Chúa Còn Làm Phép Lạ – Chương 6.9
Chương 6.9: Phép Lạ Thực Sự Đã Xảy Ra
Nhưng đó chỉ là khởi đầu của các phép lạ. Nhờ phép lạ chúng tôi đến được Pittsburg, bây giờ tiền bạc của chúng tôi sắp cạn hết, sẽ có phép lạ khác đưa chúng tôi về nhà.
Khi chúng tôi rời thính đường thì một thiếu phụ hoàn toàn lạ mặt, Bà J. Ross Philips, đến hỏi chúng tôi đêm qua ngủ ở đâu. Arlene và tôi nhìn nhau rồi thú nhận là chúng tôi đã ngủ ở trên xe. Bà liền nài nỉ mời chúng tôi theo bà về chơi với gia đình bà tại Poland, tiểu bang Ohio, trong những ngày cuối tuần.
Chúng tôi do dự không dám lạm dụng lòng tốt của bà, nên tối thứ sáu chúng tôi cũng ngủ lại trên xe. Đến chiều hôm sau thì chúng tôi đành nghe lời bà và đã lái xe đến trước tư thất xinh đẹp của gia đình Philips, đúng giờ ăn tối và ngủ một giấc ngủ ngon lành.
Sáng hôm sau, chúng tôi dự buổi thờ phượng của cô Kuhlman tại thính đường Stambaugh, Youngstown. Đến lúc quyên tiền dâng hiến, tôi nhìn nhanh vào ví. Tôi chỉ còn một tờ giấy mười Mỹ kim. Đó là cả gia tài của tôi. Tôi bảo nhỏ Arlene: “Anh sẽ dâng hết món tiền này.”
Nàng hỏi ngay: “Thật hả anh, mình còn phải về Iowa nữa mà!”
Tôi đáp: “Anh phải dâng số tiền này vì Chúa đã ban ơn cho anh quá nhiều. Chúng mình sẽ nhịn ăn đi về”. Arlene nhìn tôi chăm chăm. Nàng không thể hiểu sự rộng rãi bất ngờ của tôi như thế.
Khi cô Kuhlman yêu cầu chúng tôi cứ giữ tiền trong tay và cầu nguyện trước khi dâng, thì một điều lạ lùng đã xảy ra với Arlene nữa. Sau khi cầu nguyện, nàng ôm chặt cánh tay tôi và bảo: “Anh cứ dâng đi. Chúng mình sẽ tính sau.”
Chiều hôm đó bà Philips chuẩn bị cho chúng tôi một bữa ăn tối picnic thật thịnh soạn và ông Philips cho chúng tôi mượn bình thủy lớn của ông. Chúng tôi ra đi vào khoảng năm giờ chiều.
Khi chúng tôi lên xe, ông bà Philips hỏi chúng tôi: “Sao ông bà không đi lối có cổng gác cho nhanh?”
Đi lối có cổng gác thì phải đóng lộ phí, mà chúng tôi thì không có can đảm để nói với các bạn mới của mình là túi mình sạch sành sanh. Tôi đáp: “Không chúng tôi đi theo lộ 224 và 24. Như vậy chúng tôi mới xem được phong cảnh.”
Lúc chúng tôi lái xe vào trong bóng hoàng hôn thì Arlene bật lên một tiếng thở dài. Tôi hỏi: “Gì thế hả em?”
Nàng đáp: “Anh không nhớ cây cầu bắc ngang sông Mississippi. Thuế cầu là mười lăm xu.”
Tôi bảo: “Vậy có vẻ mình phải ghé thăm anh của em trên đường về. Nhưng anh nhất định không mượn quá mười lăm xu đâu.”
Chúng tôi ngủ đêm trên xe phía ngoài thành phố Kentland, tiểu bang Indiana, và đến tám giờ sáng hôm sau chúng tôi ghé lại một trạm xăng. Tôi nói: “Xe cần đổ xăng, anh cũng cần cạo mặt”. Tôi có một hối phiếu mua xăng nên không lo lắng gì về tiền xăng.
Sau khi cạo mặt xong, tôi cảm thấy khỏe khoắn và sẵn sàng đối phó với mọi trở lực trong ngày với một niềm hăng say. Nhưng một trở ngại mới mẻ lại xảy đến. Khi tôi trao hối phiếu cho nhân viên trạm xăng, người ấy bảo tôi: “Thưa ông, rất tiếc tôi không thể nhận hối phiếu này.”
Tôi lắp bắp: “Anh bảo sao?_ Hối phiếu này có ghi rõ là trạm xăng của ông chấp nhận hối phiếu này cơ mà?”
“Không” Vẻ gàn bướng của người dân miền Trung Tây hiện rõ trên mặt anh. “Tôi bị gạt nhiều lần rồi.”
Tôi hỏi gặng: “Được. Anh có bằng lòng nhận ngân phiếu của tôi không? Chỉ có 3 Mỹ kim 87 xu tiền xăng thôi mà!”
“Không , chừng ấy cũng không nhận.”
Tôi mượn điện thoại của anh ta và tìm số điện thoại của vị Mục sư sở tại. Tôi nói cho ông ấy biết tôi là ai và hỏi thăm ông có thể đổi cho tôi 3 Mỹ kim và 87 xu lấy ngân phiếu của tôi không. Ông hỏi tôi đi đâu và ở đâu đến. Tôi trả lời cho ông ta biết và thêm rằng tôi vừa mới được chữa lành bệnh đa-ngạnh-kết.
“Anh vừa được gì?” Ông hỏi lại, giọng ngập ngừng.
Tôi ấp úng: “Tôi vừa được chữa lành, Chúa chữa lành cho tôi trong một buổi thờ phượng có phép lạ.”