Chương 4-Huyết Chúa Jê-sus (Phần 2)

I. Đức tin để Dự phần vào các Phước hạnh của Thập Tự Giá

Jesus Christ Crucifixion on Good Friday Silhouette

“Các con được điều các con tin” (Ma-thi-ơ 9:29) (According to your faith, be it done to you”. Đây là lời của chính Chúa Jê-sus phán với hai người mù trước khi họ được chữa lành. Lời này là qui luật bất di bất dịch của vương quốc ân điển và dược áp dụng cho tất cả các trường hợp của đời sống thuộc linh.

Đức tin là bản thể bề trong của tấm lòng (quả tim). Nếu không có đức tin thì dù Đức Chúa Trời có ban cho chúng ta những hạnh phúc vinh quang nhất, các hạnh phúc này cũng chỉ là vô dụng. Ngược lại, với đức tin chúng ta chắc chắn tiếp nhận và tận hưởng cách vui sướng tất cả sự phong phú vô hạn của ân điển Đức Chúa Trời. Vì vậy, điều vô cùng quan trọng cho chúng ta là chúng ta phải tự nhắc nhở cho mình nhớ những gì cần thiết để chúng ta biết đặt đức tin mình vào Huyết quý báu của Chúa, vì chỉ nhờ đức tin chúng ta có thể tận hưởng mọi quyền năng và phước hạnh mà Huyết Chúa đã thực hiện cho chúng ta. Nhưng trước khi đi sâu vào các điều đó, chúng ta phải ghi nhận điểm này: đức tin phát sinh khi chúng ta ý thức được nhu cầu.

Biến cố siêu nhiên đã làm rúng chuyển cả trời, đất và hoả ngục, là biến cố đã được chuẩn bị và chờ đợi suốt bốn ngàn năm, là biến cố đã đem lại các kết quả còn tồn tại cho đến đời đời. Biến cố đó là việc Con Đức Chúa Trời đổ Huyết trên thập tự giá với mục đích vĩ đại không có ngôn ngữ nào có thể mô tả được, là: tiêu diệt hoàn toàn tội lỗi và tất cả các hậu quả của tội lỗi.

Chỉ có người nào đồng ý với mục đích vĩ đại này và đồng thời tìm kiếm mục đích đó mới có khả năng, bởi đức tin, đi vào mối thông công trọn vẹn với các phước hạnh Huyết Chúa đem lại.

Người nào chỉ muốn được giải cứu khỏi hình phạt của tội lỗi, hay khỏi tội lỗi là thứ ngăn cản mình vào thiên đàng, thì người đó chắc chắn không thể nào có đức tin mạnh đủ để tiếp nhận các lời Chúa đã hứa về Huyết.

Nhưng một khi linh hồn nào thực sự tìm kiếm sự tẩy sạch tội lỗi, cùng với quyền lực của tội lỗi, và để có một đời sống thông công mật thiết với Đức Chúa Trời thánh khiết, thì người đó đã đạt được điều kiện tiên quyết để có đức tin thật trong Huyết Chúa.

Khi càng thấy không thoả lòng về những lỗi lầm và thiếu sót trong đời sống tin kính, chúng ta càng tha thiết mong muốn được hoàn toàn phóng thích khỏi tội lỗi. Mặt khác, khi càng mong muốn được thông công liên tục với Đức Chúa Trời trong “nơi Chí thánh”, linh hồn chúng ta càng sẵn sàng, bởi đức tin, tiếp nhận các điều Đức Chúa Trời hứa.

Ôi, ước gì mắt chúng ta được mở ra để thấy những điều Đức Chúa Trời muốn làm cho chúng ta! Ước gì chúng ta cảm thấy không thể nào chịu được nữa, khi tâm linh cứ đi vớ vẩn cách xa Đức Chúa Trời! Ước gì linh hồn chúng ta khao khát tình yêu của Đức Chúa Cha (Giăng 17:26) để kêu xin Đức Chúa Trời hằng sống tuôn tràn tình yêu đó vào lòng chúng ta! Khi đó, “đức tin trong Huyết Đấng Christ” sẽ có một ý nghĩa mới và sẽ khơi động trong chúng ta lòng tha thiết ước mong quyền năng của Huyết Chúa.

Khi nào chúng ta ý thức được nhu cầu, thì điều kiện tiên quyết để có thể có đức tin trọn vẹn trong Huyết Chúa là: một tri thức tâm linh về Lời Đức Chúa Trời.

Một sự hiểu biết cạn cợt về Lời Đức Chúa Trời chỉ đem lại rất ít quyền năng thuộc linh và đức tin không thể nào tăng trưởng cách mạnh mẽ nếu không được chính Thánh Linh dạy dỗ và áp dụng Lời Ngài cho chúng ta.

Có quá nhiều tín đồ cho rằng vì họ đã có hy vọng vào Huyết Chúa để đem lại sự cứu rỗi, nên chẳng còn có gì cho họ phải học hỏi để biết thêm về Huyết cả! Họ cho rằng họ đã biết rõ và đã nắm vững được các điều Giáo hội dạy dỗ, nên đâu cần gì phải biết nữa! Những người này không biết tin và trông đợi Lời Chúa sẽ mở cho họ thấy những chân lý mới mẻ mầu nhiệm về Huyết Chúa Jê-sus. Họ có thái độ sai lầm này là vì họ chưa biết thế nào là đặt mình hoàn toàn dưới sự dạy dỗ hướng dẫn của Đức Thánh Linh, là “Thần Khôn ngoan và Khải thị” (Êphêsô 1:17), để Ngài hà hơi trên Lời Chúa, làm cho những từ ngữ, những giáo lý họ cho là quá quen thuộc, trở thành sống động mới mẻ với những sự dạy dỗ đâm suốt tấm lòng và tâm trí.

Những người này quên rằng: “sự xức dầu của Ngài dạy các con mọi sự” (I Giăng 2:27), và “…chúng ta không nhận lãnh thần linh thế gian, nhưng là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, để nhận biết những điều Đức Chúa Trời ban cho chúng ta” (I Cơ-rinh-tô 2:12).

Tín hữu nào muốn hiểu thấu đáo quyền năng diệu kỳ của Huyết Chúa phải học Lời Chúa cách riêng tư với Đức Thánh Linh và với lòng vâng phục trọn vẹn. Người này phải biết rằng Lời Đức Chúa Trời có những ý nghĩa vô cùng rộng lớn sâu nhiệm hơn là những ý nghĩa suy luận bằng lý trí con người. Người này cũng phải biết rằng những chân lý Đức Chúa Trời dạy dỗ là sự thật, là quyền năng và vinh quang mà trí óc con người không thể hình dung nổi. Chính Đức Thánh Linh dạy các điều nay cho ai thành tâm học hỏi. Không phải Ngài dạy tất cả mọi điều trong một thời gian ngắn, nhưng Ngài sẽ lần lần chỉ dẫn khi chúng ta kiên nhẫn và dành thì giờ học hỏi với Ngài.

Một khi đã tin rằng mỗi chữ, mỗi từ ngữ trong Lời Chúa đều rất phong phú, thiêng liêng và sống động, chúng ta ý thức được rằng “Huyết của Con Đức Chúa Trời” là một chân lý vinh quang mà chỉ một mình Đức Chúa Trời biết rõ và cũng chỉ một mình Ngài mới có thể khải thị cho chúng ta biết. Mỗi khiá cạnh của chân lý về Huyết Chúa chỉ có thể được chiếu sáng bằng sự bày tỏ quyền năng thiên thượng, vượt xa những khái niệm và suy luận của con người.

Với niềm tin, ý thức và thái độ đó, chúng ta phải dành thì giờ suy gẫm dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh mỗi câu, mỗi đoạn văn Kinh Thánh nói về Huyết Chúa, rồi tiếp tục làm như vậy với câu, với đoạn văn khác, để Thánh Linh có thể đem vào linh hồn chúng ta quyền năng tuôn tràn sự sống. Chỉ có việc học Lời Chúa với lòng hoàn toàn nhờ cậy Đức Thánh Linh soi sáng dạy dỗ, đức tin chúng ta mới vững mạnh để nhận thức rõ ràng rồi tiếp nhận những gì Huyết Chúa đem đến cho chúng ta.

Như thế, chúng ta sẽ thấy việc dành thì giờ là điều rất cần thiết. Chúng ta phải tìm thì giờ để suy gẫm Lời Chúa cách riêng tư, để Lời Chúa thấm vào lòng chúng ta. Nếu chỉ đọc qua một câu, tìm được một dạy dỗ tươi mới, rồi bỏ đi, mong chờ phước hạnh đến, thì không ích lợi gì, vì những bận rộn của đời sẽ xua đuổi Lời đó đi. Linh hồn chúng ta phải dành thì giờ cho Lời Chúa, phải giữ yên lặng trước mặt Đức Chúa Trời, để Lời Chúa dính chặt vào lòng.

Việc dành thì giờ, không phải chỉ thỉnh thoảng làm một lần, nhưng phải đều đặn và kiên trì, từ ngày này qua ngày kia, hay có thể từ tuần lễ này qua tuần lễ khác, chúng ta phải đặt tâm trí và tấm lòng mình dưới Lời Chúa để Lời Chúa chẳng những chiếm hữu linh hồn mà còn mọc rễ ăn sâu vào và trở thành một phần của “con người thuộc linh” của chúng ta. Như thế chúng ta mới kinh nghiệm câu “tin nhờ nghe, và nghe khi Lời của Đấng Christ được truyền giảng ” (Rô-ma 10:17).

Đức tin là tai để nghe và tiếp nhận Lời Đức Chúa Trời. Đức tin nghe một cách chăm chú để hiểu những điều Đức Chúa Trời phán dạy. Đức tin là mắt để thấy được những đối tượng vô cùng quan trọng, vì nếu không “thấy” bằng mắt đức tin, các đối tượng này chỉ là những ý tưởng không thực tế. Như thế mắt đức tin thấy được những thứ vô hình, quan sát được những điều ngoài tầm quan sát của lý trí, vì đức tin là bằng chứng của “những điều ta chưa thấy ” (Hêbơrơ 11:1). Đức tin thường tự đặt nó đứng giữa những điều mà Lời Chúa cho biết đó là “các thực tế của thiên đàng”. Vì thế, đức tin, bởi Đức Thánh Linh, có thể chiêm ngưỡng sự kiện Huyết Chúa đã được Thánh Linh đời đời đem lên trời, rảy trước ngai, và Đức Thánh Linh đem Huyết đó rảy trên linh hồn chúng ta; sự chiêm ngưỡng đó đem lại những kết quả đầy quyền năng (Hêbơrơ 9:14: Huống chi Huyết của Đấng Christ lại càng có quyền năng hơn biết chừng nào?Nhờ Đức Thánh Linh Đời đời, Ngài dâng chính mình làm sinh tế không tì vết cho Đức Chúa Trời. Huyết Ngài tẩy sạch lương tâm anh em khỏi những công việc chết, để anh em hầu việc Đức Chúa Trời Hằng Sống).

Đức tin chẳng những là tai và mắt để biết chắc chắn những điêu vô hình, mà còn là tay, là miệng để tiếp nhận nữa. Khi nghe Lời Chúa, chiêm ngưỡng Lời Chúa với quyền năng của Thánh Linh, đức tin liền tiếp thu Lời đó. Đức tin hoàn toàn thuận phục sự dạy dỗ của Lời Chúa, dặt mình dưới sự chi phối của quyền năng thuộc linh vô hình, cho đến khi Lời Chúa “định cư” trong lòng với quyền năng thiên thượng, quyền năng đem lại sức sống đắc thắng. Đức tin tiếp nhận Lời Chúa dạy như những điều đã có rồi, để quyền năng của Đức Chúa Trời biến những điều đó thành thực tế “trước mắt” đức tin.

Đức tin biết rằng khi nó tiếp nhận Lời Chúa, nó có thể nắm giữ Lời đó làm “vật sở hữu.” Nhưng khi đức tin chưa lớn mạnh, nó chưa đủ kinh nghiệm để nắm giữ. Tuy nhiên đức tin không vì đó mà nản lòng, nhưng càng kiên trì hơn, cho đến khi không phân tâm, nhưng mở rộng lòng ra để tiếp đón các phước hạnh của Chúa. Đức tin biết rằng tin tưởng phải đi đôi với đầu phục, và nếu chưa đầu phục trọn vẹn, kết quả đón nhận cũng chưa trọn vẹn.

Psalm_145-20

Thật ra việc tiếp nhận tất cả các phước hạnh của sự “cứu rỗi trọn vẹn ” (Hêbơrơ 7:25) bởi “đức tin trong Huyết Chúa” không phải là một việc quá khó khăn. Khi gặp những từ ngữ hay những câu trong Kinh Thánh nói về Huyết Chúa, như: “tẩy sạch” (IGiăng 1:7), “cứu chuộc” (Êphêsô 1:7), “làm cho dân nên thánh” (Hêbơrơ 13:12), “chuộc” (mua, purchased) (Khải huyền 5:9), “được lại gần, nhờ Huyết Đấng Christ” (brought near by the blood) (Êphêsô 2:13), chúng ta hãy lấy đức tin tự nhủ và công bố cách quả quyết: “Các từ ngữ và các câu này có những ý nghĩa thuộc linh thiên thượng, vô cùng sâu nhiệm và súc tích hơn sự hiểu biết do khả năng của riêng tôi, nhưng tôi chắc chắn tất cả các phước hạnh và quyền năng này là của tôi. Chính Đức Chúa Trời muốn rằng bởi quyền năng thiên thượng, Ngài sẽ làm cho các điều này trở thành sự thật cho tôi. Tôi quả quyết và lấy hết can đảm kể rằng, các phước hạnh vượt quá sự hiểu biết của con người, là phước hạnh của tôi. Phần tôi, tôi chỉ có việc chờ đợi thời điểm của Đức Chúa Trời bằng cách sống theo sự dẫn dắt của Thánh Linh và nhờ Ngài lãnh đạo để tôi có thể hoàn toàn đầu phục ý muôn của Đức Chúa Trời, để Ngài có thể chiếm hữu tôi trọn vẹn. Chính Đức Chúa Trời sẽ đem lại các phước hạnh này với quyền năng tuyệt đối của Ngài”.

Chỉ khi nào chúng ta có mối thông công chặt chẽ với chính Đức Chúa Jê-sus Christ, đức tin mới có thể thi thố và tăng cường. Một sự kiện ít người hiểu, hay là hiểu cách cạn cợt là: Đức Chúa Trời ban sự cứu rỗi cho chúng ta không bằng một đường lối nào khác hơn là “trong” Chúa Cứu Thế Jê-sus – không phải “qua” Chúa Jê-sus mà thôi, nhưng chính là “trong” Chúa Jê-sus. Đức Chúa Jê-sus, là Đấng sống, chính là sự cứu rỗi trọn vẹn của chúng ta. Ngài là Đấng đã ban cho Huyết và bây giờ đang truyền Huyết đến, chỉ trong Chúa Jê-sus mà mỗi giờ mỗi phút chúng ta tìm thấy sự sống và sự cứu rỗi toàn vẹn cho cá nhân mình. Ngoài ra, chỉ khi nào chúng ta sống trong mối thông công trực tiếp với Chúa Jê-sus, đức tin chúng ta mới được lớn lên và chiến thắng. Có nhiều Cơ-đốc-nhân hết sức cố gắng để sống một cuộc sống đầy đức tin bằng cách học hỏi suy gẫm Lời Chúa, hay bằng cách cố dùng hết năng lực của mình để có đức tin, nhưng các nỗ lực này không đem lại bao nhiêu kết quả. Lý do là khi học hỏi Lời Chúa và khi cố gắng để tin, những người này trước tiên chưa tìm được sự an nghỉ trong tình thương của Chúa Cứu Thế.

Đức tin đặt vào Đức Chúa Trời là một hành động của đời sống thuộc linh. Trong khi chính Chúa Jê-sus là sự sống của chúng ta và là Đấng truyền đạt đức tin cho chúng ta. Tuy nhiên, sự kiện Chúa Jê-sus là sự sống và là Đấng truyền đạt đức tin cho chúng ta, không phải là một hành động, hay một tặng phẩm tách rời khỏi chính Chúa, nhưng chỉ khi nào chúng ta “ở trong” Chúa, ở trong mối thông công với Ngài, đức tin của chúng ta mới tích cực hoạt động. Vì thế Hêbơrơ 12:2 gọi Chúa Jê-sus là “khởi nguyên” và “kết thúc” của đức tin.

(Ghi chú: Từ ngữ “Cội rễ” có thể dịch là “Tác giả” hay “Căn nguyên”, còn từ “cuối cùng” có thể dịch là “Đấng làm xong trọn vẹn”).

Chỉ có người cùng bước đi, tức là cùng sinh hoạt liên tục với Chúa mới học được từ Ngài đường lối và quyền năng để thực thi đức tin. Khi chiêm ngưỡng mặt Chúa, chúng ta có được ánh sáng dẫn chúng ta đến “đức tin vững chắc” (full assurance of faith, Hê-bơ-rơ 10:22).

Chiêm ngưỡng mặt Chúa Jê-sus, ngồi dưới chân Ngài để ánh sáng của tình yêu Ngài soi sáng linh hồn chúng ta là con đường chắc chắn nhất để có đức tin mạnh mẽ. Người nào muốn có đức tin mạnh mẽ để có thể hiểu biết thấu đáo quyền năng của Huyết Chúa chỉ cần thực hành mối thông công với Chúa như vậy.

Sự kiện Chúa Jê-sus đổ Huyêt là bằng chứng của tình yêu “không thể nói nên lời” của Ngài đối với chúng ta. “Đức Chúa Jê-sus Christ, là Đấng hi sinh (xả thân) vì chúng ta, cứu chuộc chúng ta khỏi mọi tội ác, và tinh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành một dân tộc riêng của Ngài, để ta sốt sắng làm các việc lành” (Tích 2:14). Huyết Chúa là quyền năng và với quyền năng nầy Chúa chiếm hữu chúng ta cho chính Ngài, để thánh hoá chúng ta. (Hê-bơ-rơ 13:12: cho nên, Đức Chúa Jê-sus cũng chịu khổ nạn ngoài cổng thành, để lấy Huyết mình làm cho dân nên thánh).

Điều kiện cần thiết để có được Huyết Chúa tác động với quyền năng càng mạnh mẽ hơn, là đức tin chúng ta đặt vào Huyết Chúa phải rộng lớn hơn, mạnh mẽ hơn. Người muốn có “đức tin vững chắc” đó (Hê-bơ-rơ 10:22) chỉ có thể tìm được, và chắc chắn sẽ tìm được trong mối thông công với Đức Chúa Jesus. Việc ban Huyết là công việc của Chúa, việc tăng cường đức tin cho chúng ta cũng là công việc của Chúa. Vì thế chúng ta phải quyết tâm đầu phục trọn vẹn, giết chết sự sống cá nhân, đóng đinh “cái tôi” để cùng đi với Chúa. Khi chúng ta có mối thông công này, lòng nghi ngờ vô tín của chúng ta sẽ tàn héo và tiêu tan.

Sự quyết tâm đầu hàng vô điều kiện là điều kiện thiết yếu, không có không được, vì đức tin thật luôn luôn đi chung với sự đầu hàng trọn vẹn. Hết lòng tin tức là hết lòng đầu phục Chúa Jê-sus, vì chỉ trong Ngài có sự sống và sự cứu rỗi. Ý muốn của Chúa Jê-sus và những điều Ngài dạy chúng ta phải là những điều không thể nào tách rời ra khỏi thân vị và tình yêu của Ngài. Chúng ta không thể nào biết Chúa và tiếp nhận chính Ngài nếu không biết và không tiếp nhận ý muốn của Chúa với lòng vâng phục ý muốn đó và sự vâng phục này là đặc tính chắc chắn của đức tin đầu phục. Đức tin không đi chung với vâng lời không phải là đức tin mà chỉ là một sự tưởng tượng hão huyền. Nhưng đức tin đi chung với vâng phục đầu hàng trọn vẹn là đức tin luôn luôn đeo đuổi để tìm biết càng ngày càng sâu nhiệm hơn ý nghĩa của Huyết Chúa và càng ngày càng kinh nghiệm hơn những điều Huyết có thể làm cho chúng ta.