Chương 5-Lịch Sử Truyền Giáo (P3)

III. CÁC PHONG TRÀO SINH VIÊN

images (6)

Như ta đã thấy, chính các sinh viên đã phát động phong trào truyền giáo ở Mỹ quốc vào đầu thế kỷ 19. Vào cuối thế kỷ 19, lại có một phong trào sinh viên khác đã thúc đẩy các thanh niên thiếu nữ dâng đời sống mình cho Chúa làm giáo sĩ. Đến khoảng giữa thế kỷ lại có một phong trào sinh viên khác nắm lấy vai trò lãnh đạo truyền giáo.

Vào năm 1886, D.L. Moody được mời tổ chức một lớp Kinh Thánh mùa hè cho một nhóm sinh viên cao đẳng ở Mount Hermon, tiểu bang Massachusetts. Trong số các sinh viên tham dự có người trình bày về nhu cầu truyền giáo đang đè nặng trên lòng của họ, vì vậy lớp học Kinh Thánh được nối rộng thêm, và đề cập cả đến vấn đề truyền giáo. Khi lớp Kinh Thánh này chấm dứt, có hơn 100 thanh niên tình nguyện tham gia công cuộc truyền giáo. Họ quyết định trong các niên học tới sẽ đến các trường Đại học và trình bày nhu cầu trách nhiệm truyền giáo cho các sinh viên. Kết quả là họ đã thành lập được Phong trào Sinh viên Tình nguyện Tham gia Truyền giáo Hải ngoại, với khẩu hiệu: “Truyền Tin Lành Khắp Thế Giới vào Thế Hệ này.” Điểm đáng buồn là về sau Phong Trào Sinh viên Tình Nguyện này cũng bị ảnh hưởng của thuyết Tân Phái, và chịu đồng một số phận với các giáo phái lớn. Mặc dầu sau Thế chiến thứ II, phong trào này phục hồi được ít lâu, nhưng sự thực đã không còn có sinh lực như lúc ban đầu.

Trong khi đó hai tổ chức sinh viên mới phát hiện. Một là Đoàn thể Sinh viên Cơ-đốc liên Trường (Inter-Varsity Christian Fellowship), phát sinh ở Anh-quốc, và hoạt động Mỹ quốc vào khoảng từ năm 1930 đến 1939. Tổ chức này vốn không đặt trọng tâm vào công cuộc truyền giáo, nhưng về sau đẵ sát nhập với nhóm thứ hai, tức là nhóm Đoàn Thể Các Hội Truyền giáo Hải Ngoại (Foreign Mission Fellowship), là nhóm có mục đích duy nhất là cổ động công cuộc truyền giáo hải ngoại trong các trường đại học. Sau khi hai nhóm đã sát nhập với nhau vào năm 1945, họ đã tổ chức mỗi ba năm một lần Đại hội Truyền giáo ở Urbana, tiểu bang Illinois ở Mỹ vào tuần lễ sau Giáng sinh và trước năm mới dương lịch. Đại hội năm 1964 có hơn bảy ngàn đại biểu sinh viên tham dự, và năm 1970 có đến hơn 12.000 đại biểu. Qua thập niên 80, mỗi đại hội có trung bình 18 ngàn đại biểu từ nhiều quốc gia đến tham dự. Số đại biểu tham dự đại hội vào cuối năm 1993 lên đến 19.000, trong số này có hơn 50 đại biểu Việt Nam hải ngoại.