Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương XI -Phần 3)

Chương XI: Hình Thức Của  Sứ Điệp

997b5856bc6f9011bf6216d3719c2e42

Phần 3

Chúng ta không đặt ra một thứ luật lệ để bắt buộc ai phải giảng theo cách ứng khẩu, hay giảng với cả bài giảng đã viết ra giấy. Nhưng hai điểm quan trọng chúng ta phải chú ý là: (1) người giảng phải tự do, (2) bài giảng phải có thứ tự và mạch lạc.

Mục sư Lloyd-Jones cho biết rằng: trong mười năm đầu thi hành chức vụ Mục sư, ông áp dụng phương pháp viết ra giấy cả bài giảng, không sót một lời nào, vì ông cho rằng việc này giúp cho ông có kỷ luật, cũng như dạy cho ông tập sắp đặt các tư tưởng và các chi tiết của bài giảng cho có hệ thống và dạy cho ông trình bày các luận cứ cho hợp lý. Khi đã có kinh nghiệm, Mục sư Lloyd-Jones bắt đầu giảng theo cách “ứng khẩu”, với việc dùng “bộ xương” đã soạn thảo kỹ càng. Dù vậy, ông chỉ dùng phương pháp “ứng khẩu” khi giảng cho người đã tin Chúa, tức là giảng để gây dựng đời sống thuộc linh của các tín hữu, còn các bài giảng cho người chưa tin đều được ông viết ra đầy đủ, vì Mục sư Lloyd-Jones cho rằng ông phải hết sức cẩn thận trong việc giảng cho người chưa tin. Và Mục sư Lloyd-Jones đề nghị với người công bố Phúc Âm nên tìm “biết chính mình”, tìm biết các sở trường và sở đoản của mình, rồi quyết định bài giảng nào mình có thể giảng theo lối ứng khẩu, và bài giảng nào cần phải viết ra đầy đủ. “Biết chính mình”, biết các khả năng của mình, như khả năng nhớ các chi tiết, khả năng dùng chữ cho chính xác v.v… là điều rất cần thiết. Nhưng cũng nên để ý là có người khi khỏe mạnh thì trí nhớ rất minh mẫn, nhưng đến lúc bị cảm cúm hay bị một việc gì bất thường xảy ra, trí nhớ người ấy có thể bị ảnh hưởng và những chi tiết người ấy tưởng không thể nào quên được, lúc đứng trên toà giảng lại không thể nào nhớ ra!

Một điều hết sức quan trọng mà người công bố Phúc Âm, nhất là người dùng “bộ xương” để giảng theo cách ứng khẩu, phải nhớ là: Bài giảng không phải chỉ có bộ xương mà thôi, mà còn phải có “thịt” nữa. Bộ xương rất cần thiết, cũng như người xây nhà trước hết phải làm cái sườn nhà. Nhưng sau khi đã có sườn, người đó phải bắt đầu xây các bức tường, đặt cửa ra vào, cửa sổ v.v… Thân thể con người cũng vậy, phải có bộ xương để làm nòng cốt, nhưng ngoài bộ xương phải có thịt có da. Một cựu sinh viên trường Thần học của viện đại học Oxford có thuật rằng: Một lần nọ, ông vừa giảng xong thì có một Mục sư cao niên đến nói rằng: “Con bò ông đem ra chợ bán là con bò giống rất nổi tiếng, nhưng tiếc quá, con bò đó để lòi cả bộ xương. Người ta ra chợ là để mua thịt chứ không mua xương, mà con bò của ông lại chỉ có xương thôi!” Người giảng không phải chỉ trình bày những tư tưởng, tức là bộ xương mà thôi, mà còn phải thêm “thịt” vào tức là những lời giải thích, những câu chuyện trong Thánh Kinh và những thí dụ để làm cho các tư tưởng này có mạch lạc và sáng tỏ.

Nhưng khi “đắp thịt lên bộ xương”, người công bố Phúc Âm phải thận trọng để khỏi mắc vào một lỗi lầm khác, là “tô điểm” bài giảng quá nhiều đến nỗi chân lý cứu rỗi của Thánh Kinh bị lu mờ! Vào thế kỷ thứ 17 có giám mục Andrewes của Giáo hội Anh quốc và một số “nhà truyền đạo cổ điển” nổi tiếng như Jeremy Taylor và John Donne đã “đắp thịt” lên dàn bài giảng của họ bằng cách trưng dẫn rất nhiều văn chương cổ điển và viết bài giảng của họ với những câu văn chải chuốt đến nỗi bài giảng của họ trở thành những “tác phẩm nghệ thuật” hay những “áng văn kiệt tác”. Kết quả là thính giả trí thức được thưởng thức văn chương nghệ thuật nhưng chỉ thấy mập mờ ánh sáng của chân lý Thánh Kinh, còn thính giả binh dân lại không lãnh hội được gì cả.

images

Nhưng cũng vào thế kỷ thứ 17 có một Mục sư Thanh giáo tên là Thomas Goodvvin được Thánh Linh ban cho kinh nghiệm sống sau đây: Thomas Goodwin bẩm sinh là người có tài hùng biện và khi học ở viện đại học Cambridge, ông rất khâm phục một vị giáo sư. Giáo sư này là một diễn giả và nhà truyền đạo rất hùng hồn có tài giảng những bài giảng xuất sắc, những “tác phẩm nghệ thuật”. Lúc đầu Thomas Goodwin bắt chước phương pháp soạn bài giảng và cách giảng của giáo sư này. Nhưng ít lâu sau, ông được Thánh Linh hoàn toàn đổi mới, như lời Chúa trong IICổ-linh 5:17 “Ai ở trong Chúa Cứu Thế là con người mới: cuộc đời cũ đã qua, nhường chỗ cho đời sống hoàn toàn đổi mới”. Sau khi trải qua kinh nghiệm thuộc linh này, ông được mời giảng ở một viện đại học. Khi bắt đầu soạn bài để giảng vào dịp này, ông theo thói quen và soạn xong một bài giảng với câu những câu văn rất hay và trưng dẫn nhiều tác giả cổ điển. Nhưng lúc đó, Chúa Thánh Linh làm việc trong lòng ông, làm cho lương tâm ông chiến đấu dằn vặt rất nhiều. Ông tự hỏi: “Tôi phải làm chi bây giờ? Trong số thính giả của tôi chẳng những sẽ có những người trí thức, như các vị giáo sư và sinh viên cao học, mà cũng sẽ có những người bình dân và có lẽ cũng sẽ có những người làm lao công trong viện nữa. Bài giảng mà tôi cho là một “áng văn kiệt tác” đây chẳng những không đem lại lợi ích gì cho những người bình dân này mà còn có thể ngăn trở họ thấy rõ chân lý của Chúa nữa. Tôi phải làm chi bây giờ?” Thomas Goodvvin chiến đấu rất lâu cho đến khi tấm lòng ông dường như rướm máu và ông quyết định viết lại bài giảng, bỏ tất cả những câu văn chải chuốt, những lời trưng dẫn. triết lý cao kỳ để có thể trình bày chân lý của Phúc Âm cho mọi người, trí thức cũng như thất học. Quyết định này của Thomas Goodwin là quyết định đúng của người chỉ biết làm sứ giả, làm người thừa sai của Thượng Đế, để chuyển đạt sứ điệp Phúc Âm cách trung thực đến mọi hạng người. Quyết định này đã thay đổi hẳn quan niệm và chức vụ của Thomas Goodwin và đã ảnh hưởng sâu xa trên cách giảng của các Mục sư Thanh Giáo.

Nhưng sau Thomas Goodwin cũng vẫn còn có những người dành nhiều thì giờ để trau giồi chải chuốt bài giảng của mình. Như Hensley Henson, giám mục của Anh quốc Giáo hội vào đầu thế kỷ 20, đã viết trong tập tự truyện rằng có lần ông đã dành ba tuần lễ để viết đi viết lại, sửa phần này, thay đổi phần khác của một bài giảng, cho đến khi ông thấy là “trọn vẹn” mới thôi. Dành ba tuần lễ để trau giồi một bài giảng! Thật là hoàn toàn trái ngược với cách soạn bài giảng của các sứ đồ như Phê-rô hay Phao-lô, hay của chấp sự Ê-tiên trong Tân Ước, và cũng không giống với cách soạn bài giảng của các sứ giả Phục hưng trong Lịch sử Hội thánh. Chắc chắn Phao-lô không bao giờ bỏ ra ba tuần lễ để chải chuốt câu văn, trưng dẫn sách cổ điển này, sách triết lý nọ, hay dùng những mỹ từ hấp dẫn, vì trong ICổ-linh 1:17, sứ đồ Phao-lô quả quyết rằng: “Khi giảng Phúc Âm, tôi không dùng tài diễn thuyết triết học; nếu ỷ lại vào tri thức tài năng là chưa biết hiệu năng của Đấng hy sinh trên cây thập tự”. Trong ICổ-linh 2:4, Phao-lô cũng nhấn mạnh rằng: “Lời giảng dạy của tôi chẳng do tài biện luận khôn khéo, nhưng thể hiện Thánh Linh và quyền năng.