Lịch Sử Truyền Giáo II – Chương IX: Đông Á

Chương IX: Đông Á

I. TRUNG HOA

E. Thời Kỳ Trước Cuộc Cách Mạng Tân Hợi (1911)

Lịch Sử Truyền Giáo Thế Giới II
Lịch Sử Truyền Giáo Thế Giới II

Mặc dầu có cuộc nổi dậy của Hồng Tú Toàn, giai đoạn từ 1860-1900 là giai đoạn phát triển khá nhanh chóng của công cuộc truyền giáo. Các nhà thờ, trường học, bệnh viện được dựng lên ở nhiều nơi. Có 3 Hội Thánh Kinh: Thánh Kinh Hội Anh quốc và Hải ngoại, Thánh Kinh Hội Hoa kỳ và Thánh Kinh Hội Tô-cách-lan, cùng với 11 Hội phân phát văn phẩm Cơ-đốc và 11 nhà in, tiếp tục sản xuất và phân phát các sách vở tài liệu Cơ-đốc. Một đại Hội Đồng toàn quốc được tổ chức ở Thượng Hải vào 1877, và 10 năm sau Đại Hội thứ nhì cũng được tổ chức ở Thượng Hải đã kêu gọi các Hội Truyền giáo gởi 1.000 giáo sĩ đến Trung- hoa trong 5 năm tới với mục đích “truyền bá Phúc Âm khắp Trung quốc trong thế hệ này.” Đến ngày Kỷ niệm 100 năm Phúc Âm đến Trung-hoa (kể từ năm Robert Morsson đặt chân lên Trung Hoa) vào năm 1907, đã có tất cả 94 Hội Truyền giáo Cải Chánh hoạt động ở Trung-hoa, với tổng số 3.445 giáo sĩ, 632 trụ sở truyền giáo, 166 bệnh viện và 389 trường học.

Công cuộc truyền giáo trong thời kỳ này không phải là hoàn toàn êm xuôi. Tinh thần bài ngoại dân chúng thời ấy khá mạnh và các Hội Truyền giáo có khi bị dân chúng địa phương chống đối, có khi bị chánh quyền làm khó dễ. Thỉnh thoảng cũng có những cuộc bạo động như cuộc bạo động ở Hàng-châu vào năm 1868, ở Thiên-tân và Hán-khẩu vào năm 1870 làm cho vài chục người ngoại quốc bị sát hại. Năm 1890 cũng có mấy cuộc bạo động trong các thành phố dọc sông Dương Tử. Năm năm sau 10 giáo sĩ và nhân viên của các Hội Truyền giáo bị giết ở một thành phố khác.

Lịch Sử Truyền Giáo II
Lịch Sử Truyền Giáo II

Cuộc bạo động đẫm máu nhất là cuộc bạo động Nghĩa Hòa Đoàn (Boxer Rebellion) bộc phát vào năm 1900. Có đến 189 giáo sĩ và con cái giáo sĩ thuộc các Hội Truyền giáo Tin Lành bị sát hại. Trong số này có 79 người thuộc Hội Truyền Giáo Nội Địa Trung-hoa, 36 người thuộc Hội Truyền giáo Phước Âm Liên Hiệp. Hàng chục giáo sĩ khác kịp trốn thoát về miền biển. Trong khi đó các tín đồ người Trung-hoa bị lên án là “tay sai của đế quốc”, bị kéo ra tòa án và bị buộc phải chối bỏ đức tin. Những người nhất quyết trung tín với Chúa đều bị tra tấn và tàn sát. Không ai biết rõ có bao nhiều người Trung Hoa đã tuận đạo, nhưng chắc chắn đã có hàng ngàn người “cứ giữ trung tín cho đến chết” và đã được “mão triều thiên của sự sống.”

Khi cuộc loạn lạc đã yên, các Hội Truyền giáo lại bất tay vào việc hàn gắn các vết thương, sửa chữa những hư hại vật chất và tiếp tục tiến hành công cuộc truyền bá Phúc Âm. Kết quả thu lượm được trong 10 năm (từ 1900-1910) vượt hẳn kết quả suốt 50 năm trước đó. Trong thời gian này Trung-hoa đã chứng kiến nhiều cuộc phục hưng có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài, như cuộc phục hưng ở miền bắc Trung Hoa và đã được giáo sĩ Jonathan Goforth tường thuật trong cuốn “Bởi Thần Ta” (đã được dịch ra tiếng Việt và đã xuất bản). Ngoài một số khá đông được Chúa Thánh Linh thuyết phục trở lại tin Chúa Giê-xu. Cũng có một số người gia nhập Giáo hội vì Giáo hội đã gây được uy tín và có một thế đứng trong xã hội Trung Hoa. Các Hội Truyền giáo không phải là không biết tình trạng đó, nhưng họ cứ cố gắng đẩy mạnh công cuộc truyền giáo cho người chưa tin, trong khi còn có cơ hội thuận tiện. Theo báo cáo năm 1914, thì các Hội Truyền giáo Tin Lành có tất cả 543 trường Trung học, với 33.000 học sinh, 32 trường Cao đẳng và Đại học với 2.000 sinh viên, 265 bệnh viện và 386 chẩn y viện phục vụ mỗi năm được chừng 1 triệu người. Nhân viên ngoại quốc phục vụ trong các cơ sở y tế này gồm có 328 nam bác sĩ, 92 nữ bác sĩ và 127 y tá. Cũng trong 10 năm này, các cơ quan ấn loát đã tăng số ấn hành hàng năm từ 2 triệu rưỡi cuốn Kinh Thánh hay từng phần Kinh Thánh, lên đến 6 triệu. Tổng số tín đồ Trung-hoa toàn quốc chừng 250.000 người.