Chương 4-Lịch Sử Truyền Giáo (P3)

IV. ỦY BAN TRUYỀN GIÁO, VÀ HỘI TRUYỀN GIÁO BÁP-TÍT HẢI NGOẠI Ở MỸ QUỐC

download (1)

Khi William Carey bắt đầu công cuộc truyền giáo ở Ấn- độ thì Hợp chủng quốc Hoa-kỳ (Bắc Mỹ), hay gọi tắt là Mỹ quốc, mới độc lập có vài chục năm, và các mối liên lạc văn hóa, nhất là liên lạc tôn giáo, với Anh-quốc vẫn hết sức chặt chẽ. Vì vậy khi ngọn lửa truyền giáo cháy mạnh ở Anh-quốc thì liền lan tràn nhanh chóng qua Mỹ quốc, là nơi có một số nhà truyền giáo cho người Da Đỏ đã gây mầm giống từ trước. Ngoài ra hai giáo phái lớn nhứt của Mỹ-quổc là Tự trị Giáo đoàn (Congregation) và hội Trưởng-lão cũng đã dự một phần quan trọng trong việc thành lập Hội Truyền giáo Luân-đôn.

Nhưng động lực có tác động quyết định lại không phải là các nhà lãnh đạo Giáo hội, mà là một số sinh viên với lòng kính sợ Chúa lên cao độ, mặc dù lúc ấy phong trào vô tín ngưỡng rất “hợp thời” giữa giới sinh viên đại học. Nhóm sinh viên kính sợ Chúa này tự gọi mình là nhóm “Anh Era” và triệu tập một buổi nhóm cầu nguyện ở trường Cao đẳng Williams tiểu bang Massachusetts vào năm 1806. Họ họp ở trường sở khá xa, và thình lình có một trận mưa lớn khiến họ phải chạy núp mưa bên các đụm rơm. Do đó, buổi họp này có tên là “Buổi Nhóm Cầu Nguyện bên Đụm Rơm” (Haystack Prayer Meeting), và là buổi họp đã đem lại những quyết định quan trọng mở màn cho việc thành lập các Hội Truyền giáo Hải ngoại ở Mỹ quốc. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng, một số sinh viên trong nhóm này chuẩn bị chức vụ hầu việc Chúa và theo học ở Chủng viện Andover. Trong số mấy người ấy có lãnh tụ Samuel J. Mills, một thanh niên được Chúa Thánh Linh thăm viếng trong cuộc Phục hưng năm 1801 và về sau có thêm nhiều người khác nữa.

Vào tháng 6 năm 1810, bốn sinh viên trình cho Đại hội ở Massachusetts các câu hỏi này: Đại hội chỉ dẫn cho họ phải làm gì cho hợp với khải tượng truyền giáo mà họ đã có? Có cần lập ra một Hội Truyền giáo Mỹ để họ phái đi, hay họ phải gia nhập một Hội Truyền giáo Âu Châu? Họ nên đi đâu, và trước khi đi nên có những biện pháp chuẩn bị nào?

Đại hội rất lưu ý đến lời kêu gọi ấy, nhưng phân vân không dám đẩy mạnh ý kiến của các sinh viên, vì sợ các giáo phái ở Mỹ không đủ sức yểm trợ công cuộc truyền giáo. Lúc đó họ chỉ bỏ phiếu chấp thuận việc thiết lập một ủy ban Truyền giáo Hải ngoại. Tuy nhiên, khi đề nghị hợp tác với Hội Truyền giáo Anh-quốc bị Luân-đôn bác bỏ, ủy ban Truyền giáo này liền quyết định tự đàm nhận trách nhiệm truyền giáo mà không cần phải cộng tác với Hội nào ở Âu Châu.

Vào tháng 2 năm 1812, toán giáo sĩ đầu tiên lên đường ra hải ngoại để truyền giáo. Nhóm này chỉ gồm có 3 giáo sĩ đã có gia đình, và 2 nam giáo sĩ độc thân. Chỉ một ngày sau khi họ đặt chân lên Calcutta ở Ấn-độ, lúc đó là thuộc địa Anh, thì Mỹ quốc tuyên chiến với Anh quốc.

Trong nhóm giáo sĩ Mỹ đầu tiên này không có lãnh tụ sinh viên Sanuel J. Mills, vì trách nhiệm của Mills lúc ấy là cổ động các Hội Thánh lưu tâm đến phong trào truyền giáo. Nhưng thực sự Mills đã làm được nhiều việc ngoài phạm vi trách nhiệm của mình: Anh ta đã làm cho nhiều người lưu ý đến nhu cầu thuộc linh của người Da Đỏ và người nô lệ Da Đen; Anh ta là một trong các nhà sáng lập Thánh Kinh Hội ở Hoa kỳ; Anh đã cổ động tiền giúp cho một trường ở New England để huấn luyện người Da Đỏ, thổ dân các đảo ở Thái Bình Dương, và người Á Châu để họ trở về nguyên quán phổ biến Tin Lành. Anh ta cũng tích cực hoạt động để gởi các nô lệ Da Đen đã được trả tự do trở về Phi Châu. Samuel J. Mills đã từ trần vào năm 1818 trong một chuyên đi hoạt động ở Liberia, Phi Châu, khi anh mới 35 tuổi. Tuy đời sống anh khá ngắn ngủi, nhưng anh đã làm được nhiều việc cho Chúa.

Trong số các giáo sĩ Mỹ đầu tiên đã đến Calcutta, có hai vợ chồng Adoniram Judson và giáo sĩ độc thân Luther Rice đã tách khỏi ủy ban truyền giáo và góp phần vào việc sáng lập ra Hội Truyền giáo Báp-tít Hải Ngoại vào năm 1814.