Khảo Học Thư Phi-líp – Chương 11.4

Chương 11.4: Lời Cầu Nguyện (1:9-11)

chua-luon-tuyet-voi

Nhờ tri thức và óc sáng suốt phát triển liên tục, người tin Chúa “biết quý chuộng những điều tuyệt hảo, giữ tâm hồn trong sạch và sống một cuộc đời hoàn toàn, không ai chê trách được cho đến ngày Chúa trở lại.”

Động từ “quý chuộng” cũng có thể dịch là “chấp nhận,” “tán thành,” và “chấp thuận” sau khi thí nghiệm.

Từ “điều tuyệt hảo” theo nguyên tác có thể dịch là “điều tốt hơn.” Phao-lô nhìn nhận anh em tín hữu đã biết thí nghiệm và chấp nhận những điều tốt, nhưng nhờ tri thức và sự sáng suốt ngày càng sâu rộng, anh em tín hữu có thể khám phá những điều tốt hơn hiện có, những điều toàn hảo, và tuyệt hảo trong Chúa Cứu Thế. Bỏ một điều xấu để nhận một điều tốt, tuy khó nhưng cũng tương đối dễ, hơn là bỏ một điều mình cho là tốt, để vươn lên nắm lấy điều tuyệt hảo mà Chúa muốn dành cho bạn. Phải có tinh thần cầu tiến, tinh thần vươn lên mạnh mẽ, tinh thần tiến bộ không ngừng trên con đường theo Chúa và học biết Chúa.

Tinh thần đó vô cùng quan trọng trong con người theo Chúa, vì mục đích tối hậu của người theo Chúa là, sống cuộc đời hoàn toàn đẹp lòng Chúa để sẵn sàng chờ đón Chúa tái lâm.

Đến ngày Chúa trở lại, chúng ta là con cái Chúa, ứng hầu trước tòa án Chúa Cứu Thế, mới thấy rõ những điều hiện nay ta cho là tốt, nhưng không thể nào chịu nổi ngọn lửa thử luyện của Chúa trong ngày ấy. Cỏ khô, rơm rạ, gỗ, hay vàng, bạc, bửu thạch, chỉ về giá trị cuộc đời của mỗi người theo Chúa đều phải bị lửa thử luyện, như sứ đồ Phao-lô đã viết trong I Cổ-linh 3:12-15: gỗ tuy quý hơn cỏ khô, rơm rạ nhưng cũng phải cháy rụi trong lửa, bạc tuy qua được lửa, nhưng không quý bằng vàng, ngọc.

Đời sống theo Chúa của bạn ngày nay có bản chất cỏ khô, rơm rạ, gỗ hay vàng, bạc, bửu thạch?