Khảo Học Thư Phi-líp – Chương 12.1
Chương 12.1: Hoàn Cảnh & Tâm Trạng Người Viết Thư (1:12-20)
Sau khi học qua phần mở đầu thư Phao-lô gởi Hội thánh Phi-líp chương 1:1-11, chúng ta bắt đầu vào các phần chính của bức thư.
Chương 1:12-26 nói về hoàn cảnh và tâm trạng của sứ đồ Phao-lô trong khi viết thư Phi-líp 1:12-20
Chín câu văn vừa phác họa hoàn cảnh của Phao-lô, vừa miêu tả tâm trạng của ông trong hoàn cảnh ấy:
I. Hoàn cảnh của người truyền bá Phúc Âm Phao-lô trong khi viết thư Phi-líp được phác họa bằng mấy nét bút chấm phá, qua các từ liệu “những hoạn nạn, bắt bớ, tù đày (c 12), giam cầm (c 13), tù tội, xiềng xích gông cùm (c 14), và nỗi khổ đau trong ngục tù” (c 17).
Thật ra trong nguyên tác, Phao-lô chỉ dùng mấy chữ có thể dịch là “việc của tôi,” “trường hợp của tôi,” “các điều liên hệ đến tôi” để chỉ về cảnh hoạn nạn, bắt bớ, tù đày mà ông đang phải chịu vì danh Chúa Jê-sus. Đối với anh em tín hữu Phi-líp, ông chỉ nói tắt mấy chữ là đủ, chính họ đã biết Phao-lô bị bắt bớ, tù đày vì Chúa Cứu Thế nên họ mới cử người đại diện đến phục vụ ông trong tù, tiếp tế vật chất trong thời gian ông gặp hoạn nạn, túng thiếu.
Sau khi bị bắt trói tại thành phố Giurus, bị người Do thái âm mưu thủ tiêu nhiều lần liên tiếp, Phao-lô bị giam cầm ở Sê -sa-rê, rồi giải xuống tàu đưa đến thủ đô La-mã cho hoàng đế xét xử. Có người đã nhắc câu văn Lưu-ca viết cuối sách Công-vụ Các Sứ-đồ, để cho rằng Phao-lô chỉ bị giam lỏng trong thời gian viết thư Phi-líp. Lưu-ca viết:
“Khi chúng tôi đến thành La-mã, Phao-lô được phép ỏ riêng với một người lính canh giữ (28:16), và Phao-lô ở trọn hai năm tại một nhà trọ đã thuê. Người tiếp rước mọi người đến thăm mình, giảng về Nước Đức Chúa Trời và dạy dỗ về Chúa Cứu Thế Jê-sus cách tự do trọn vẹn, chẳng ai ngăn cấm người hết.”
Nếu phải ở tù mà được tự do truyền giảng Phúc Âm như thế, thì ở tù cũng thích thú. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, hoàn cảnh của Phao-lô khi viết thư Phi-líp đã khác hẳn, không còn dễ dãi, tự do như giai đoạn ở La-mã mà Lưu-ca đã miêu tả. Có thể sau giai đoạn hai năm ấy đã có nhiều biến chuyển: hoặc khi gần đến ngày ra tòa án tối cao, các nhà chức trách ra lệnh giam cầm chặt chẽ Phao-lô trong ngục, không cho được ở nhà thuê như trước. Hoặc sau khi hoàng đế Claudious qua đời, bạo chúa Neron lên ngôi, chế độ giam cầm trở nên gắt gao hơn, chính sách của chính quyền đế quốc La-mã đối với hội thánh cũng trở nên áp bức, bạo ngược hơn.
Câu 13 nói đến “sự giam cầm,” theo nguyên tác là “các xiềng xích.” Danh từ “các xiềng xích” số nhiều cũng được lập lại ở câu 14 một lần nữa, và đến câu 17, Phao-lô nói đến “các nỗi đau khổ trong ngục tù,” để chỉ về các đau đớn thể xác và tinh thần mà người truyền bá Phúc Âm phải chịu đựng trong khám đường La-mã, chắc hẳn bao gồm cả những cuộc tra tấn, đánh đập và sỉ vả, làm nhục. Hơn nữa, đối với Phao-lô là một người hoạt động không biết mệt, thì khoảng thời gian giam cầm hơn hai năm tại Sê-sa-rê (Công vụ 24:27), rồi hai năm tại La-mã (28:39), tổng cộng có thể đến gần năm năm mất tự do, không được đi lại hoạt động truyền giáo là cả một cực hình kinh khủng và dai dẳng. Bao nhiêu kế hoạch truyền giáo từ Giê-ru-sa-lem đến Nam tư (Ilyri) và Tây ban nha phải ngưng. Bao nhiêu tín hữu ở các nước muốn mời ông đến chia xẻ ân phước phải mỏi mắt chờ đợi. Bao nhiêu đồng bào cần nghe Phúc Âm ở các nước khắp thế giới phải thất vọng, vì người truyền bá Phúc Âm vẫn còn bị xiềng xích trong ngục tù. Nhìn về phương diện hoàn cảnh thì dường như chỉ thấy tôi tăm và tuyệt vọng, chương trình của ông bị ngưng trệ và thất bại.