Chương 23-Những Điều Khó Hiểu Trong Kinh Thánh
CHƯƠNG 23: PHẢI CHĂNG CẢ CHÚA JÊ-SUS LẪN PHAO-LÔ ĐIỀU SAI LẦM VỀ THÌ GIỜ TÁI LÂM CỦA CHÚA CHÚNG TA?
Chẳng những giữa người không tin Chúa, mà cả trên nhiều tòa giảng của Cơ-đốc giáo và một số chủng viện thần học của chúng ta, người ta vẫn thường truyền dạy rằng cả Chúa Jê-sus lẫn Phao-lô đều đã sai lầm về thì giờ tái lâm của Chúa chúng ta. Trong một sách khảo luận nhỏ khá lý thú do Giáo hội Thống nhất Hoa-kỳ Boston (the Boston American Unitarian Association) phát hành trong đó có năm vị mục sư kể lại thế nào họ đã trở thành tín đồ của Giáo hội Thống nhất sau khi từng giảng đạo trong các nhà thờ chính thống, một tác giả đã viết như sau:
Ngày nọ, trong một bài thuyết giảng về sách Tê-sa-lô-ni-ca, vị giáo sư của chúng tôi nhận xét rằng rõ ràng là Phao-lô đã sai lầm về thì giờ tái lâm của Chúa Cứu Thế. Tôi như bị sét đánh trúng, và đã nhìn trân trối vào diễn giả, trong khi cây bút chì đã rơi khỏi các ngón tay mình. Lúc ấy, quả thật là sau một tố giác của các nhà truyền đạo, Trường phái Phê bình cao hơn (Higher Criticism) đã không phải là một điều giả dối, nông nổi như người ta đã cho là như thế. Sau nhiều năm, mãi cho đến lúc ấy, tôi mới được nghe cái tiếng vang của quyển sách ấy dội lên trong cái thư viện trống trải ấy, khiến cây bút chì bằng gỗ bá hương phải gây tiếng động dưới sàn nhà.
Rõ ràng là chàng thanh niên này rất dễ bị lung lạc. Nếu một vị giáo sư trong một chủng viện thần học có phát biểu một điều gì, thì đối với anh ta, mọi việc đã được ấn định rồi. Chắc chắn là vị giáo sư ấy phải nói đúng, còn tất cả các vị giáo sư khác dạy khác hơn, và toàn thể những ai tự học hỏi nghiên cứu Thánh Kinh cho riêng mình, đều phải là sai lầm cả. Sự kiện vị giáo sư ấy đưa ra một nhận định như thế đã là một chứng cứ tích cực khẳng định rằng Trường phái Phê bình Cao hơn không phải là “một điều giả dối, nông nổi như thiên hạ đã cho là như thế”.
Tôi không hề ngạc nhiên khi một thanh niên như thế đã “trở cờ” để trở thành một nhà truyền đạo của Giáo hội Thống nhất. Thế nhưng, ngay đến các giáo sư thần học thỉnh thoảng cũng sai lầm, và vị giáo sư này đã sai lầm. Sự sai lầm hoàn toàn là của vị giáo sư ấy chứ không hề của Phao-lô, như chúng ta sẽ thấy trong chương này.
LÝ GIẢI ĐIỀU CHÚA JÊ-SUS NGỤ Ý MUỐN NÓI
Xin chúng ta bắt đầu với Chúa Jê-sus, chứ không phải là với Phao-lô. Chúa Jê-sus có nhầm lẫn về thì giờ tái lâm của chính Ngài không? Để chứng minh rằng Ngài đã nhầm lẫn, Mat 24:34 và những khúc sách song hành trong các sách Phúc âm khác (Mác 13:30; Lu 21:32), vẫn thường được trích dẫn. Ở đây, Chúa chúng ta đã được tường thuật là có phán rằng: “Quả thật Ta nói cùng các ngươi, dòng dõi này chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến” (Mat 24:34). Và người ta bảo rằng ở đây, Chúa Jê-sus dạy rõ ràng rằng thế hệ (generation mà bản Việt văn đã dịch ra là dòng dõi) đang sống trên đất lúc Ngài phán mấy lời này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi việc đã được ghi chép lại trong mấy câu trước đó xảy đến; cho nên, lẽ tất nhiên, đây phải là một nhầm lẫn.
Tuy nhiên, nếu bất cứ người nào đọc kỹ cả khúc sách ấy, thì sẽ thấy là ở đây, Chúa Jê-sus không hề dạy gì thuộc loại như thế cả. trong văn cảnh, Ngài đang dạy rằng mọi sự sẽ xảy ra nhanh chóng để cuối cùng sẽ đạt đến đỉnh điểm rằng một số dấu hiệu bắt đầu xuất hiện, các biến cố sẽ chín muồi nhanh chóng đến mức thế hệ đang sống lúc các dấu hiệu ấy xuất hiện sẽ chẳng qua đi trước khi mọi việc thuộc về các giai đoạn cá biệt ấy xảy ra.
Các dấu hiệu này được đề cập để chỉ cho mọi người thấy sự kết thúc nhanh chóng của thời đại này như đã được chép trong Mat 24:29 “mặt trời liền tối tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế lực của các từng trời rúng động. Các dấu hiệu ấy đã chưa xảy ra lúc Chúa chúng ta còn tại thế, cũng đã chưa xảy ra trong thế hệ ấy; nhưng khi chúng xảy ra, thì mọi sự sẽ chín muồi nhanh chóng đến mức dấu hiệu (điềm) về Con Người sẽ được nhìn thấy (hiện ra) ở trên trời, và Con Người sẽ lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống trước khi thế hệ hiện sống lúc ấy qua đi. Đây là cách lý giải đúng khúc sách ấy là điềm rõ ràng vì Chúa Jê-sus đã phán thật phân minh: “Khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con Người gần đến, Ngài đương ở trước cửa” (Mat 24:33).
Chúa Jê-sus dạy rằng như việc cây vả ra nhành non, mọc lá non là dấu hiệu chỉ mùa hạ gần tới thế nào, thì việc các dấu hiệu kia xuất hiện sẽ là dấu chỉ Chúa đã gần đến y như thế – gần đến nỗi thế hệ ấy sẽ chưa qua đi, thì Ngài đã thật sự tái lâm rồi. Và nếu hiểu trong văn cảnh (toàn văn) của nó, thì “thế hệ này” của câu ba mươi bốn rõ ràng chỉ vào cái thế hệ đang có (hiện hữu, tồn tại) lúc các dấu hiệu kia xuất hiện.
Mối liên hệ cũng đúng y như thế trong Mac 13:1-37 nơi mà cùng các từ ngữ giống y như thế được tìm thấy. Có thể nói là sự việc thậm chí còn rõ ràng hơn nữa trong Lu 21:25-32 nơi cũng các từ ngữ ấy lại được tìm thấy một lần nữa. Cho nên toàn thể chỗ khó khăn không phải là do những gì Chúa Jê-sus đã thật sự phán dạy, mà là do các nhà giảng giải đã không chú ý xem thật cẩn thận là đúng ra Chúa Jê-sus đã nghĩ gì trong tâm trí lúc Ngài phán ra những lời bị thiên hạ phản bác này.
Đã có một đề xuất khác đầy gợi ý nhằm lý giải câu này, tức là bảo rằng từ ngữ đã được dịch ra là thế hệ trong khúc sách này (trường hợp bản dịch Anh văn) thường có nghĩa là “dòng giống”, “dòng họ” hay “những người sinh ra từ một ông tổ” (trường hợp bản dịch Việt văn : dòng dõi), và chẳng có gì để nghi ngờ đây là một ý nghĩa mà từ ngữ ấy đã được dùng. Thật vậy, nghĩa ấy đã được nêu ra như là nghĩa thứ hai cho từ ngữ ấy trong quyển Thayer’s Greek- English Lexicon of the New Testament, còn “thế hệ” (age) thì đã được nêu ra như là nghĩa thứ tư. Nếu cho đó là ý nghĩa của từ ngữ ấy, thì khúc sách này được lý giải là có nghĩa rằng “dòng dõi (giống)” này, nghĩa là chủng tộc Do-thái, sẽ chẳng qua đi, nghĩa là vẫn còn duy trì được lý lịch của mình cho đến lúc Chúa tái lâm.
Thật là một sự kiện phi thường – dĩ nhiên là một trong nhiều sự kiện đáng chú ý nhất trong lịch sử – là tuy dân Do-thái đã bị đuổi khỏi đất tổ của họ và bị tan lạc giữa tất cả các dân các nước từ nhiều thế kỷ rồi, nhưng họ vẫn luôn luôn giữ lại được lai lịch của dòng giống, chủng tộc của họ. Ý nghĩ này có lẽ cũng đã có trong tâm trí Chúa Giê-xu, do đó, câu nói kia có hể vốn có ý nghĩa hết sức hàm súc đến độ chẳng có một cách lý giải nào có thể vét cạn, vắt kiệt được. Tuy nhiên, căn cứ theo văn cảnh, thì ý nghĩa thứ nhất dường như phải được dành cho cách lý giải thứ nhất trên đây.
Một khúc sách khác nữa cũng đã được viện dẫn để chứng minh rằng Chúa Jê-sus đã nhầm lẫn về thì giờ tái lâm của Ngài, là Mat 16:28 tuy nhiên khúc sách song hành, trong đó có Mác 9:1 và Lu 9:27 cũng có thể được dùng ở đây.
“Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, có một vài kẻ sẽ không chết trước khi thấy Con người ngự đến trong nước Ngài.” (Mat 16:28)
Người ta bảo rằng trong khúc sách này Chúa Jê-sus dạy là Ngài sẽ tái lâm trước khi một số người đang đứng đó chết đi. Nhưng ở đây, một lần nữa toàn thể lời giải đáp cho chỗ khó khăn được tìm thấy ngay trong văn cảnh.
Theo thiển ý thì không thể có điểm phân chương tại chỗ mà chương 17 bắt đầu (lẽ dĩ nhiên, nhưng điểm phân chương vốn không có trong nguyên tắc Kinh điển, và không nên có điểm phân chương ở đây). Chúng ta phải tiếp tục đọc luôn như vẫn làm trong những khúc sách song hành trong sách Mác và Lu-ca vì nếu chúng ta cứ đọc tiếp và chú ý đến những gì đã được nói, thì ý nghĩa của câu nói của Chúa Jê-sus sẽ trở thành rõ ràng như giữa ban ngày vậy. Mấy lời này đã được tuyên phán như một lời tiên tri về cảnh Hóa hình mà phần ký thuật được tiếp ngay sau liên từ và (theo bản Anh văn)
Có ba trong số những người đang đứng với Chúa Jê-sus lúc Ngài phán mấy lời này, đã phải cùng đi với Ngài lên núi, và tại đó, các vị đã được thấy vinh quang của Ngài thật sự sáng rực trên mặt Ngài, trên con người Ngài và ngay trên chiếc áo Ngài đang mặc nữa (Mat 17:2). Thật vậy, các vị đã được nghe Đức Chúa Cha tuyên bố: “Này là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng ta mọi đường” (17:5). Trong cả khung cảnh ấy, các vị đã được thấy “Con Người ngự đến trong nước Ngài” (16:28).
Nếu các biến cố được phép xảy ra theo tiến trình tự nhiên của chúng, Chúa Jê-sus đã có thể tự biểu hiện (bày tỏ mình ra) cho thế gian được nhìn thấy y như Ngài đã tự biểu hiện cho các môn đệ Ngài được thấy vậy, nghĩa là với tư cách một Nhà Vua. Nhưng thay vì làm như thế, và để cho loài người có thể được cứu, Ngài đã chọn xuống khỏi Núi Hóa Hình – nơi Ngài đã tự biểu hiện trong vinh quang như Ngài đang đến trong nước Ngài, cũng là nơi mà nước Đức Chúa Trời “lấy quyền phép mà đến” (Mác 9:1), mà các sứ đồ Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đã được thấy nước Đức Chúa Trời (Lu 9:27) – để rồi sẽ chịu chết như một sinh tế chuộc tội trên thập tự giá tại Gô-gô-tha. Có một sự kiện đầy ý nghĩa trong mối liên hệ này, ấy là đề tài mà Môi-se và Ê-li đã cùng xuất hiện để trò chuyện với Chúa Jê-sus trên núi, bàn về “sự Ngài qua đời sẽ phải ứng nghiệm tại thành Giê-ru-sa-lem” (9:31).
Thế thì ở đây, một lần nữa, chúng ta lại thấy rằng sự nhầm lẫn không phải là của Chúa Jê-sus nhưng là ở phía người lý giải, vốn bất cẩn nên bỏ qua văn cảnh trong đó có ghi lại các lời phán của Chúa Jê-sus. Điểm khó khăn cũng nảy sinh từ cách lý giải mà chính các tác giả tự áp đặt trên các từ ngữ ngay sau khi họ chép lại chúng. Cho nên tất cả các luận cứ mà các nhà phê bình phá đám xây dựng trên việc cho rằng Chúa chúng ta đã nhầm lẫn về thì giờ tái lâm của chính Ngài, đều bị đổ cả xuống đất.
LÝ GIẢI ĐIỀU PHAO-LÔ NGỤ Ý MUỐN NÓI
Nhưng Phao-lô có nhầm lẫn không? Thiên hạ vẫn luôn nói rằng có, vì họ chống lại tính chính xác trong lời lẽ của các văn phẩm trong Tân ước kinh. Người ta đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng “rõ ràng là Phao-lô đã lầm trong các văn phẩm đầu tiên của ông về thì giờ tái lâm của Chúa Cứu Thế.
Để bênh vực cho luận cứ của họ, các lời lẽ của Phao-lô trong ITê 4:15-18 đã được nêu lên. Phao-lô bắt đầu nói rằng:
“Này là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống mà còn ở lại đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi”.
Người ta bảo rằng mấy lời ở đây rõ ràng dạy rằng Phao-lô trông mong ông vẫn còn sống lúc Chúa đến. Điều mà có lẽ là Phao-lô đã trông mong là gì, thì tôi không biết. Rất có thể là ông hi vọng mình vẫn còn sống khi Chúa đến, nhưng chắc chắn là ông không hề dạy rằng ông sẽ còn sống. Và bất cứ người chủ trương thuyết linh cảm cũng đều không chủ trương rằng các trước giả viết Thánh Kinh không thể có những hi vọng sai lầm.
Lý thuyết về sự linh cảm và tính tuyệt đối chân thực và chính xác của Thánh Kinh chỉ đơn giản là lý thuyết dạy rằng các trước giả viết Thánh Kinh không hề truyền dạy điều sai lầm ở bất cứ chỗ nào. Chẳng có ai thắc mắc về vấn đề các vị ấy có thể có những khái niệm sai lầm về một số quá nhiều điều như thế. Tuy nhiên, nếu các vị ấy có những khái niệm sai lầm như thế, thì Đức Thánh Linh giữ cho họ không truyền dạy chúng, và đây là điều đã được chủ trương. Chắc chắn rằng ở đây, Phao-lô đã không có dạy rằng ông sẽ còn sống khi Chúa tái lâm.
Mặt khác, ông dạy rằng một số người chắc đã ngủ rồi, nhưng một số khác thì hãy còn sống. Vì ông hãy còn sống cho nên ông tự nhiên tự đặt mình vào hạng người mà mình thuộc về lúc ông viết bức thư này, tức là “những kẻ sống mà còn ở lại” (ITê 4:15). Chắc chắn là ông vẫn còn sống lúc viết bức thư này. Chắc chắn ông vẫn là một người “còn ở lại” lúc ấy. Tuy nhiên ông không nói rằng ông sẽ cứ tiếp tục còn sống mãi. Rất có thể là ông rất mong được như thế. Tất cả các tín hữu hiểu rõ giáo lý về Chúa tái lâm đều tự nhiên ấp ủ niềm hi vọng rằng mình có thể vẫn còn sống khi Chúa đến.
Tôi hi vọng mình vẫn còn sống lúc Ngài đến, nhưng không dám liều lĩnh một chút nào để dạy rằng sự việc sẽ là như thế. Tôi không biết mình có còn sống cho đến lúc ấy hay không, tôi biết mình không phải là một torng những người đã ngủ rồi, và nếu phải phân biệt mình giữa hai hạng người ấy – những người hãy còn sống và những kẻ đã ngủ – thì chắc chắn tôi sẽ tự xếp mình vào hạng người hãy còn sống mà không hề nhầm lẫn khi làm như thế.
Phao-lô đã tự xếp mình vào hạng người vẫn còn sống lúc ấy. Ông vẫn chưa ngủ. Ông biết rất rõ ràng rằng chính Chúa từng truyền dạy, từ rất lâu trước khi ông viết mấy lời này cho người Tê-sa-lô-ni-ca, rằng “biết kỳ hạn và ngày giờ mà Cha đã tự quyền định lấy” thì không phải là việc của chúng ta (Công vụ 1:7). Ông đã không tìm cách để biết về kỳ hạn và ngày giờ mà Chúa đã dạy thật phân minh rằng đó không phải là việc dành cho ông cũng như cả cho chúng ta biết nữa nhưng ông dạy:
“Tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo… sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” (ITê 4:15-17)
Trong văn cảnh, tức là trong hai câu 13 và 14, Phao-lô răn bảo số người hãy còn sống lúc ấy chớ buồn rầu vì cớ những người đã ngủ rồi. Vì Phao-lô thuộc về hạng người hãy còn sống lúc ấy, cho nên ông tự đặt mình vào cùng hạng với họ chứ không phải với những người mà họ đang vì đó mà đau buồn, tức là những kẻ đã chết rồi, thì thật là tự nhiên, phải lẽ và là đúng. Cho nên, trong khúc sách này, thay vì vạch lá tìm sâu để cho rằng Đức Thánh Linh đã để cho Phao-lô phạm sai lầm, thì thật ra, chúng ta lại nhận thấy là Đức Thánh Linh để giữ cho ông khỏi phạm sai lầm, cả trong một vấn đề mà theo sự mong mỏi của riêng ông, rất có thể rằng ông đã có hi vọng sai lầm.
Vậy thì cả khúc sách này, thay vì là một luận cứ nhằm chống lại tính chính xác trong lời lẽ của Kinh điển, lại là một luận cứ để chống lại nó. Khúc sách này chứng minh cho chúng ta thấy rằng những người đã được Đức Thánh Linh chọn để chuyển tải lời mặc khải của Ngài cho chúng ta đều được bảo vệ tuyệt đối để khỏi đưa vào trong lời truyền dạy của mình bất luận một hi vọng sai lầm nào mà các vị có thể có. Những người bạn thích phê bình của chúng ta đang kiên trì săn tìm một vài nhầm lẫn nào đó trong lời truyền dạy của Phao-lô, sẽ còn phải đẩy mạnh công cuộc truy tầm tra cứu của họ đi xa hơn nữa.
Có lẽ chàng sinh viên thần học trẻ tuổi đã như bị sét đánh vì câu nói của vị giáo sư của anh ta rằng Phao-lô đã nhầm lẫn về thì giờ tái lâm của Chúa Cứu Thế, và do đó đã lao theo Giáo hội Thống nhất, có thể là một bài học cho các nhà phê bình là nên cẩn trọng, kẻo e lời truyền dạy của họ cũng trở thành tai hại giống như thế đối với một số thanh niên yếu bóng vía khác nữa.