Khảo Học Thư Phi-líp – Chương 6.4

Chương 6.4 Tác giả thư Phi-líp (1:1-2)

650715-rose-flowers-in-the-garden

Điều kiện lựa chọn một thanh niên phục vụ Chúa, trong trường hợp Ty-mộ-thư cũng như trong tất cả các trường hợp tuyển lựa người hầu việc Chúa, có thể tóm tắt trong năm điều kiện:

• Thứ nhất, đương sự phải là một người có đức tin, có kinh nghiệm bản thân về quyền năng cứu rỗi, đổi mới của Chúa Thánh Linh.

• Thứ hai, đương sự phải học hỏi Thánh Kinh, không phải chờ đợi cho thật uyên bác mới hầu việc Chúa được, nhưng phải có một căn bản Thánh Kinh đầy đủ.

• Thứ ba, đương sự phải có tinh thần muốn phục vụ Chúa, truyền bá Phúc Âm theo sự dìu dắt của Chúa.

• Thứ tư, đương sự phải được nhiều người làm chứng tốt, nghĩa là đức hạnh do sự đổi mới của Chúa đã thể hiện trong nếp sống hằng ngày của đương sự, đến nỗi mọi người, thù cũng như bạn đều phải nhìn nhận.

• Thứ năm, sự lựa chọn ấy phải “theo đúng lời Thánh Kinh.” Phao-lô nói đến những lời tiên tri chỉ về Ty-mộ-thư, khi Ty-mộ-thư được chọn làm người phục vụ Chúa.

Đó là những lời Thánh Kinh nêu rõ các nguyên tắc tuyển chọn đầy tớ của Ngài.

Phao-lô nhận thấy thanh niên Ty-mộ-thư đủ điều kiện nên chọn Ty-mộ-thư làm người cộng sự, một người đồng tâm đồng chí truyền bá Phúc Âm tại bất cứ nơi nào Chúa sai đi.

Từ ngày đó, Ty-mộ-thư luôn luôn theo Phao-lô, học hỏi thêm Thánh Kinh, thần học, phương pháp truyền giảng và kinh nghiệm sống cho Chúa. Nói cho đúng, Ty-mộ-thư học với Chúa Cứu Thế qua đời sống và hoạt động của nhà truyền bá Phúc Âm Phao-lô. Từ giã gia đình, rời quê hương ở Tiểu Á, Ty-mộ-thư theo Phao-lô và đoàn truyền giáo qua Âu Châu. Hội thánh đầu tiên được thành lập trong chặng đường truyền giáo thứ nhất của Ty-mộ-thư chính là Hội thánh Phi-líp. Vì thế Ty-mộ-thư có nhiều kỷ niệm rất đẹp về Hội thánh này, Và duy trì mối giao tình thân thiết với các tín hữu Phi-líp.

red-rose-wallpaper-photo

Học hỏi ngày càng tiến bộ, kinh nghiệm ngày càng phong phú, Ty-mộ-thư được Phao-lô ủy nhiệm thi hành nhiều công tác khó khăn ở các Hội thánh. Ty-mộ-thư trung thành với Phao-lô, người cha tinh thần, vị thầy thân ái cho đến cuối cùng. Sau này trong những ngày nhà truyền giáo Phúc Âm chuẩn bị tử đạo tại thủ đô La-mã, Phao-lô viết thư gọi Ty-mộ-thư khẩn cấp đến thăm ông, và nhân đó đã viết một bức thư tuyệt vời là bức thư Ty-mộ-thư thứ hai. Đó là lời nhắn nhủ cuối cùng, gần như một chúc thư với những lời tâm huyết của một người truyền bá Phúc Âm đi trước cho các thế hệ truyền bá Phúc Âm đi sau, trải các thời đại.

Trong Thánh Kinh cũng như trong lịch sử Hội thánh, tên Ty-mộ-thư được gắn liền với tên Phao-lô, làm nổi bật một khuôn mẫu huấn luyện người hầu việc Chúa, theo nguyên tắc huấn luyện của Chúa Cứu Thế (Mat. 11:28). Khuôn mẫu ấy nhắc nhở người truyền bá Phuc Âm chung ta ngày nay, nhờ ân Thánh Linh sáng suốt chọn thanh thiếu niên để hướng dẫn, đào luyện người truyền bá Phúc Âm cho thế hệ ngày mai.

Một khi cuộc đời chức vụ của Phao-lô chấm dứt, sẽ có hằng chục, hằng trăm, hàng ngàn Ty-mộ-thư khác thay thế và đẩy mạnh công cuộc truyền bá Phúc Âm của Chúa Cứu Thế.