Khảo Học Thư Phi-líp – Chương 8.1

Chương 8.1: Lời Chào Thăm: Cầu Chúc Ân Phúc & Bình An (1:2)

650715-rose-flowers-in-the-garden

Người Việt Nam chúng ta, khi viết thư thường vân an và chúc lành nhiều cách khác nhau tùy theo địa vị của người nhận thư trong xã hội, trong gia đình, tùy theo tuổi tác, chức nghiệp, và tùy theo mối liên hệ của người nhận thư với người viết thư, từ chỗ sơ giao đến mức thâm tình.

Người Hy-lạp và La-mã, trong lời chào thăm và cầu chúc của bức thư thường chúc nhau “thịnh vượng,” “vui mừng.” Các dân tộc trung đông như người Sy-ri, I-rắc, Ai cập, Do thái, và nhiều dân tộc Á Châu, viết thư thường chào thăm và chúc nhau hai chữ “bình an.”

Ngày Tết, chúng ta thường nghe các câu chúc nhau “phúc, lộc, thọ,” “thịnh vượng,” “thành công.” Một số không khỏi đọc thầm bài thơ của Tú Xương: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau, chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu, V.V….”

Khi viết thư cho các tín hữu tại thành phố Phi-líp, xứ Hy-lạp – Ma-xê-đoan, sứ đồ Phao-lô không chào mừng và cầu chúc theo lối thông thường trong xã hội Hy-lạp là “thịnh vượng và vui mừng,” nhưng Phao-lô đã dùng một lời chúc mới mẻ: “cầu xin Thượng Đế, Cha chúng ta và Chúa Cứu Thế Jê-sus ban ân phúc và bình an cho anh em.” Phi-líp 1:2. Lời chúc mới mẻ ấy thường được Phao-lô dùng ở đầu và cuối các thư từ của ông. Lời chúc ấy có ý nghĩa gì? Lời chúc ấy có hiệu lực không? Hay chỉ là một câu xã giao không hơn không kém?