Lịch Sử Truyền Giáo II – Chương IX: Đông Á

Chương IX: Đông Á

I. TRUNG HOA

Lịch Sử Truyền Giáo II
Lịch Sử Truyền Giáo II

H. Chiến Tranh Hoa-Nhật và Thế Chiến Thứ II (1937-1945)

Cuộc chiến tranh Hoa – Nhật bùng nổ vào năm 1937 và kéo dài cho đến năm 1945, là năm chấm dứt Thế chiến thứ II. Trong thời gian tám năm này, các Hội Thánh Trung Hoa lẫn các Hội Truyền giáo ngoại quốc đều bị thiệt hại rất nặng nề.

Khi Nhật chưa tấn công Trân Châu Cảng vào năm 1941, một số giáo sĩ còn có thể lưu lại trong các vùng quân đội Nhật chiếm đóng, đã tích cực hoạt động để cứu sống hàng vạn người Trung-hoa khỏi bàn tay tàn bạo của quân xâm lăng. Sau khi chứng kiến những cảnh này, một nhà báo đã viết rằng: “Cuộc tấn công của Nhật-bản vào lãnh thổ Trung Hoa đã biến những nhà truyền giáo Cơ-đốc thành những anh hùng, anh thư. Họ liều chết dưới bom đạn và trước lưỡi lê của quân Nhật để cứu mạng sống của hàng trăm ngàn người Trung-hoa.” Những người phán đoán một cách vô tư, dù thuộc quốc gia hay chủng tộc nào, đều cũng phải tỏ lòng thán phục khi chứng kiến gương can đảm hy sinh của các nhà truyền giáo Cơ-đốc trong thời kỳ chiến tranh tàn khốc này.

Sau trận Trân Châu Cảng, các Giáo sĩ đều bị quân Nhật-bản ở các vùng chiếm đóng coi là kẻ thù. Chẳng những họ không còn được phép giao thiệp, tiếp xúc với các Hội Thánh Trung-hoa, mà còn bị giam giữ trong các trại tập trung cho đến khi chiến tranh chấm dứt. Các giáo sĩ hoạt động trong các vùng do Chánh phủ Trung Hoa kiểm soát cũng phải lưu động tản cư để tránh quân đội Nhật khi họ tấn công đến.