Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương XI -Phần 2)

Chương XI: Hình Thức Của  Sứ Điệp

997b5856bc6f9011bf6216d3719c2e42

 

Phần 2

Mục sư Lloyd-Jones kể lại rằng: Có lần ông đã được Chúa cho một đoạn văn Thánh Kinh, nhưng sau khi để cả một buổi sáng để chia các phần bài giảng, ông vẫn thấy có nhiều chỗ lủng củng. Lúc đó, bà Lloyd-Jones gọi ông qua phòng ăn để ăn trưa. Sau khi ăn trưa xong, ông ngồi nghe một bản song ca rất cảm động. Khi đang thưởng thức bản song ca này, Mục sư Lloyd- Jones thình lình thấy rõ trong tâm trí mình trọn cả dàn bài, với Lời Mở đầu, Thân bài chia thành nhiều phần, và lời kết luận, tất cả đều đầy đủ và đúng thứ tự, không thiếu gì cả. Mục sư Lloyd- Jones liền trở về phòng làm việc để ghi chép lại mọi chi tiết đó.

Mặc dù người công bố Phúc Âm thường được những trường hợp “rọi sáng đặc biệt” như nhà toán học Poincaré hay như Mục sư Lloyd-Jones, nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng việc cố gắng học hỏi nghiên cứu tìm tòi là điều kiện thiết yếu. Nhà toán học Poincaré đã để ra nhiều tháng để suy nghĩ nghiền ngẫm bài toàn khó, Mục sư Lloyd-Jones phải dành cả buổi sáng để suy gẫm Lời Chúa và cầu nguyện rồi “thình lình” mới được rọi sáng, chứ không có ai tìm tòi nghiên cứu qua loa sơ sài rồi bỏ đi chơi hay bỏ đi làm công việc khác mà cũng trông mong được “rọi sáng thình lình”.

Mục sư Lloyd-Jones nói rằng: ông coi hình thức của bài giảng, tức là việc soạn dàn bài, viết Lời Mở đầu, chia Thân bài thành nhiều Phần, sắp đặt các Phần cho thứ tự hợp lý và viết Lời Kết luận là điều rất quan trọng nên có lần ông phải đổi bài giảng, và giảng với đoạn văn Thánh Kinh khác, rồi chờ đợi cho đến khi có một dàn bài thật đầy đủ để giảng với đoạn văn ông đã có trước. Mặc dù ông đã biết rõ đoạn văn này Chúa đã ban cho ông, nhưng ông không dám giảng nếu ông không có một hình thức (dàn bài) hợp lý để có thể trình bày các sự dạy dỗ của Chúa cho có mạch lạc và rõ ràng. Theo kinh nghiệm của Mục sư Lloyd-Jones thì chừng vài ba tuần lễ sau, ông lại lấy đoạn văn kia ra, nghiên cứu và cầu nguyện để được Chúa soi sáng và ông có được một hình thức bài giảng (dàn bài) mà ông cảm thấy thoả lòng.

Có người hỏi rằng: “Khi bắt đầu giảng Mục sư có nên nói: ‘Hôm nay tôi giảng đoạn văn Thánh Kinh…, với đề tài… và bài giảng gồm các Phần sau đây… hay không”? Các Mục sư thời Thanh Giáo (Puritans) và cả Mục sư Charles H. Spurgeon đều theo “truyền thống” này, tức là nói rõ dàn bài của bài giảng ngay lúc bắt đầu. Làm cách này có điểm tốt là làm cho thính giả chú ý theo dõi bài giảng và giúp họ dễ nhớ các phần của bài giảng hơn, nhưng cũng có điểm bất lợi là sau khi báo trước dàn bài của bài giảng, người công bố Phúc Âm sẽ thiếu linh động. Vì bao nhiêu lần, khi đang giảng, chúng ta được Chúa Thánh Linh hướng dẫn để nhấn mạnh hay “đào sâu” phần này nhưng chỉ nói phớt qua, hay có khi bỏ hẳn một phần khác.

Khi đã có đầy đủ hình thức của bài giảng, tức là có dàn bài xây dựng cách vững chắc, chúng ta cần tra cứu lại một lần nữa (dùng các sách giải kinh, từ điển Thánh Kinh hay Thánh Kinh phù dẫn) để bảo đảm mình đã nắm vững được ý nghĩa của mỗi từ ngữ, thành ngữ trong đoạn văn Thánh Kinh, và đồng thời cũng kiểm điểm lại dàn bài một lần nữa.

Bây giờ chúng ta phải chọn một trong hai cách để trình bày bài giảng: (1) Viết cả bài giảng (trọn vẹn từng chữ), với lời mở đầu, thân bài (đầy đủ các phần) và lời kết luận ra giấy trắng mực đen, hay (2) giảng “ứng khẩu”, căn cứ trên dàn bài và một vài điều đã ghi ra giấỵ (như thí dụ soi sáng, những con số thống kê, niên lịch v.v….

Mục sư Charles H. Spurgeon, nhà “quán quân truyền đạo”, không bao giờ viết cả bài giảng ra giấy trắng mực đen mà chỉ dùng “bộ xương” (dàn bài) và một số chi tiết ghi trên giấy. Ngược lại, tiến sĩ Thomas Chalmers, lãnh tụ của Giáo Hội Tô- cách-lan Tự do (Free Church of Scotland) đã nhiều lần thử giảng “ứng khẩu” như Mục sư Spurgeon, nhưng lần nào cũng thất bại, vì vậy bài giảng nào của ông cũng phải viết ra trọn vẹn trên giấy. Trường hợp của sứ giả Phục hưng Jonathan Edvvards là một trường hợp đáng lưu ý hơn cả. Lúc đầu, ai cũng biết ông viết cả bài giảng ra giấy, vì nhiều lần ông đứng trên toà giảng, một tay cầm tập bài giảng còn tay kia cầm cây đèn cầy. Nhưng về sau Jonathan Edwards không còn viết cả bài giảng ra giấy nữa, mà chỉ ghi lên giấy “bộ xương” của bài giảng và một số chi tiết thôi.