Khảo Học Thư Phi-líp – Chương 6.3

Chương 6.3 Tác giả thư Phi-líp (1:1-2)

Thi 147.8

Trong thư Phi-líp cũng như các thư II Cổ-linh, Cô-lô-se, hai thư Tê-sa-lô-ni-ca và thư Phi-lê-môn, tên Ty-mộ-thư được xếp ngang với tên Phao-lô, như một người viết thư. Ty-mộ-thư là một thanh niên ở thành phố Lý-trà, xứ Ga-ta-ti, thuộc trung bộ Tiểu Á. Con trai của một người Hy-lạp, Ty-mộ-thư đã được hấp thụ văn minh Hy-lạp giữa xã hội người Ga-la-ti – cùng một gốc với người Gaulers, tổ tiên dân tộc Pháp ngày nay. Óc hoài nghi, khiếu ưa lý luận và tính tình mau dời đổi là đặc tính của người Ga-la-ti. Nhưng Ty-mộ-thư đã vượt khỏi các ảnh hưởng của xã hội Ga-la-ti và tìm được sự sống mới trong Chúa Cứu Thế. Mẹ và bà ngoại Ty-mộ-thư, người gốc Do thái và là tín đồ của Chúa Cứu Thế, đã gây ấn tượng sâu xa trong trí óc Ty-mộ-thư từ tuổi ấu thơ.

Đến tuổi thiếu niên, Ty-mộ-thư chắc hẳn đã gặp nhà truyền bá Phúc Âm Phao-lô tại quê nhà. Chắc hẳn Ty-mộ-thư đã chứng kiến cảnh hoan hô ồ ạt khi Phao-lô và Ba-na-ba chữa lành người què tại thành phố ấy. Ty-mộ-thư thấy đồng bào mình tôn thờ Phao-lô và Ba-na-ba như hai vị thần tối linh của người Hy-lạp. Nhưng dư luận xoay chiều như chong chóng, mới hoan hô đó đã quay lại đả đảo, chỉ vì bọn người Do thái tuyên truyền xuyên tạc. Họ ném đá Phao-lô gục xuống và tắt thở. Chắc hẳn Ty-mộ-thư đã vô cùng xúc động khi thấy một số đồng bào họp nhau cầu nguyện Chúa Jê-sus quanh thi hài Phao-lô, lập tức Phao-lô hồi sinh và đứng dậy đi vào thành, tiếp tục nói về Chúa Cứu Thế cách hăng say. Nghe và hiểu được tình yêu cùng sự hy sinh vô hạn của Chúa Cứu Thế, Ty-mộ-thư đã quyết định tin nhận Chúa Cứu Thế.

Cuộc đời Ty-mộ-thư bắt đầu biến cải. Tâm tính Ty-mộ-thư đổi mới hoàn toàn đến nỗi ai cũng phải nhìn nhận quyền năng cứu rỗi của Phúc Âm. Trong chuyến ghé thăm Ga-la-ti lần thứ hai, Phao-lô gặp Ty-mộ-thư, nghe các tín hữu làm chứng tốt cho Ty-mộ-thư, xác nhận rằng Chúa đã hành động trong đời sống người thanh niên ấy, Ty-mộ-thư được chọn làm người phụ Tá cho Phao-lô trong công cuộc truyền bá Phúc Âm.