Lịch Sử Truyền Giáo II – Chương IX: Đông Á

Chương IX: Đông Á

II. ĐÀI LOAN

Dân số: 21,5 triệu (1995). Ước tính: 24,0 triệu năm 2010 (theo “The Universal Almanac” -NGTG- 1997, tr. 512).

Đài-loan là một hòn đảo lớn nằm ở phía đông Trung quốc, và cả hai phe Quốc gia và Cộng sản đều coi đảo này là lãnh thổ Trung quốc. Thực ra người Trung Hoa chỉ bắt đầu di dân qua đấy từ thế kỷ thứ 17, và trên đảo đã có dân bản xứ sinh sống từ lâu đời. Đảo này lọt vào tay Bồ-đào-nha vào năm 1590, và được gọi là “Foremose” tức là “Đảo Đẹp”. Vào thế kỷ thứ 17, người Tây-ban-nha và người Hòa-lan đến, và cuối cùng người Hòa-lan thắng thế, đuổi người Bồ và Tây-ban-nha đi. Nhưng người Hòa-lan ở đấy cũng chẳng được bao lâu. Năm 1662, một tướng Trung Hoa ly khai đánh đuổi họ đi, dùng đảo này làm căn cứ để cướp phá bờ biển Trung quốc. Đến năm 1683, đảo này thuộc quyền chính phủ Trung Hoa và được kể là một phần lãnh thổ tỉnh Phước Kiến. Từ đấy người Trung-hoa ở lục địa bắt đầu di dân đến, và dân số đảo này lên đến 200.000 người. Người Trung-hoa cai trị Đài-loan hơn 200 năm và đến năm 1895 bị Nhật-bản đánh bại phải cắt Đài-loan nhượng cho Nhật. Nhật chiếm giữ đảo này đúng 50 năm, rồi phải trả lại cho Trung-hoa sau khi đầu hàng đồng minh vào năm 1945. Đến năm 1949 Tưởng Giới Thạch bị Cộng sản đuổi chạy phải rút ra Đài-loan với một số tàn quân chừng nửa triệu người.

Lịch Sử Truyền Giáo II
Lịch Sử Truyền Giáo II

Dân số của Đài-loan vằo năm 1994 được khoảng gần 21 triệu người và có thể chia thành bốn nhóm nhỏ như sau:

1. Độ 340.000 thổ dân thuộc 10 bộ lạc (năm bộ lạc lớn, 5 bộ lạc nhỏ), mỗi bộ lạc có thổ ngữ riêng. Không ai biết rõ nguồn gốc của họ, có bằng chứng để tin rằng có 3 bộ lạc gốc Mã-lai và các bộ lạc khác gốc Pô-li-nê-diêng. Họ sinh sống trên các rặng núi dọc bờ biển phía đông đảo, và cho tới đầu thế kỷ 20, họ là những tên “săn đầu người” khét tiếng, đến người Nhật cũng không trị nổi.

2. Hơn 2 triệu người Hakka, từ lục địa di dân đến Đài-loan khoảng 200 năm trước đây. Họ sinh sống ở các vùng tiền sơn miền nam và Trung Đài-loan, nói tiếng Hakka, giống tiếng Quảng-đông.

3. Hơn 3 triệu người Đài-loan, con cháu những người từ Phước-kiến di cư đến vào thế kỷ thứ 17. Họ nói tiếng Phước-kiến và sinh sống trong vùng đồng bằng phì nhiêu dọc bờ biển phía Tây.

4. Bốn triệu người “lục địa” đã theo chính phủ Tưởng Giới Thạch từ lục địa Trung-hoa di cư đến vào năm 1949 và 1950. Ngoài số quân nhân và gia đình quân nhân, hầu hết thuộc thành phần khá giả và có học. Họ nói tiếng Quan Thoại là thứ tiếng chính thức của lục địa Trung-hoa. Cũng như ở lục địa Trung Hoa và Việt Nam, Phật-giáo, Khổng-giáo và Lão-giáo rất thịnh hành ở Đài-loan. Khắp trên đảo có nhiều chùa chiền to lớn đẹp đẽ và nhiều chùa mới được xây dựng gần đây. Trên đảo cũng có độ 50.000 người theo Hồi-giáo. Bái vật giáo thịnh hành giữa vòng các bộ lạc thổ dân cho đến khi họ theo Cơ-đốc giáo hàng loạt vào sau trận Thế chiến thứ II.