Chúa Còn Làm Phép Lạ – Chương 9.2
Chương 9.2: Phép Lạ Thực Sự Đã Xảy Ra
Câu chuyện khởi đầu từ nhiều năm về trước, khi đạo luật cấm rượu vừa được hủy bỏ lần đầu. George là một trong số hai mươi người được cấp môn bài trước nhất. Anh ấy mở một nhà hàng và một quán bar lấy tên là “Lan Can Đồng” (The Barass Rail) tại thành phố Whiskey ở Canton. Bốn năm sau, anh ấy bán cơ sở này được một số lời và cùng với hai người khác mua lại “Quán Rượu Bender” (Bender’s Tavern) tại Massillon.
Cơ sở này về sau trở thành một nhà hàng nổi tiếng trên toàn quốc. Sau đó, anh mua thêm tiệm “Cà phê Khổng Lồ” (The Giant Cafe) rồi tiệm “Cối Xay Cũ” (Old Mill) và “Quán Hoa Kỳ” (Yankee Inn) tại Akron.
Trải qua nhiều năm, anh đã quy tụ và ký hợp đồng với các nghệ sĩ tài ba nhất trong giới văn nghệ. Ted Mack và ban nhạc của anh đã tham dự vào buổi khai trương mùa thu tại Canton. Cùng đi với nghệ sĩ này có chị em nữ nghệ sĩ Andrews. Tất cả các đoàn hát thượng hạng đều mong đợi có cơ hội trình diễn tại các nhà hàng của anh như đoàn Count Basie, Artic Shaw, Tony Bennett, Mel Tone, George Shearing_và anh đã mời tất cả. Anh trở thành một ông chủ danh tiếng chuyên tổ chức trình diễn văn nghệ hộp đêm. Sau đó là Johnny Ray. Anh ta đến tìm việc vào một buổi tối. George mua cho anh ta một chiếc áo choàng, trả tiền phòng khách sạn và mời anh ta chơi đàn dương cầm, mỗi tuần trả bảy mươi lăm mỹ kim. Về sau, khi Johnny kiếm được mỗi tuần hơn mười mỹ kim, anh ta vẫn trở lại Akron để trình diễn tại các nhà hàng của George. Những lần trình diễn này giúp anh ta nhớ lại những khoảng thời gian ngày xưa.
George khoe khoang rằng các hộp đêm của anh là hai trong những khách hàng tiêu thụ rượu mạnh nhất trong thành phố. Dưới con mắt công chúng, anh rất thành công, nhưng tôi mong mỏi một điều hơn bất cứ điều gì trên đời là anh ấy bỏ nghề buôn rượu. Công cuộc làm ăn này đã làm cho đời sống gia đình tôi đổ vỡ. Buôn rượu mà không nhậu là điều khó tránh được_ và mỗi ngày, George uống ít nhất ba phần tư lít. Anh uống với bất kì ai. Anh ấy bảo: “Nếu mình không uống với khách họ sẽ bất bình. Và mình không thể nào chuốc lấy sự thù nghịch trong khi làm nghề bán rượu.” Dường như việc anh sẽ mất tôi không lấy gì là quan trọng…
Một cơn bão lớn thổi qua thành phố. Tôi lái xe vào cổng. Các đường dây điện bị gió thổi đứt, và mưa như trút nước làm tôi suýt không về được “nhà”. Tôi gọi là nhà, vì phải có hai người mới lập thành gia đình. Tôi chỉ có các con mà thôi.
Lập tức, tôi đưa các con về phòng của chúng, cho lên giường, buông màn, hy vọng chúng không thấy sự sợ hãi của tôi. Khi bị bỏ rơi một mình, tôi thường sợ hãi, và giông tố càng làm tôi khủng khiếp thêm.
Bước xuống thang lầu, tôi nghe thấy tiếng kẽo kẹt của căn nhà đang chống lại với gió bão. Người ta có thể nghe thấy tiếng đinh rút ra khỏi ván và cột.
Hết vía, tôi quay điện thoại cho George. Tôi sợ chết. Tôi nài nỉ chàng, giọng lạc đi vì sợ hãi: “Anh ơi, về nhà với mẹ con em.” Bên kia đầu dây là một sự yên lặng, trừ ra tiếng nhạc văng vẳng và tiếng cười của những người tại quán rượu gần đó.
Cuối cùng, tôi nghe tiếng chồng tôi trả lời: “Có gì để em sợ đâu. Ai lại sợ gió bão bao giờ? Nếu có nguy hiểm, em và con xuống dưới nhà chui vào dưới chiếc bàn bằng sắt đi.”
“Anh ơi …” và thình lình một tia chớp làm đứt đường dây điện thoại.
Căn nhà lung lay trước gió. Tôi bò vào phòng, ngủ đêm một mình. Đứng giữa phòng ngủ, run sợ vì những tia chớp vẽ những hình ngoằn ngoèo trên chăn màn, tôi cảm thấy mình là người cô đơn nhất thế giới. Tôi không nhờ cậy ai bây giờ, có ai đâu mà nhờ cậy, trong cơn tuyệt vọng, tôi quỳ xuống cầu nguyện: “Lạy Theoma (tôi gọi Chúa bằng tiếng Hy lạp mà tôi vẫn dùng từ khi còn bé – tiếng ấy có nghĩa là “Đức Chúa Trời của tôi”), con không biết là Ngài có nghe tiếng con cầu xin hay không, con mong Ngài đang nghe lời con. Xin hãy che chở chúng con.”
Bỗng nhiên tôi nhớ lại thời thơ bé của tôi và những giờ phút vui vẻ tại một trường Cơ đốc nhỏ tại Cleveland. Tôi còn nhớ lời vị Mục sư: “Khi bạn được cứu rỗi thì bạn hiểu ngay là mình được cứu rỗi.” “Cứu rỗi” có nghĩa gì?
Tôi tiếp tục cầu nguyện “Lạy Theoma, xin dạy con biết được cứu có nghĩa gì. Xin giúp chúng con đạt đến trình độ có thể học biết điều này. Xin giúp chúng con, giúp đỡ chính mình con.”
Lúc đứng dậy, tôi nhớ quyển Kinh Thánh của tôi. Tôi với tay lên bàn ngủ lấy cuốn sách và những ngón tay run run lần dở tờ bìa. Tôi đọc thấy niên ký 1932. Đó là năm tôi theo học tại trường Cơ đốc ở Cleveland. Đột nhiên, tôi nhớ lại là từ khi chúng tôi lập gia đình đã gần mười một năm nay, đây là lần đầu tiên tôi mở quyển Kinh Thánh.
Tôi khóc òa lên “Lạy Chúa! Xin tha tội cho con.”
Một sự bình an và thoải mái tràn ngập trên tôi, và trong khi bão táp đang ào ạt ngoài trời thì tôi leo lên giường cầu nguyện một lần nữa, xin Chúa chỉ cho tôi phải đọc nơi nào trong Thánh Kinh. Tôi mở nhầm sách Khải Thị, giở từ trang này sang trang khác đọc cách say mê.
Tôi không biết mình đã đọc trong bao lâu, nhưng cuối cùng tôi đặt Kinh Thánh xuống bên cạnh, chỗi dậy đứng cạnh cửa. Bên ngoài qua ánh chớp, tôi nhìn thấy cây bạch dương cao vút cong mình xuống trước sức gió cuồng bạo. Nhưng tâm trạng sợ hãi bão tố đã biến mất trong tôi và tôi mang một niềm sợ hãi khác, sợ hãi điều sẽ xảy đến.
Tôi thì thầm cầu nguyện qua cửa sổ mưa rào: “Lạy Chúa, xin Ngài đưa George về với gia đình. Lạy Chúa, xin đưa chàng về hẳn nơi đây.”
Thời gian trôi qua, tôi cảm thấy khát khao Kinh Thánh một cách lạ lùng. Buổi sáng, sau khi George đi làm và các con tôi đi học, tôi ngồi lại bàn bếp đọc Kinh Thánh. Truyện tích thật là say mê và lời dạy dỗ của Chúa thật lạ lùng. Khi tôi gặp một khúc đầy ý nghĩa, tôi lấy bút chì đỏ gạch dấu và cầu xin Chúa cho tôi thể nghiệm chân lý đó.