Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương XV -Phần 1)

Chương XV: Vấn Đề Giảng Lại Bài Cũ, Giảng Bài Của Người Khác và Những Niềm Vui Sướng Phấn Khởi Trong Chức Vụ Công Bố Phúc Âm

images (1)

Phần 1

Khi đặt câu hỏi: Mục sư có nên giảng lại bài đã giảng không, chúng ta phải phân biệt hai trường hợp khác nhau. Trường hợp thứ nhất là: giảng lại bài cũ ở nơi đã giảng rồi, và trường hợp thứ hai, là giảng lại bài cũ ở một hay nhiều nơi khác.

Trường hợp thứ nhất, tức là giảng bài giảng cũ tại nơi đã giảng, cùng một nhà thờ, cùng một hội chúng, là trường hợp ít Mục sư làm. Nhưng có một nhạc sĩ phong cầm ở một nhà thờ nọ có cho Mục sư Lloyd-Jones biết rằng Mục sư tại chi hội ông ấy đã giảng đi giảng lại bài giảng “Ba-la-am và con lừa” bảy lần, đến nỗi ông ấy có thể thuật vanh vách một vài chi tiết của bài giảng đó. Tại một chi hội nọ ở Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, Hoa kỳ, Mục sư quản nhiệm có một bài giảng “đặc biệt” mà ông cứ mỗi năm giảng lại một lần. Chúng ta thấy đây là những trường hợp khá hi hữu, không đáng khuyến khích.

Nhưng trường hợp thứ hai, là trường hợp Mục sư giảng lại bài khác, là việc hầu hết mọi Mục sư đều làm, ngoại trừ một số ít, như Mục sư Charles H. Spurgeon. Mục sư Spurgeon lúc nào cũng soạn bài giảng mới, dù giảng ở Hội thánh nhà hay giảng nơi nào khác, ông cũng chịu khó soạn bài giảng để mỗi khi giảng là giảng một bài mới. Có một lần nọ, Mục sư Spurgeon được mời giảng ở Edinburgh, Tô-cách-lan. Bài giảng đầu tiên của ông là một bài giảng hoàn toàn mới, như thói quen ông vẫn làm. Nhưng lần đó, Mục sư Spurgeon cảm thấy thất bại nên sai người về Luân đôn gấp để lấy dàn bài ông đã soạn để giảng ở Luân đôn vào Chúa nhật trước. Mặc dù Mục sư Spurgeon lúc nào cũng chịu khó soạn bài giảng để có thể giảng bài mới luôn, nhưng có lần ông cũng phải giảng lại một bài ông đã giảng rồi (tại một nơi khác).

Các sứ giả Phục hưng của thế kỷ thứ 18 như George Whitefield, John Wesley đều giảng lại bài cũ khi đến những nơi khác.

Khi giảng một bài giảng mới lần đầu, Mục sư thường dè dặt thận trọng, nhất là khi không viết cả bài giảng ra trên giấy, nhưng chỉ dùng dàn bài để giảng theo lối ứng khẩu. Đến khi giảng lại bài ấy vài ba lần sau, Mục sư giảng thoải mái và tự do hơn.

Tại sao chúng ta chấp nhận việc Mục sư giảng lại bài cũ ở các địa điểm khác?

(1) Lý do thứ nhất: Người công bố Phúc Âm chân chính đều có kinh nghiệm này: bài giảng là sứ điệp, hay “gánh nặng” mình được Chúa ban cho trực tiếp. Có khi bài giảng được Thánh Linh khải thị cách rõ ràng đầy đủ với tất cả các chi tiết đã được sắp đặt cách lớp lang và khi giảng bài ấy lần đầu, Mục sư cảm biết Thánh Linh đã dùng bài giảng đó làm việc trong lòng Mục sư, và làm việc qua Mục sư để cảm động thính giả. Khi được mời đến giảng ở một địa điểm khác, Mục sư cầu nguyện và được thúc giục giảng lại bài đó.

(2) Lý do thứ hai: Một bài giảng được Thánh Linh ban cho, thường được “khai triển”, tức là mỗi khi giảng lại, Thánh Linh cho người giảng ý thức và kinh nghiệm được những điều dạy dỗ mới, để đáp ứng nhu cầu của số thính giả mới. Mục sư nọ (ta tạm gọi là Mục sư X) rất kính phục một Mục sư khác (tạm gọi là Mục sư Y). Trong một đại hội Mục sư, có Mục sư X tham dự, Mục sư Y được mời làm diễn giả. Khi Mục sư Y bắt đầu giảng và đưa ra đoạn văn Thánh Kinh làm nền tảng cho bài giảng, thì Mục sư X nghĩ thầm: “Tại sao ông ấy giảng lại bài này?“ Ông nghĩ thầm như vậy là vì ba tháng trước, ông đã “bị” nghe Mục sư Y giảng bài đó rồi, và không biết vì lý do nào Mục sư Y đã giảng “kém”, không có quyền năng như ông vẫn giảng. Nhưng lần này càng nghe Mục sư X càng ngạc nhiên, vì mặc dù cùng một đoạn văn Thánh Kinh, cùng một dàn bài, nhưng lần này Mục sư Y giảng một cách vô cùng sống động và đầy quyền năng. Bài giảng ba tháng trước đã “tăng trưởng” vượt mức. Lý do thứ hai này xác nhận rằng: Thánh Linh có thể dùng cùng một đoạn văn Thánh Kinh, một đề tài và một dàn bài để khai triển thành một bài giảng sống động hơn, đầy đủ hơn, sâu nhiệm hơn, gần như là một bài giảng mới vậy.

Một bài giảng có thể giảng lại (mỗi lần ở một nơi khác) bao nhiêu lần? Chúng ta không thể ấn định con số cách máy móc, nhưng hễ khi nào chúng ta cảm thấy một bài giảng nào không còn cảm động lòng chúng ta, không còn là nguồn phước cho chính chúng ta nữa thì nên thôi ngay, không giảng lại bài ấy nữa. Cũng có trường hợp, một thời gian sau, như một vài năm, Thánh Linh lại nhắc nhở bài giảng đó với những sự dạy dỗ mới, chúng ta có thể giảng lại. Nhưng kỳ thực đây là một bài giảng đã được Chúa Thánh Linh “biến thể” chứ không còn là bài giảng cũ nữa.