Lịch Sử Truyền Giáo II – Chương IX: Đông Á

Chương IX: Đông Á

I. TRUNG HOA

D. Hồng Tú Toàn và Thái Bình Thiên Quốc

Lịch Sử Truyền Giáo II
Lịch Sử Truyền Giáo II

Ai có thể tin được rằng sách vở tài liệu Cơ-đốc để chỉ cho người ta biết con đường cứu rỗi, đường tìm đến Chúa Hòa Bình, lại trở thành một “nguồn ý kiến” gợi ý cho một nho sinh miền nam Trung Hoa gây nên một cuộc binh biến đẫm máu. Thi mãi không đậu, nho sinh Hồng Tú Toàn đi học làm phù thủy (thầy pháp). Tình cờ lấy được mấy cuốn sách Cơ-đốc, Hồng Tú Toàn dựa theo đấy mà tuyên bố rằng: Thượng Đế có hai người con, con thứ nhứt là Chúa Giê-xu đã đến thế gian vào đầu kỷ nguyên, đến nay Thượng Đế sai con thứ hai là Hồng Tú Toàn xuống trần để cứu dân tộc Hán ra khỏi ách đô hộ của người Mãn Thanh. Phong trào nửa chính trị nửa tôn giáo này mở rộng rất mau lẹ. Hồng Tú Toàn cũng chủ trương chia đất cho nông dân, nên có hàng vạn người theo. Hông Tú Toàn liền tuyên bố sáng lập ra Thái Bình Thiên quốc và tự xưng là Thiên Hoàng. Đoàn quân của Hồng Tú Toàn chiếm cứ cả miền nam Trung Hoa, đóng đô ở Nam Kinh. Quân đội ô hợp của Hồng Tú Toàn đi đến đâu thì cướp phá giết chóc đến đó. Vì thiếu tổ chức, không có lãnh tụ, với đoàn quân ô hợp không có kỷ luật, nên cả “Thiên Quốc” của Hồng Tú Toàn đã tan rã rất nhanh chóng khi đoàn quân chủ lực của triều đình Mãn Thanh tấn công. Trong thời gian ngắn ngủi 14 năm (1851-1864), ngoài các thiệt hại vật chất, dân tộc Trung-hoa đã thiệt mất 20 triệu người chết trong cuộc biến loạn này.