Chương 1-Lịch Sử Truyền Giáo (P3)
III. CƠ-ĐỐC GIÁO PHÁT TRIỂN Ở ĐÂU?
A. Đế Quốc La-mã
Trong năm thế kỳ đầu, Cơ-đốc giáo phát triển mạnh mẽ nhất trong phạm vi đế quốc La-mã. Bắt đầu vào ngày lễ Ngũ Tuần từ xứ Palestine, tức là miền Đông của đế quốc, chỉ mấy năm sau Cơ-đốc giáo đã lan tràn đến những trung tâm quan trọng như An-ti-ốt, Alexandria và ngay cả đế đô La-mã nữa. Bắc Phi tiếp nhận đạo Chúa rất sớm và từ Bắc
Phi đã xuất hiện những lãnh tụ giáo hội rất quan trọng như Origen, Cyprian, Athanasius, Tertullian và Augustine. Vùng Tiểu Á Tế Á là nơi Phao-lô đã tích cực hoạt động trong những chuyến du hành truyền giáo đầu tiên đã chịu ảnh hưởng Cơ-đốc giáo rất sâu xa. Những bức sớ của Pliny, thống dốc xứ Bi-thi-ni, đệ trình cho Trajan (làm hoàng đế La-mã từ năm 98 đến năm 117) cho thấy vào đầu thế kỷ thứ hai Cơ-đốc giáo rất mạnh trong vùng này. (Hiện nay Cơ-đốc giáo hầu như biến mất tại hai vùng Bắc Phi và Tiểu Á).
Khi Constantine lên ngai hoàng đế vào đầu thế kỷ thứ tư, tín đồ Cơ-đốc chỉ là thiểu số ở hầu hết mọi nơi, và mặc dù bị bắt bớ dữ dội, thiểu số này càng ngày càng phát triển và mạnh mẽ. Khi Constantine quyết định gia nhập Giáo hội, cán cân nghiêng hẳn về phiá Giáo hội, và đến cuối thế kỷ thứ 5, Cơ-đốc giáo đã kiểm soát hết đế quốc La-mã. Việc hoàng đế Constantine gia nhập Giáo hội được một số người cho là một điều may mắn cho Giáo hội, trong khi đó một số người khác quả quyết rằng việc này đã “thế tục hóa” Giáo hội và mặc dù số hội viên tăng lên rất nhiều, hầu hết chỉ là số người về hùa, những người hữu danh vô thực, theo đạo vì thế lực hay quyền lợi vật chất.
B. Các Vùng Ngoài Đế Quốc La-mã
Kết quả của công cuộc truyền bá Phúc Âm ở những vùng ngoài đế quốc La-mã lại khác hẳn. Không phải vì Phúc Âm không thể phát triển ra, nhưng dù cho phong trào truyền giáo cũng đã thu lượm được nhiều kết quả khả quan ở một số quổc gia phương Đông, như Ba-tư và Ấn-độ, phong trào này lúc nào cũng chỉ giữ vai trò thiểu số.
Các hoạt động truyền giáo qua các xứ ngoài đế quốc La-mã đã đi về ba hướng: hướng Đông, qua Sy-ri, Át-mê-ni, Ba-tư và Ấn-độ; hướng Nam, xuống Ê-thi-ô-pi; hướng Bắc, đến các “bộ lạc man rợ” là người Goths, Franks, Anh và Ái- nhĩ-lan (Irish).
1. Hướng Đông
Cơ-đốc giáo bắt đầu từ miền Đông của đế quốc La-mã nên lẽ tự nhiên phải tìm cách phát triển về hướng Đông ngay từ lúc ban đầu. Khi Cơ-đốc giáo vượt biên giới Palestine ra ngoài thì Sy-ri là xứ đầu tiên được nghe Phúc Âm. Ngoài ra, vì tất cả các đường sá chạy về hướng Đông đều qua Sy-ri nên ta không ngạc nhiên khi thấy các nhà truyền giáo Sy-ri là những người chủ động trong công cuộc truyền giáo phương Đông.
Đến thế kỷ thứ hai thì có 2 tiểu vương cai trị hai vương quốc nhỏ trong xứ Mê-sô-bô-ta-mi tiếp nhận đạo Chúa. Hai vị đó là Abgar và Edessa. Nhưng thành công quan trọng hơn cả là xứ Át-mê-ni, khi xứ này tiếp nhận đạo Chúa vào cuối thế kỷ thứ ba. Đến nay, dân Át-mê-ni vẫn hãnh diện là “dân tộc Cơ-đốc kỳ cựu nhất.” Nhưng so với Ba-tư thì Át-mê-ni chỉ là một nước nhỏ. Ba-tư là kẻ tử thù của La-mã, nên khi Cơ-đốc giáo chiếm ưu thế ở La-mã thì Ba-tư liền nhìn Cơ- đốc giáo với con mắt nghi kỵ và người dân Ba-tư nào tiếp nhận đạo Chúa liền bị chính quyền bắt bớ. Mặc dù bị nhiều cuộc bắt bớ kinh khiếp, một thiểu số người Cơ-đốc vẫn vững mạnh qua nhiều năm trời ở Ba-tư.
Chúng ta không có bằng chứng nào để biết chắc vào năm nào Phúc Âm đã vào Ấn-độ và truyền qua các xứ xa hơn về hướng Đông. Các người Cơ-đốc (thuộc giáo hội Sy-ri) sinh sống trên bờ biển Malabar (Tây Ấn-độ) quả quyết rằng sứ đồ Thô-ma đã đem Phúc Âm đến cho tổ tiên họ vào thế kỷ thứ nhất. Rất có thể đó là một Thô-ma nào khác thuộc thế hệ sau thế hệ các sứ đồ, nhưng chắc chắn là Phúc Âm đã đến Ấn-độ rất sớm và phong trào truyền giáo vùng này có liên hệ rất mật thiết với các Hội Thánh Sy-ri và Phi-lê-sô-bô-ta-mi.
2. Hướng Nam
Giáo hội Ê-thi-ô-pi hiện nay là một Giáo hội rất kỳ cựu vì đã được thành lập từ đầu thế kỷ thứ tư. Dân Ê-thi-ô-pi tàn sát gần hết thủy thủ đoàn trên một chiẽc tàu buôn Phê-ni-xi ở bờ Hồng Hải và bắt hai thanh niên Cơ-đốc là Frumentius và Aedesius dẫn về thủ đô Aksum. Hai thanh niên này phục vụ nhà vua rất đắc lực nên được vua cho phép truyền bá đức tin của họ. Về sau cả hai được trả tự do và Frumentius đến Alexandria, Ai-cập vận động Giáo hội gửi giáo sĩ đến Ê-thi-ô-pi để chăn giữ những người đã được Frumentius và Aedesius dẫn dắt đến với Chúa. Giáo chủ của Giáo hội Coptic ở Ai-cập nhận thấy không thể có ai hơn Frumentius để lãnh trách nhiệm này, nên phong chức Giám mục cho Frumentius và phái ông ta trởlại Ê-thi-ô-pi. Nhờ đó Giáo hội Ê-thi-ô-pi được thành lập.
3. Hướng Bắc
Về hướng Bắc và Tây Bắc đế quổc La-mã có nhiều dân tộc bị người La-mã gọi là “các bộ lạc man rợ.” Các dân tộc này thường vượt qua sông Danube và sông Rhin để cướp phá. Có lần họ vượt biên giới xâm lăng nhiều vùng cho đến tận xứ Ma-xê-đoan, Tây-ban-nha và miền Tây Bắc Phi Châu và làm cho Tây đế quốc La-mã tan rã. Nhưng lần lần các dân tộc hung tợn man rợ này tiếp xúc với Cơ-đốc giáo và tiếp nhận đức tin Cơ-đốc. Ta có thể chia các dân tộc này làm ba giống dân chính là:
a. Dân Goth
Dân này gồm một số bộ lạc Nhật-nhĩ-man (Đức = Germanic) sống ở phiá Bắc sông Danube. Giáo sĩ đầu tiên của dân Goth là Ulfillas, một môn đệ của thuyết Arianism, do Arius chủ xướng (thuyết này cho rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu không bình đẳng với Đức Chúa Cha, và chỉ là vị đứng hàng đầu những loài thọ tạo của Đức Chúa Trời).
Không ai biết chắc Ulfilas là người Goth, hay là người bị dân Goth bắt lúc còn bé khi dân Goth xâm lăng Tiểu Á Nguời ta chỉ biết là khi bị giữ làm con tin ở Constantinople, Ulfilas đã tiếp nhận Cơ-đốc giáo và chịu ảnh hưởng của thuyết Arianism. Khi trở thành giáo sĩ cho dân Goth vào giữa thế kỳ thứ tư, Ulfilas đã thành công mỹ mãn và về sau dân Goth đã đem Cơ-đốc giáo thuộc phái Arius qua miền Nam Âu Châu vào Tây-ban-nha và Bắc Phi.
b. Dân Franks
Độ 150 năm sau Ulfilas, tức là vào cuối thế kỷ thứ 5, một bộ lạc man rợ khác là dân Franks đã tiếp nhận Cơ-đốc giáo. Clovis, vị lãnh tụ đã làm cho dân Franks đoàn kết vàtrở thành một dân tộc lớn mạnh, vốn là một người ngoại giáo, mặc dù vợ ông ta là một công chúa theo Cơ-đốc. Nhưng vào một ngày trước khi tham dự trận chiến tranh ác liệt với dân Alemanni, Clovis sợ bị đánh bại nên đã hứa nguyện rằng nếu Thượng Đế của các người Cơ-đốc cho ông thắng trận, ông và toàn thể dân Franks sẽ trở lại đạo. Ông đã dắc thắng và đã giữ lời hứa (vào năm 496). Điều làm cho chúng ta thắc mác là không biết Clovis có thật tâm tin Chúa hay ông chỉ theo đạo vì mục đích chính trị. Nhưng trên phương diện lịch sử, việc Clovis chịu báp tem để gia nhập Giáo hội La-mã đã có ảnh hưởng rất lớn đến hướng đi của Cơ-đốc giáo vào những thế kỷ sau, vì dân tộc Franks giữ vai trò vô cùng quan trọng ở Tây Âu.
c. Dân Ái-nhĩ-lan (Irish)
Cơ-đốc giáo đã từ Constantinople truyền đến dân Goth và từ La-mã truyền đến dân Franks, nhưng hai dân tộc này chỉ có liên lạc gián tiếp với phong trào truyền giáo cho dân Ái-nhĩ-lan. Cơ-đốc giáo đã truyền đến Anh quốc trước thời hoàng đế Constantine, có lẽ là do một số binh sĩ La-mã đã tin Chúa. Chúng ta không biết rõ kết quả của hột giống Cơ-đốc giáo đã thu lượm được ở Anh quốc, nhưng chứng ta có thể biết chác một điều là: Cơ-đốc giáo đã được một người Anh mang qua Ái-nhĩ-lan, là ngưởi được tôn là “thánh Patrick,” vị sứ dồ của dân tộc Ái-nhĩ-lan. Có quá nhiều truyền thuyết về vị giáo sĩ này; không ai biết đâu là sự thật. Tuy nhiên, nhờ bộ sách “Những Lời Tự Thú” (Confessions) của “thánh Patrick” kể lại, ta có thể biết ông là người Anh, sinh trưởng trong một gia đình có đạo, nhưng không thực lòng tin Chúa. Khi đến tuổi thanh niên, Patrick bị một toán cướp bắt qua Ái-nhĩ-lan làm nô lệ và vào thời gian đó ông đã tin nhận Chúa. Về sau, Patrick trốn khỏi Ái-nhĩ-lan, nhưng nhờ thấy một khải tượng, ông đã trở lại đó để truyền bá Cơ-đốc giáo, có lẽ vào năm 431, và đã thiết lập được một giáo hội địa phương mạnh mẽ với những đặc tính độc đáo.