặng. Lần trở bệnh nào cũng nặng hơn lần trước một chút và khiến tôi trầm trọng hơn một chút. Dường như mỗi khi ra nhà thương sau những lần trở bệnh là tôi lại phải tập đi lại từ đầu. Mỗi ngày khi mặt trời mọc lên tôi lại e ngại rằng ngày ấy tôi lại trở bệnh nữa.

Những lần co rút bắp thịt ở lưng là những lần nặng nhất. Sự co rút bắt đầu ở những bắp thịt chính dọc hai bên xương sống, và trong chốc lát tôi hoàn toàn mất tự chủ. Tôi nghĩ rằng những lần giật tay giật chân đã là nặng lắm rồi, nhưng so với những lần co rút bắp thịt ở lưng thì không thấm vào đâu cả. Khi các bắp thịt rút lại, các xương bả vai của tôi hầu như bị kéo gần sát lại với nhau. Động tác này khiến tôi phải đưa hai tay thẳng lên trời, đầu ngửa thật hết về đằng sau. Tôi không thở được. Mỗi lần thở, tôi phải hổn hển và kêu gào, đôi khi ngất đi vì thiếu dưỡng khí. Hai chân tôi gập lại đằng sau, gót chạm vào giữa xương sống và người tôi dường như cong ưỡn ra.

Một lần kia, sau khi bị trở bệnh như vậy, tôi phải vô nằm nhà thương Pembroke trở lại. Tôi không còn sử dụng được xương sống của tôi nữa. Bác sĩ bảo tôi: “Tôi sẽ cho bà đến nằm bệnh viện St. Vincent ở Ottawa”.

Đang nằm sấp trên giường tôi vụt đáp: “Ồ, không đâu bác sĩ. Bệnh viện này dành cho những người bị tê liệt hoàn toàn, không có cách nào cứu chữa. Đừng đưa tôi đến đấy bác sĩ.”

Tôi nhận thấy bác sĩ Pye chán tôi vô cùng. “Bà Pettigrew ơi, may ra họ có thể giúp bà đi được. Tại đó họ có đủ dụng cụ thích đáng.”

“Tôi sẽ về ở nhà cho đến khi gia đình tôi chịu không nổi, lúc ấy tôi mới đến bệnh viện St.Vincent. Nhưng bây giờ thì tôi chưa đi.” Bác sĩ cãi lại: “Nhưng bà không thể về nhà bây giờ được. Bà cũng không thể đứng nổi. Bà thử nghĩ phải mất bao lâu bà mới có thể đi lại được?”

Tôi chắc chắn rằng nếu bác sĩ có cách nào đỡ lưng cho tôi thì tôi có thể khiến cặp chân cử động. Do đó, tôi đáp cách đùa cợt: “Nếu bác đóng một đầu của tấm ván vào sau ót tôi và đầu kia vào mông tôi, tôi sẽ đi được.”

HoaLongDen1

Bác sĩ Pye nhìn tôi một cách kỳ dị rồi quay lưng ra khỏi phòng. Ba mươi phút sau, hai y tá bước vào với một cái cáng.

Tôi nhủ thầm: “Chết rồi ông ấy sẽ lấy ván đóng vào lưng mình thật.” Khi tôi vào đến phòng giải phẫu, tôi thấy ông đang chuẩn bị để băng bột. Người ta phải làm đi làm lại bốn lần, và lần thứ tư họ phải treo tôi lên rồi băng bột quanh người tôi. Cuối cùng công việc thực hiện xong. Khi họ đặt tôi xuống nền nhà, tôi có thể đứng được và đi.

Ngày qua tháng lại, họ gỡ bột ra cho tôi và thay vào đó bằng đôi giày với những dây buộc chân bằng thép. Đôi lúc tôi phải mang những đai buộc quanh cổ nữa.

Bác sĩ Pye cho rằng chúng tôi phải đóng cửa nhà hàng. Tôi thấy lời ông nói đúng. Tôi không thể ngồi trên xe lăn tay mà làm công việc này. Công việc choán nhiều thì giờ và nặng nhọc. Vì vậy, chúng tôi đóng cửa nhà hàng và thay vào đó là một tiệm may. Tôi cần phải làm một cái gì đó để giết thời giờ.

Những lần lên cơn càng thường xuyên hơn và hầu như ba tháng một lần tôi được đưa đến nhà thương để nằm hai, ba tuần lễ. Tôi bị nghẹt cổ, và đôi khi mất hết cả vị giác. Bác sĩ Pye đề nghị tôi trị liệu bằng vật lý để các cử động của tôi được nhịp nhàng. Tôi thường xuyên đến khám bệnh tại một y sĩ chuyên về vật lý trị liệu tại Cobden, vị này chữa chạy và giúp tôi tập tành.