Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương XI -Phần 1)

Chương XI: Hình Thức Của  Sứ Điệp

997b5856bc6f9011bf6216d3719c2e42

 

Phần 1

Sau khi đã kiếm được “sứ điệp chính” (hay chân lý) của đoạn văn Thánh Kinh được chọn làm nền tảng cho bài giảng (như La- mã 5:1-5), chúng ta phải viết ra Lời Mở đầu của bài giảng. Trong Lời Mở đầu, chúng ta phải nói rõ chân lý đó được ứng dụng như thế nào. Trước hết là cách “ứng dụng nguyên thủy”: như với đoạn văn này sứ đồ Phao-lô đã ứng dụng cho Hội Thánh tại La-mã như thế nào. Rồi để đưa đến phần ứng dụng “sứ điệp chính (chân lý) này cho Hội,thánh ngày nay, chúng ta nhân mạnh rằng: chân lý này đã được sứ đồ Phao-lô ứng dụng vào thế kỷ thứ nhất cho Hội thánh tại La-mã, nhưng đến nay vẫn còn hữu hiệu, vì chân lý của Thượng Đế không thay đổi và có thể ứng dụng cho mọi thời đại

Khi đem một đoạn văn, hay một câu trong Thánh Kinh để ứng dụng cho Hội Thánh ngày nay, chúng ta cần làm một việc quan trọng là: trưng dẫn một số đoạn văn hay câu khác trong Thánh Kinh để chứng minh cho thật rõ ràng rằng: giáo lý, hay sự dạy dỗ chúng ta rút ra từ đoạn văn Thánh Kinh này vẫn hợp thời, vẫn hữu hiệu và được nhiều chỗ trong Thánh Kinh xác nhận, chứ chứ không phải là một trường hợp đơn độc. Chúng ta cần nhớ rằng hầu hết những tà thuyết bắt đầu từ việc giải thích sai lầm một câu, hay một đoạn văn cá biệt nào đó trong Thánh Kinh. Người nào cho mình “khám phá” được một “giáo lý mới” mà không chịu đem kiểm chứng để xem “giáo lý” đó có được các chỗ khác trong Thánh Kinh xác nhận hay không là người chưa biết nghiên cứu Thánh Kinh. Người công bố Phúc Âm chân thật phải hết sức thận trọng để tránh lỗi lầm vô cùng tai hại đó.

images

Cách Mở đầu chúng ta vừa nói gồm có ba bước diễn tiến này: (1) nghiên cứu đoạn văn Phúc Âm, (2) nói qua cách “ứng dụng nguyên thủy”, và (3) cách ứng dụng ngày nay. Để cho thính giả chú ý, nhất là khi có một việc gì bất thường xảy ra cho một cá nhân tín hữu, cho một gia đình hay cho toàn thể Hội Thánh, thỉnh thoảng chúng ta cũng có thể áp dụng ba bước đó theo một thứ tự khác: (1) trình bày sơ lược việc bất thường vừa xảy ra, (2) tuyên bố: “Chúng ta cùng nhau xem Chúa dạy chúng ta giải quyết vấn đề đó cách nào qua Lời Chúa trong Thánh Kinh?” rồi trưng dẫn đoạn văn Thánh Kinh thích hợp, và (3) trình bày qua cách “ứng dụng nguyên thủy” và cách ứng dụng cho vấn đề ngày nay. Với cách Mở đầu đó, chúng ta nhắc cho thính giả nhớ rằng Lời Chúa không bao giờ lỗi thời, nhưng lúc nào cũng hợp thời và hữu hiệu để giải quyết tất cả những vấn đề khó khăn của Hội Thánh, cũng như của mỗi gia đình và mỗi cá nhân.

Chúng ta cần phải linh động khi chọn cách mở đầu. Đừng bao giờ để mình trở thành “nô lệ” của một phương pháp nào cả, nhưng lúc nào cũng nhờ Chúa Thánh Linh hướng dẫn để có thể công bố Phúc Âm cách trung thực.

Lời Mở đầu của bài giảng là một phần quan trọng để dẫn đến Thân bài là phần chúng ta dùng trình bày “sứ điệp chính”, tức là sự dạy dỗ chính yếu chúng ta đã học được với Chúa Thánh Linh qua đoạn văn Thánh Kinh dùng làm nền tảng của bài giảng.

Thân bài cần được chia thành nhiều Phần (hay Mục), và nếu cần, mỗi Phần (hay Mục) có thể được chia thành mấy Phần nhỏ (hay Tiểu Mục).

Có người cho rằng Thân bài phải có đúng ba Phần, không được nhiều hơn. Người nào giảng với Thân bài có bốn phần hay nhiều hơn là người giảng dở. Nhưng thật ra không có luật nào buộc chúng ta phải chia Thân bài làm mấy phần cả. Daniel Rovvlands, sứ giả Phục hưng ở xứ Wales (bên Anh) nhiều khi giảng với Thân bài chia làm mười phần mà phần nào cũng xuất sắc cả. Một nhà văn đồng thời với ông kể lại rằng: người được nghe Mục sư Rowlands giảng, từ Phần này đến Phần khác, cũng giống như người đứng trong một phòng bào chế nước hoa, lần lượt được thưởng thức hương thơm ngào ngạt của mười lọ nước hoa, từ lọ này đến lọ khác…

Chúng ta nhắc lại câu chuyện của sứ giả Phục hưng Robert Rowlands không phải để khuyến khích việc làm bài giảng dài, mỗi bài có đến mười Phần, nhưng để nhân mạnh rằng chúng ta không bị làm nô lệ cho một thứ luật nào cả và việc chia phần Thân bài giảng phải tự nhiên, và đừng bao giờ bị gò bó gượng gạo.

Chia phần và sắp đặt các phần này vào dàn bài cho có thứ tự và hợp lý là một việc rất quan trọng. Chúng ta phải để nhiều thì giờ cầu nguyện và suy gẫm đoạn văn Thánh Kinh dùng làm nền tảng bài giảng, và rất có thể phải soạn đi soạn lại cho đến lúc có một dàn bài đầy đủ. Nhưng nếu những điều Chúa dạy dỗ qua đoạn văn Thánh Kinh này chỉ có thể chia làm hai phần, chúng ta cũng giảng bài giảng với hai phần, chứ đừng nên cố gắng chia ra cho đủ ba phần và làm cho bài giảng trở thành thiếu tự nhiên.

Kinh nghiệm cho thấy rằng việc soạn bài giảng cũng giống như việc giải quyết một bài toán đố hóc búa. Nhiều khi chúng ta đã để nhiều thì giờ cố gắng, nhưng có những trở ngại khó khăn không vượt qua được. Khi đó, chúng ta nên tạm để việc soạn bài giảng qua một bên để nghe một bản nhạc, hay để làm một việc gì khác, rồi thình lình Chúa cho chúng ta thấy một ánh sáng loé lên trong đầu, và vấn đề khó khăn được giải quyết cách dễ dàng. Nhiều người đã biết câu chuyện thật sau đây của Tổng thống Pháp Poincaré. Trước khi làm tổng thổng, ông Poincaré là một nhà toán học nổi danh. Một lần nọ ông ráng giải quyết một bài toán thật khó. Ông biết thế nào bài toán đó cũng có phép giải, nhưng đã hơn ba tháng mà ông vẫn chưa tìm ra. Ông quyết định về một làng quê để đổi gió và nghỉ ngơi, đồng thời cũng để tìm cho ra phép giải bài toán kia. Nhưng dù cố gắng đến mấy ông cũng không thể nào giải được. Cuối cùng ông quyết định trở về Paris để thảo luận với các nhà toán học khác. Từ làng quê về Paris, ông phải đổi xe đò mấy lần. Khi đổi xe lần cuối cùng để lấy chuyến xe chạy suốt về Paris, ông suýt bị lỡ xe, nên phải hấp tấp xách mấy món hành lý cầm tay nhảy lên xe trước khi xe bắt đầu lăn bánh. Khi vừa lên được xe đò này, phép giải bài toán hóc búa kia, mà ông đã cố gắng nặn đầu nặn óc suy nghĩ mãi không ra, thình lình hiện ra cách rõ rệt trong trí ông, không thiếu một chi tiết nào cả!