Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương XI -Phần 4)

Chương XI: Hình Thức Của  Sứ Điệp

997b5856bc6f9011bf6216d3719c2e42

Phần 4

Bài giảng của chúng ta phải được chuẩn bị kỹ càng để có hình thức (dàn bài) hợp lý và rõ ràng. Chúng ta phải cẩn thận để đừng bao giờ giảng một cách cẩu thả, bừa bãi, lộn xộn, và đồng thời cũng đừng bỏ quá nhiều thì giờ chải chuốt câu văn và trưng dẫn “lời hay ý đẹp” của danh nhân này triết gia nọ với mục đích là cho thính giả thấy chúng ta là người học cao biết rộng! Khi làm như vậy, chúng ta đã phạm tội làm cho lu mờ chân lý của Lời Chúa và không tin cậy vào quyền năng của Thánh Linh.

Đừng bao giờ xây dựng bài giảng của mình trên lời của các “thánh hiền”, của các giáo chủ các tôn giáo, hay trên các nguyên tắc luân lý, rồi đem một vài câu Thánh Kinh chứng minh cho các lời đó và nói rằng: “Thánh Kinh cũng dạy như vậy!” Lời Chúa phải luôn luôn là nền tảng, là căn bản của bài giảng. Các thánh nhân hiền triết trong đời có thể bắt chước Lời của Thượng Đế, chứ Thượng Đế không bao giờ bắt chước họ. Chúng ta cũng phải vô cùng thận trọng khi trưng dẫn các câu tục ngữ. Có người trưng dẫn câu “gieo gió gặt bão” và đinh ninh rằng đó là một câu châm ngôn ở đời chứ không biết câu đó là lời Thánh Kinh (Ô-sê 8:7).

Đừng bao giờ quên rằng những lời, những câu chúng ta trưng dẫn trong bài giảng đều là những thứ trang trí phụ thuộc. Khi nhắc đến các câu có nhiều nghiã hay câu có thể dẫn đến tà thuyết, chúng ta phải giải thích rõ ràng để thính giả không hiểu sai. Có người trưng câu “đường nào cũng dẫn đến La-mã” và đã làm cho thính giả (nhất là người chưa tin) nghĩ rằng: “đạo nào cũng tốt, theo đạo nào cũng có thể lên thiên đàng cả”! Nếu “bắt buộc” phải trưng dẫn câu đó, hay một câu tương tự, chúng ta phải nhấn mạnh rằng (1) đó là lời của con người, (2) người La-mã đời xưa mở rất nhiều con đường để quân đội họ có thể di chuyển dễ dàng đến các thuộc địa xa xăm, (3) trong đời này có thể áp dụng các phương pháp khác nhau để đạt đến cùng một kết quả, nhưng (4) câu này, là câu của người ta đặt ra, không thể áp dụng cho việc tìm con đường cứu rỗi, vì Chúa Jê-sus quả quyết rằng: “Ta là Con Đường, Chân Lý và Nguồn Sống. Nếu không nhờ Ta, không ai được đến với Thượng Đế” (Giăng 14:6).

Lời hay ý đẹp của các danh nhân, các câu tục ngữ, các nguyên tắc luân lý v.v… là những con dao hai lưỡi. Chúng ta phải vô cùng thận trọng khi phải trưng dẫn các lời đó và phải nhớ luôn rằng: Đừng bao giờ trưng dẫn mà không giải thích để ngăn chặn sự xuyên tạc hay hiểu sai và đừng bao giờ trưng dẫn để tỏ ra mình là người học thức, đọc nhiều sách, vì làm như vậy tức là đem vinh quang về cho mình và đồng thời tranh giành vinh quang với Thượng Đế là Đấng có phán rằng: “Ta không nhường vinh quang Ta cho ai cả” (Ê-sa 48-11b).

Có một Mục sư nọ, khi giảng ở đại giảng đường Westminster ở Luân-đôn đã tuyên bố rằng: “Gần đây, nữ sĩ Evelyn Underhill có nhắc nhở chúng ta rằng ‘Thượng Đế là tình yêu’! “ Chắc chắn Mục sư nọ đã biết câu này ở trong thư IGiăng 4:8, nhưng khi nói như vậy ông ta đã làm cho người không biết Thánh Kinh tưởng câu ấy của nữ sĩ kia, và đồng thời đã mắc vào lỗi khoe khoang, muôn tỏ cho thính giả biết mình là người đọc nhiều sách.

images (1)

Khi cần phải trưng dẫn các câu tục ngữ, cách ngôn, danh ngôn v.v…, chúng ta nên nhớ luôn mấy điểm quan trọng này…

(1). Đừng bao giờ nâng bất cứ câu tục ngữ, danh ngôn nào lên ngang hàng với Lời Chúa. Ví dụ khi trưng câu “hoạch tội ư Thiên vô sở đảo giả”, chúng ta đừng đem câu đó ra “giảng” như giảng một câu Thánh Kinh, mà chỉ nói rằng: thánh nhân Á-đông đời xưa còn biết như vậy, huống chi Lời của Chúa Cứu Thế Jê-sus còn quả quyết rằng: “Ta là Con Đường, Chân Lý và Nguồn Sống. Nếu không nhờ Ta không ai được đến với Thượng Đế”.(Giăng 14:6). (hay trưng một câu Thánh Kinh khác giống như vậy).

(2). Khi công bố một câu Thánh Kinh đã được dùng ngoài đời làm câu tục ngữ, cách ngôn (như câu “gieo gió gặt bão”), chúng ta phải tuyên bố rõ rệt câu đó là Lời Thánh Kinh. Vì chỉ có Lời Chúa mới có úy quyền, mới là thanh gươm sắc bén, sống động và đầy năng lực (Hi-bá 4:12), còn lời của con người, dù là của thánh nhơn hiền triết nào đi nữa, cũng chỉ là do cái khôn hữu hạn của con người.

Mục sư Martyn Lloyd-Jones có nhắc nhở rằng: “Bài giảng phải là sự công bố chân lý của Thượng Đế qua sự học hỏi, suy gẫm của Mục sư. Thính giả không muốn đến để nghe một loạt “lời trưng dẫn” của người này hay người nọ. Họ đến để nghe Mục sư, vì Mục sư là “Người của THƯỢNG ĐẾ”, là người được Thượng Đế kêu gọi và bổ nhiệm. Hội chúng đến để nghe Chân Lý Vĩ đại của Thượng Đế qua Mục sư, qua cả tâm thần, linh hồn và thể xác của Mục sư. Họ muốn nghe những lời đã được Mục sư soạn thảo và trình bày với cả tâm trí, tấm lòng và kinh nghiệm sông của mình. Tôi (Mục sư Lloyd-Jones) có thể quả quyết rằng nếu bài giảng chỉ gồm toàn những lời trưng dẫn của danh nhân này, triết gia nọ, người có trình độ thuộc linh thấp kém có thể khen: “Ông Mục sư học rộng thật!”, nhưng những người có trình độ thuộc linh cao đều biết rõ “thuật” của người giảng. Và chắc chắn bài giảng đó KHÔNG CÓ QUYỀN NĂNG THÁNH LINH. Làm thế nào có quyền năng của Thánh Linh khi Mục sư liên tục nói: ‘danh nhân này có nói rằng…’, ‘triết gia nọ có dạy như sau…’ v.v…?”.

Ngoài ra, chúng ta cần nhớ rằng: bài giảng lúc nào cũng phải dùng “văn nói”, chứ không được dùng “văn viết”. Mặc dù chúng ta có thể viết cả bài giảng ra giấy, chúng ta cũng đừng bao giờ dùng lối văn viết để giảng. Nói cách khác, khi viết một bài báo, hay một cuốn sách, chúng ta có thể dùng những lập luận thật chặt chẽ, thật tế nhị và đồng thời có thể dùng những từ ngữ đồng nghĩa.