Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương X -Phần 5)

Chương X: Chuẩn Bị Sứ Điệp

191115

Phần 5

Để làm sáng tỏ điểm này, Mục sư Lloyd-Jones có kể ra ba trường hợp không trung thực sau đây:

1. Một Mục sư giảng trên đài phát thanh bên Anh một lần nọ giảng với đề tài: “Biến chỗ quý vị bị đóng đinh thành ra một khu vườn”. Mục sư này trưng dẫn câu Giăng 19:41 “Tại chỗ Chúa chịu đóng đinh có một khu vườn và một ngôi mộ mới đào.” Câu này rất rõ ràng: khu vườn đã có ở đó trước khi Chúa chịu đóng đinh. Sự kiện Chúa chịu đóng đinh không gây ảnh hưởng gì trên khu vườn, và khu vườn cũng không có ảnh hưởng gì với sự kiện Chúa chịu đóng đinh. Thế mà Mục sư kia lại dùng câu Thánh Kinh đó giảng một bài để khuyên những ai bị thử thách đau khổ nên có tinh thần tích cực, lạc quan, và đừng bao giờ bi quan hay than vãn, rồi trước sau gì cũng có thể biến hoàn cảnh bi thương của mình thành một “khu vườn”! Bài giảng cũng có vẻ lâm ly lắm, có lẽ cũng đã làm cho người dễ xúc cảm đổ nước mắt, như người coi kịch khóc khi chứng kiến một cảnh bi thương trên sân khấu, nhưng thực ra giảng như vậy là không trung thực với Lời Chúa, là cố tình bẻ cong Thánh Kinh.

2. Một Mục sư khác nhấn mạnh mây chữ “Tin Lành của ta” trong câu IITi-mộ-thư 2:8 “Hãy nhớ rằng Đức Chúa Jê-sus Christ sanh ra bởi dòng vua Đa-vít, đã từ kẻ chết sống lại, theo như Tin Lành của ta”, để hỏi thính giả rằng: “Quý vị có Tin Lành của quý vị không? Quý vị có thể nói rằng “Tin Lành của tôi” không?” Rồi Mục sư này dùng mấy chữ này để nói đến kinh nghiệm cá nhân của Cơ-đốc-nhân, và dường như đã quên rằng khi nói: “Tin Lành của ta”, Phao-lô muôn nhắc cho Ti-mộ-thư nhớ Tin Lành ông đã học trực tiếp với Chúa Cứu Thế, Tin Lành đã được Chúa giao phó cho ông để công bố cho người nước ngoài (ICổ-linh 15:1-3). Chỉ có một Tin Lành, hay Phúc Âm, là Con Thượng Đế nhập thể trong dòng vua Đa-vít, đã chịu chết trên cây thập tự và đã sống lại. Phao-lô giảng Tin Lành đó, Phê-rô, Giăng và các sứ đồ khác cũng giảng Tin Lành đó. Phao-lô gọi Tin Lành đó là “Tin Lành của ta” vì ông nhận trực tiếp từ Chúa. Người công bố Phúc Âm cũng có thể gọi Tin Lành là “Tin Lành của tôi”, vì mỗi người công bố Phúc Âm cũng phải nhận Tin Lành Chúa giao phó trực tiếp cho mình, chứ không phải là Tin Lành mình học nơi người khác, hay mượn của người khác. Nhưng Tin Lành phải luôn luôn là: “Đức Chúa Jê-sus sanh bởi dòng vua Đavít, đã từ kẻ chết sống lại”, chứ không phải là kinh nghiệm của cá nhân nào. Người công bố Phúc Âm, cũng như người đi làm chứng đạo, có thể nói đến hiệu quả của Tin Lành trong đời sống mình, mình đã được Tin Lành biến đổi như thế nào, nhưng đó chỉ là phần phụ, chỉ là QUẢ, chứ không phải là NHÂN. Người công bố Phúc Âm phải nói đến Chúa Cứu Thế nhập thể, Chúa Cứu Thế chịu chết trên cây thập tự, Chúa Cứu Thế đổ huyết ra để rửa sạch tội lỗi chúng ta, Chúa Cứu Thế đã sống lại và sắp tái lâm. Đó là Phúc Âm, đó là NHÂN đem lại sự cứu rỗi, còn đời sống đổi mới là QUẢ. Nếu chỉ nói đến QUẢ, tức là kinh nghiệm sống cá nhân thì làm sao “Phúc Âm thể hiện quyền năng Thượng Đế để cứu rỗi mọi người tin nhận”? (La-mã 1:16). Các tôn giáo khác cũng có thể đưa ra những kinh nghiệm cá nhân đạo đức mô phạm mà không bởi quyền năng của huyết Chúa Cứu Thế. Nếu người rao giảng Phúc Âm không nói đến Chúa Cứu Thế và Chúa chịu đóng đinh trên cây thập tự như Phao-lô, người nghe có thể bùi tai để “theo đạo” chứ không bao giờ được Chúa Thánh Linh tái sinh.

nang-som-cdnnv-332x205

3. Trường hợp thứ ba là trường hợp của một Mục sư dùng chương 5 trong Các Vua thứ nhì để giảng một bài giảng với đề tài “Những cái gì quan trọng và không quan trọng trong cuộc sống”, và nói rằng Na-a-man đã chê sông Giô-đanh là con sông “không quan trọng” bằng hai con sông A-ba-na và Bạt-ba của Sy-ri. Nhưng ý nghĩa của câu chuyện trong Thánh Kinh là: Na-a- man phải hạ mình, phải hoàn toàn vâng phục thì Thượng Đế mới chữa cho ông khỏi bệnh phung. Nước sông Giô-đanh, hay con sông Giô-đanh không có quyền năng gì để chữa bệnh phung cả. Chỉ một mình Thượng Đế chữa và muốn được chữa lành, Na-a- man phải hoàn toàn đầu phục Thượng Đế và làm theo lời Ngài phán qua tôi tớ Ngài là tiên tri Ê-li-sê. Như vậy, khi đem so sánh sông Giô-đanh với hai con sông của Sy-ri rồi giảng về “cái gì quan trọng và không quan trọng trong cuộc sống” là một hành động chẳng những không trung thực với Lời Chúa, mà còn “bất trung” và xuyên tạc Lời Chúa nữa.

Người công bố Phúc Âm chân chính luôn luôn áp dụng nguyên tắc: Tuyệt đối TRUNG THỰC với Lời Chúa, theo đúng mạch văn (thượng hạ văn) trong Thánh Kinh không bao giờ “chặt đầu chặt đuôi” một câu rồi giải thích như câu ấy không liên hệ gì với mạch văn.

Chúng ta phải tìm lý nghĩa cho chính xác, và phải tìm cho biết Thánh Linh muôn dùng đoạn văn đó để dạy gì cho chúng ta trước, rồi cho thính giả. Đây là việc tìm biết ý nghĩa thuộc linh. Nhiều khi Chúa Thánh Linh dạy khía cạnh này cho chúng ta, còn người khác lại được Chúa dạy cho khía cạnh khác. Chính Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta tri thức thuộc linh, hay sự hiểu biết thuộc linh. IGiăng 2:20 và 27 gọi là “sự xức dầu” của Chúa Thánh Linh.

Để tìm biết ý nghĩa thuộc linh sâu xa Thánh Linh muốn dạy chúng ta qua đoạn văn Thánh Kinh, chúng ta phải “nói chuyện” với đoạn văn, phải đặt ra những câu hỏi cho đoạn văn trả lời. Tại sao đoạn văn này nói như vậy? Đoạn văn này nhắm vào cái gì hay vào ai? Mục đích của đoạn văn là gì? Những câu hỏi khác như: khi nào? làm cách nào? tại sao? ở đâu? ai nói? ai làm? áp dụng cho ai? v.v… là những câu hỏi chúng ta phải đem ra hỏi đoạn văn để tìm các câu trả lời.

Khi chất vấn đoạn văn như vậy, nếu thây có những ý kiến mới mẻ, chúng ta đừng dùng ngay, nhưng phải kiểm chứng lại. Nếu thấy các ý này có vẻ “gượng gạo”, tức là phải gò bó, chèn ép mới có thể để vào toàn bộ ý nghĩa của đoạn văn, chúng ta phải loại bỏ các ý ấy. Vì một ỷ tưởng nào có vẻ “gượng gạo” là ý tưởng không hoàn toàn trung thực với đoạn văn. Thà không giảng một bài ta cho là xuất sắc còn hơn là giảng một bài thiếu trung thực. Nếu chưa hiểu rõ ý nghĩa một từ ngữ hay thành ngữ nào, chúng ta phải tra cứu (từ điển Thánh Kinh, Thánh Kinh Phù dẫn, sách giải kinh v.v..).

Điều quan trọng nhất mà Mục sư phải luôn luôn lưu ý khi chuẩn bị bài giảng cũng như khi đứng lên toà giảng công bố Phúc Âm là làm thế nào để trình bày “sứ điệp chính”, tức là giáo lý làm nền tảng cho bài giảng, một cách rõ rệt khúc chiết để đánh mạnh vào sự chú ý và vào trí nhớ của thính giả. Nếu người giảng không nắm vững được vấn đề, không biết rõ điều Thánh Linh muốn dạy chính mình và thính giả qua đoạn văn Thánh Kinh mình đã chọn, rồi đến khi giảng lại nói lòng vòng từ điểm này qua điểm kia, hay để quá nhiều thì giờ trình bày những điểm phụ đến nỗi không có đủ thì giờ trình bày điểm chính yếu, thì không thể nào gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên thính giả được.