Tình Yêu Thương – Bài 3: Ai cần Đức Chúa Jê-sus?
Mọi người.
Ở đây, chúng ta nói đến: Người bị ruồng bỏ, người cô đơn, người yếu đau.
I. Người bị ruồng bỏ
1. Bị người yêu ruồng bỏ
Người yêu của bạn, người bạn đặt lên hàng đầu trong cuộc sống, tất cả thời gian, tấm lòng của bạn đều dành cho người yêu. Bạn đem khả năng, sức lực ra để xây dựng một tổ ấm tương lai. Bao nhiêu giấc mộng được xây dựng – giấc mộng lớn, giấc mộng con – tất cả đều dồn về người, tất cả đều tốt đẹp.
Thế mà, bỗng nhiên bạn nhận được một dòng chữ quen thuộc trên mảnh giấy hoa đã nhàu nát: “Anh đi đường anh, tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi!”
Lòng bạn lúc ấy lịm đi, nhàu nát hơn cả mảnh giấy hoa kia nhiều.
“Chia tay à? Sao thế?”
2. Gia đình ruồng bỏ
Bạn có thể là một đứa con không thừa nhận, bị bỏ bên vỉa hè, từ lúc mới ra đời.
Bạn cũng có thể đã lên 5, 7 tuổi, 9, 10 tuổi bị gia đình ruồng bỏ.
Tôi nhớ, một sinh viên trẻ tuổi trong lớp học, nói ngắn ngủi để trả lời câu hỏi của tôi: “Trong gia đình không còn ai chấp nhận con nữa. Sự có mặt của con là thừa thải, vô dụng đối với mọi người. Cho nên con bị đùa ra ngoài xã hội, cho ai muốn lượm thì lượm.”
Tôi được nghe câu chuyện của những nữ nhi bị chồng ruồng bỏ vì cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, hoặc vì nhan sắc tàn tạ, “Anh theo duyên mới, anh đành phụ tôi.”
Tôi cũng được nghe câu chuyện của những bậc nam nhi bị vợ con từ khước, phải xách va-li ra đi. Vì đây là xã hội thuộc chế độ mẫu hệ.
Nhưng Chúa không bao giờ bỏ ta.
Thi 27:10: “Dù cha mẹ bỏ tôi, thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp nhận tôi.”
3. Xã hội ruồng bỏ
Xã hội Đức quốc xã, kiêu căng vì giòng giống Nhật-nhĩ-man mình (Nordic Aryan superior race,) đã trục xuất bao nhiêu giống dân (inferior races: Nordic, Romanic, Do-thái, da màu) và thậm chí đi đến việc tàn sát, diệt chủng, như trường hợp của người Do-thái trong thế chiến thứ hai.
Cũng có những người, vì hoàn cảnh mà phải làm những việc bị tòa án kết tội, bị xã hội coi khinh, ruồng bỏ. Như trường hợp của Jean Valjean trong câu chuyện “Những kẻ khốn nạn” của nhà văn Victor Hugo.
II. Người cô đơn cần Chúa
Con người bơ vơ từ thuở mới lọt lòng.
Bơ vơ, ngỡ ngàng thời niên thiếu.
Bơ vơ, vô định suốt thời gian trưởng thành,
Mãi cho đến khi già yếu vẫn tiếp tục bơ vơ, bất an.
Dr. Leonard Cammer, một nhà tâm thần học có kinh nghiệm 30 năm trong việc chữa trị những người bị suy nhược vì chán nản, phiền muộn (depressed). Ông nói: “Loài người là loài sinh vật duy nhất không thể sống còn nếu cô đơn.”
Có thể bạn mồ côi từ sớm. Có thể bạn sống độc thân. Cũng có thể bạn sống trong 1 gia đình đông đúc, nhưng vẫn cô độc như sống một thân một mình. Bạn không tìm được người đồng tư tưởng, đồng nếp sống. Mọi người đều đi ngược dòng với bạn, hay nói đúng hơn, bạn đi ngược dòng với mọi người. Buổi sáng thức dậy, bạn cảm thấy trống vắng. Uống chén café đắng, bạn chiêm nghiệm nỗi cô đơn của mình.
Có một người với gương mặt hốc hác, buồn thảm, đến gặp Dr. James Hamilton ở Manchester, Anh quốc. Bác sĩ hỏi: “Anh bệnh gì?”
Đáp: “Một căn bệnh chết người. Tôi kinh hoàng, sợ hãi thế giới chung quanh. Tôi không tìm đâu ra được 1 điều khích lệ để sống. Nếu ông không giúp được tôi, tôi sẽ chết.”
Bác sĩ: “Bệnh anh không đến chết đâu. Anh chỉ cần đi chơi cho thoải mái, vui cười, rồi sẽ tìm được vui thú của cuộc sống.”
Hỏi : “Tôi phải làm gì đây?” – “Tối nay có gánh xiếc của anh hề Grimaldi trình diễn. Anh ta là người buồn cười nhất thế giới. Đến đó xem. Xem xong, anh sẽ hết bệnh.”
Nỗi đau hiện trên nét mặt con người đáng thương. Anh nói: “Đừng chế giễu tôi, tôi chính là Grimaldi đây!”
Nhà bác học Pascal nói: Đức Chúa Trời đã tạo nên một khoảng trống không (vacuum: chân không) trong lòng con người. Khoảng trống này chỉ được khỏa lấp khi con người tìm về với Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng nên mình.
III. Người yếu đau
1. Thân thể
Của ăn, nước uống bị ô nhiễm khiến cho nhiều người yếu đau. Cơ quan Quản trị Nước uống (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết 80 % bệnh phát sinh từ nước uống bị ô nhiễm. Đây là một vấn đề lớn cho nước ta, mặc dù chính quyền đã có nhiều cố gắng ngăn chặn.
Những bệnh do nước ô nhiễm (Waterborne diseases) gồm có: Kiết lỵ, tiêu chảy do vi khuẩn, Viêm gan A, Sốt thương hàn. Những bệnh do Vec-tơ (Vectorborne diseases): Bệnh sốt Đăng-gơ (Dengue fever), Sốt rét, Viêm não Nhật bản (Japanese Encephalitis), Sốt rét vàng da.
Bệnh hoạn do ô nhiễm là một điều hầu như không ai tránh khỏi. Có người mang nhiều bệnh cùng 1 lúc, thật nặng nề, đáng thương.
Kinh Thánh chép: Đức Chúa Jê-sus chịu lính La-mã đánh đòn, để nhờ đó chúng ta được lành bệnh.
Chính Đức Chúa Jê-sus là Đấng chữa bệnh:
Bà gia Phi-e-rơ bị sốt, được Chúa chữa lành.
Người mù ở Giê-ri-cô được Chúa cho sáng mắt.
Người bại ở ao Bê-tết-đa bước đi thong thả sau khi gặp Đức Chúa Jê-sus.
Ngay cả La-xa-rơ, chết 4 ngày, Đức Chúa Jê-sus cũng gọi dậy từ trong mộ.
2. Tâm linh
Trong 30 năm qua, ở nước ta, số người bị bệnh thần kinh sơ cấp từ 14,000 lên đến 100,000 người. Số người này gồm cả những thầy thuốc bệnh tinh thần, nhà tâm lý học, người làm việc xã hội trị bệnh tâm thần, và y tá điều trị bệnh tâm thần.
Ở nước Mỹ, 17 triệu bệnh nhân tinh thần choáng phân nửa số giường của các bệnh viện (Theo Paul Lee Tan, Encyclopedia of illustrations).
Một nhà khoa học làm việc trong ngành tâm thần rối loạn ở New York, đã báo cáo cho Liên Hiệp quốc là: Có 30 % dân số thế giới bị một hình thức tâm thần nào đó.
Nhiều nhà Tâm linh học ở Argentina, Nam Mỹ cho biết đa số nạn nhân của bệnh tâm thần đều ở dưới quyền lực của quỷ. Họ đã chứng minh lý thuyết của mình bằng cách trục xuất quỷ ra khỏi người bệnh, và những bệnh nhân trở nên tỉnh táo, lành mạnh.
IV. Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng
Đức Chúa Jê-sus phán trong sách Ma 11:28-30: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho con an nghỉ. Ta có lòng khiêm tốn, dịu dàng, hãy mang lấy ách của Ta và học theo Ta, các con sẽ được an nghỉ trong tâm hồn. Vì ách Ta êm dịu và gánh Ta nhẹ nhàng.”
Đức Chúa Jê-sus mời bạn trao gánh nặng của mình cho Chúa.
Bạn cần có người đỡ đần cho bớt vất vả nặng nhọc, dù bạn đang bị ruồng bỏ, yếu đau, hay cô đơn, không ai đoái hoài, nhưng Đức Chúa Jê-sus biết. Chúa sẵn sàng gánh thay tất cả cho bạn.
Ngài chịu mang gánh nặng của bạn, để cho bạn cái gánh êm dịu nhẹ nhàng của Ngài. Chúa đã mang gánh nặng thay ta khi Ngài bước lên thập tự giá. Mọi tội ta Ngài đã gánh thay, huống hồ những gánh nặng khác?
Mời bạn đến trao gánh nặng cho Chúa!