Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương XVI -Phần 4)
Chương XVI: Biểu Lộ Thánh Linh Và Quyền Năng (I Cổ-Linh 2:3)
Phần 4
Khi nghiên cứu những lần Tân ước dùng thành ngữ “đầy dẫy Thánh Linh” để nói đến sự xức dầu đặc biệt (hay sự thăm viếng đặc biệt) của Chúa Thánh Linh, là sự kiện có thể được lặp đi lặp lại, chúng ta có thể thấy hai điều quan trọng này: (1) Khi cần phải đương đầu với một trở lực đặc biệt hay cần thi hành một công tác đặc biệt, các đầy tớ Chúa (sứ đồ, chấp sự) được Thánh Linh đổ đầy cách thình lình. Thánh Linh đến ban cho họ quyền năng đặc biệt để chiến thắng trở lực hay thi hành công tác Chúa giao phó. Các vị này không biết trước cũng không trù tính trước việc chi sẽ xảy ra. (2) Khi được sự “đổ đầy đặc biệt” này, các đầy tớ Chúa không hề thất bại, nhưng chiến thắng hay thi hành công tác cách đầy uy quyền. Họ nhơn danh Chúa Jê-sus để truyền lệnh, và lệnh đó lúc nào cũng được thi hành triệt để.
Các đầy tớ Chúa trong Tân Ước, như sứ đồ Phao-lô, là những người đã được báp tem bằng Thánh Linh và được “đặc biệt đổ đầy” nhiều lần, đã hầu việc Chúa “cách khiêm nhường, đổ nhiều nước mắt” (Công vụ 20:19), đã “có vẻ yếu đuôi sợ sệt và run rẩy…lời giảng dạy chẳng do tài biện luận khôn khéo, nhưng thể hiện Thánh Lính và quyền năng” để đức tin người nghe “không dựa vào khôn ngoan loài người nhưng xây dựng trên quyền năng Thượng Đế” (ICổ-linh 2:3-5).
Quyền năng của Thượng Đế, của Thánh Linh là điều quan trọng hơn tất cả những thứ gì khác cho những người đã nhận được báp tem bằng Thánh Linh để công bố Phúc Âm, là điều không thể không có được cho Phao-lô, là người đã nhất quyết “không nói gì với anh em ngoài Chúa Cứu Thế Jê-sus, Đấng chịu đóng đinh trên cây thập tự” (ICổ-linh 2:2). Phao lô không phải là không biết nghệ thuật hùng biện của các diễn giả khét tiếng người Hy lạp, nhưng ông đã dứt khoát không dùng nghệ thuật đó để cho mọi người thấy rằng quyền năng thuyết phục tội nhơn là quyền năng của Thánh Linh chứ không phải năng lực con người. Trong Hội thánh ở Cổ-linh, có những người chỉ trích Phao- lô về điều này, nhưng Phao-lô đã thắng thắng trả lời họ: “Có mấy người lên mặt kiêu hãnh vì tưởng tôi không còn đến thăm anh em. Nhưng nếu Chúa cho phép, tôi sẽ đến ngay để xem khả năng của những người kiêu ngạo đó, chứ không phải để nghe những lời khoa trương của họ. Vì nước của Thượng Đế không cốt ở lời nói suông nhưng ở năng lực” (ICổ-linh 4:18-20). Đây là câu Thánh Kinh chúng ta cần nhắc nhở và đem ra áp dụng trong thời đại này. Hiện nay, “lời nói suông” dưới nhãn hiệu “truyền bá Phúc Âm” không thiếu, nhưng thật có đủ “năng lực của Thánh Linh” hay không? Chúng ta cần đem câu “Nước của Thượng Đế không cốt ở lời nói suông nhưng ở năng lực” để tự xét mình, để làm cái thước đo các bài giảng của chúng ta.
Qua thư Cổ-linh thứ nhì, chương 4, sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi không dùng thủ đoạn ám muội, không lừa gạt dối trá, không xuyên tạc lời Thượng Đế. Trái lại, trước mặt Thượng Đế, chúng tôi công khai giảng giải chân lý; đó là cách chúng tôi tự giới thiệu cho mọi người có lương tâm nhận xét…Thượng Đế đã truyền bảo: ‘ánh sáng phải soi chiếu trong cõi tối tăm’, nên Ngài soi sáng lòng chúng tôi, giúp chúng tôi hiểu được vinh quang Thượng Đế hằng sáng rực trên khuôn mặt Chúa Cứu Thế. Chúng tôi đựng bảo vật này trong bình đất – là thân thể chúng tôi. Vậy quyền năng vô hạn ấy đến từ Thượng Đế chứ không do chúng tôi (4:2, 6-7). Lúc nào Phao-lô cũng tùy thuộc hoàn toàn vào quyền năng của Thánh Linh, như ông tiếp tục viết trong IICổ-linh 10:3-5: “Chúng tôi dù sống trong thế gian, nhưng không đấu tranh theo lối người đời. Khí giới chiến đâu của chúng tôi không do loài người chế tạo, nhưng là vũ khí vô địch của Thượng Đế để san bằng mọi chiến lũy kiên cố, chiến thắng mọi lý luận, mọi tư tưởng tự cao cản trở sự hiểu biết Thượng Đế, bắt mọi mưu lược phải đầu hàng Chúa Cứu Thế”.