Lịch Sử Truyền Giáo II – Chương IX: Đông Á

Chương IX: Đông Á

I. TRUNG HOA

Lịch Sử Thế Giới II
Lịch Sử Thế Giới II

I. Thời Hậu Chiến

Sau khi Nhật-bản đầu hàng, các giáo sĩ lại đổ vào Trung quốc. Trong lịch sử truyền giáo chưa bao giờ có một số đông Giáo sĩ đổ vào một quốc gia trong một thời gian ngắn như vậy. Như trường hợp 400 giáo sĩ cùng đáp một chiến tàu tại Cựu Kim Sơn để đi Thượng Hải vào năm 1946. Chẳng bao lâu đã có đến 4.000 Giáo sĩ trở vào Trung Hoa. Nhưng họ chưa kịp chỉnh đốn lại các hoạt động truyền giáo thì quân đội từ miền bấc đã tràn xuống, quét sạch tất cả. Ngày 1 tháng 10 năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung quốc (Trung cộng) chính thức khai sinh và Tưởng Giới Thạch phải bỏ chạy ra đảo Đài-loan.

Trước bước tiến quân mãnh liệt của Đảng Cộng sản Trung Hoa, có vài Hội Truyền giáo đã quyết định rút các giáo sĩ đi, nhưng đại đa số các giáo sĩ ngoại quốc đều tình nguyện ở lại, hy vọng rằng dầu có bị hạn chế, họ cũng vẫn có cơ hội truyền bá Phúc Âm. Một năm lặng lẽ trôi qua, các giáo sĩ không bị ai đả động đến nhưng họ cũng tự thấy bị cô lập hóa. Đến ngày 23/9/1950, một bản Tuyên ngôn có chữ ký của 1.527 người giữ vai trò lãnh đạo các chi hội được phổ biến cho tất cả các nhóm Cơ-đốc trong nước. Bản Tuyên ngôn này xác nhận sự đóng góp của Cơ-đốc giáo vào xã hội Trung Hoa, nhưng tố cáo các Hội Truyền giáo và các giáo sĩ ngoại quốc là “công cụ của đế quốc”, và kêu gọi các Hội Thánh Trung Hoa phải “gột sạch các ảnh hưởng của đế quốc trên Giáo-hội.” Đến năm 1951, các Hội Truyền giáo di tản ra khỏi Trung quốc. Cuộc di tản này tiến hành cách sáng suốt, chỉ có một vài giáo sĩ bị quản thúc hay bị giam giữ ít lâu, nhưng số này tương đối ít. Đến mùa hè năm 1953 thì cuộc di tản này hoàn tất, ngoại trừ một số còn ở lại sau.

Lịch Sử Truyền Giáo Thế Giới II
Lịch Sử Truyền Giáo Thế Giới II

Chân thành mà nói thì không phải chỉ có người Cộng sản mới nghi ngờ thiện chí của những nhà truyền giáo. Nhiều lãnh tụ các đảng phái quốc gia cũng đã lên tiếng phản đối một vài đường lối của các Hội truyền giáo. Chính Tưởng Giới Thạch cũng đả kích một số hội truyền giáo trong cuốn “Vận Mệnh Trung quốc” của ông ta. Như ta đã thấy, trong thế kỷ thứ 19 các cường quốc Tây phương đã lợi dụng lúc Trung Hoa suy nhược để buộc Trung-hoa nhiều đặc quyền chính trị và kinh tế, và đã biến Trung Hoa thành một nước “bán thuộc địa”. Trong khi đó chẳng có một giáo sĩ nào lên tiếng phản đối các hiệp ước bất công mà các cường quốc Tây phương buộc Trung-hoa ký kết. Đã vậy, hầu hết các giáo sĩ còn coi đó là “sự trả lời cầu nguyện và đường lối Thần Hựu của Đức Chúa Trời!” Tệ hại hơn nữa là khi các hiệp ước này ký xong, một số giáo sĩ lại đóng vai trò thông dịch viên để giải thích các điều khoản cho người Trung-hoa. Những hành động thiếu suy nghĩ hay quá ngây thơ này đã gieo một mối ngờ vực vào đầu óc người dân Trung Hoa để đến khi những tờ Tuyên ngôn, lời tố cáo chính thức đưa ra là họ tin ngay.

Khi nhắc lại các khuyết điểm trên, ta không khỏi tự hỏi các trường hợp “Nếu”. Nếu các giáo sĩ đều ý thức được rằng họ là sứ giả của nước Thiên đàng chớ không phải của một quốc gia trần gian nào. Nếu tinh thần “phục vụ” của Chúa Giê-xu lúc nào cũng cháy bừng trong họ để lúc nào họ cũng nhận chân được là: truyền giáo là phục vụ Chúa và phục vụ người, dầu người ấy có khác màu da với mình. Nếu Cơ-đốc giáo đã hòa mình hoàn toàn vào đời sống Trung-hoa hay đời sống của bất cứ dân tộc nào khác ở Á, Phi, Nam Mỹ v.v… và các nhà truyền giáo biết “nhập gia tùy tục” trong khi rao giảng Tin Lành cứu rỗi thuần túy mà không cố ý gán trên dân chúng địa phương cái nhìn và lối sống gọi là “văn minh Tây phương”. Nếu các Giáo sĩ đã sáng suốt từ ban đầu để thấy rằng những ưu thế mà người da trắng có ở Áchâu vào thế kỷ 18,19, và đầu thế kỷ thứ 20 chỉ là những cái hố chia rẽ giữa họ với các dân tộc địa phương và sớm muộn gì các đặc quyền hay tư thế đó cũng phải chấm dứt. Các dân tộc bị trị, bị bóc lột sẽ vùng lên và lúc họ đã vùng lên thì bất mãn không sâu đậm mấy nếu các nhà truyền giáo đã sáng suốt hiểu biết ngay từ đầu.