Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương XV -Phần 4)
Chương XV: Vấn Đề Giảng Lại Bài Cũ, Giảng Bài Của Người Khác và Những Niềm Vui Sướng Phấn Khởi Trong Chức Vụ Công Bố Phúc Âm
Phần 4
Thiên chức công bố Phúc Âm là chức vụ vĩ đại, diệu kỳ, thích thú và thỏa lòng hơn bất cứ chức vụ nào khác. Có gì vui sướng nào cho bằng giờ phút bước lên toà giảng, sẵn sàng chia sẻ với Hội thánh, với những người chúng ta quen biết và yêu thương như anh chị em ruột thịt, sứ điệp cùng với nhiều điều dạy dỗ quý báu chúng ta đã nhận được từ Chúa.
Mặc dù chúng ta đã soạn thảo kỹ càng bài giảng và tin chắc rằng mình đã được Thánh Linh ban cho sứ điệp, nhưng là người công bố Phúc Âm chân chính, chúng ta thường kinh nghiệm một yếu tố khá thích thú là “yếu tố bất ngờ”. Mục sư Lloyd-Jones gọi yếu tố này là “yếu tố vinh quang”, vì yếu tố này chứng minh rằng: không phải người đứng trên toà giảng điều khiển giờ giảng, nhưng có sự hiện diện của Chúa Thánh Linh. Có bao nhiêu lần, người giảng cảm thấy “chắc ăn” khi bước lên toà giảng, nhưng rốt cuộc phải buồn vì khi giảng dường như có cái gì trục trặc. Ngược lại, có những lúc người giảng cảm thấy mình mệt mỏi, bệnh hoạn, bồn chồn, thiếu sót, nhưng khi giảng xong lại sung sướng phấn khởi, đến cả cái mệt mỏi bệnh hoạn của thể xác cũng đều tiêu biến hết. Mục sư George Whitefield có viết trong nhật ký của ông câu này: “Tôi chỉ cảm thấy khoẻ khoắn sau khi đổ mồ hôi hột trên toà giảng!” Đó cũng là kinh nghiệm của nhiều người công bố Phúc Âm: mặc dù khi giảng, họ trút cả tâm lòng và linh hồn ra, mồ hôi đổ ra như tắm, nhưng khi giảng xong, họ lại được Chúa bổ sức một cách đặc biệt, cả tâm linh lẫn thể xác. Nói như vậy không có nghĩa là lúc nào Mục sư cảm thây vững tâm đều sẽ thất bại, hay lúc nào cảm thấy mệt mỏi bệnh hoạn đều sẽ đắc thắng cả, vì cũng có những lần khác, Mục sư được Thánh Linh ban cho một sứ điệp đặc biệt đến nỗi lòng của Mục sư vô cùng cảm động, từ tối thứ bảy Mục sư đã cảm thấy náo nức, và khi giảng xong, Mục sư cảm thấy sung sướng vì Thánh Linh đã làm việc đúng như điều Mục sư ao ước.
Một yếu tố khác cũng đem lại niềm vui sướng cho người công bố Phúc Âm là: bài giảng tự khai triển trong khi Mục sư giảng, hay nói đúng hơn là Thánh Linh khai triển bài giảng một cách mới lạ, làm cho người giảng phải ngạc nhiên sung sướng. Mục sư Lloyd- Jones nói rằng nhiều lần ông bước lên toà giảng với bài giảng đã soạn sẵn và không hề nghĩ rằng trong khi giảng phần đầu, Thánh Linh hướng dẫn ông khai triển phần ấy ra thành ra một bài giảng đầy đủ, rồi mỗi phần trong bài giảng “nguyên thủy” cũng trở thành một bài giảng. Như vậy đang khi giảng, bài giảng nguyên thủy đã “tự khai triển” thành một loạt bài giảng, ngoài sự suy nghĩ và chuẩn bị của ông lúc ban đầu. Mục sư Lloyd-Jones nói rằng ông kể lại kinh nghiệm này để dâng vinh hiển cho Chúa và đồng thời cũng để chia sẻ niềm vui sướng mà chỉ có chức vụ công bố Phúc Âm mới đem lại được.
“Yếu tố bất ngờ” cũng có khi là việc Chúa Thánh Linh “ngăn trở” trong khi giảng. Như có lần Mục sư Lloyd-Jones lên toà giảng và định ý giảng trọn cả bài giảng ông đã soạn trước. Nhưng đang khi giảng, ông cảm biết sự ngăn trở của Thánh Linh và ông chỉ giảng được nửa bài giảng thôi. Qua Chúa nhật sau, Mục sư Lloyd-Jones giảng nửa bài giảng còn lại và cảm biết Thánh Linh ban cho ông một sự tự do đặc biệt để ông giảng “nửa bài” này thành ra một bài giảng trọn vẹn đầy đủ. Sau khi Mục sư Lloyd-Jones giảng xong, có một Mục sư ở cách đó cả ngàn dặm đã đến bắt tay ông, cảm động đến nỗi không nói ra lời. Sau đó Mục sư này nói rằng: ông biết chắc chắn Chúa đã đem ông đến đúng lúc để nghe một sứ điệp Chúa dành riêng cho ông. Khi đó, Mục sư Lloyd-Jones mới ý thức được rằng, nếu Chúa nhật trước ông đã giảng trọn cả bài giảng của mình, thì Mục sư này đâu có cơ hội nhận được sự dạy dỗ đặc biệt của Chúa. Nhưng Chúa Thánh Linh đã “ngăn trở” ông, không cho ông giảng hết cả bài giảng, để đến Chúa nhật sau ông có thể giảng phần thứ hai đúng lúc, đúng hoàn cảnh, đúng thính giả.
Nhưng chắc cũng có người thắc mắc, hỏi rằng: khi gặp trường hợp quá bất thường như vậy, người giảng phải làm gì? Trước hết người giảng phải bình tĩnh và nhạy cảm trước sự hướng dẫn của Thánh Linh, vì một khi Thánh Linh đã ngăn cản, không cho giảng hết bài đã soạn sấn, chắc chắn Ngài cũng sẽ gợi ý cho người giảng để có thể khai triển phần đầu thành một bài giảng đầy đủ, và phần thứ nhì cũng thành ra một bài giảng đầy đủ. Bình tĩnh, sáng suốt, nhạy cảm để nghe được tiếng Thánh Linh hướng dẫn là điều kiện cần thiết khi gặp trường hợp bất thường như vậy.
Sau vài ba lần như vậy, Thánh Linh sẽ giúp chúng ta học được một kinh nghiệm thuộc linh quý báu, nhưng dù có kinh nghiệm đến đâu đi nữa, người công bố Phúc Âm lúc nào cũng phải tùy thuộc vào sự dẫn dắt của Thánh Linh.
Một “yếu tố bất ngờ” đem lại niềm vui sướng không thể nào mô tả được trong lòng của người công bố Phúc Âm là quyền năng của Lời Chúa trên thính giả. Một bài giảng có thể thay đổi hẳn một cuộc đời, có thể đưa một tội nhơn từ cõi tối tăm qua cõi sáng láng lạ lùng của Chúa. Bao nhiêu người công bố Phúc Âm chân chính đã có kinh nghiệm được bắt tay với người đến tâm tình: “Chúa cho Mục sư giảng lời đó trực tiếp cho tôi; Chúa cho Mục sư biết được hoàn cảnh đen tối của tôi mà rọi ánh sáng chân lý vào lòng tôi v.v…”
Để chứng minh điểm này, Mục sư Lloyd-Jones có kể lại hai câu chuyện thật sau đây: Có một vị Mục sư đang phục vụ Chúa tại một xứ kia, trong thời kỳ đạo Chúa bị bắt bớ dữ tợn. Chính Mục sư này cũng đang bị bắt bớ nên đem gia đình qua Anh. Mục sư này có ý muốn định cư luôn tại một quốc gia khác chứ không muôn trở về quê hương phục vụ Chúa nữa. Hôm đó, Mục sư này cùng với vợ đến nghe Mục sư Lloyd-Jones giảng. Mục sư Lloyd- Jones lúc đó không biết gì về Mục sư bị bắt bớ kia cả, nhưng Thánh Linh đã cai trị và lời giảng hôm đó đã nói trực tiếp với Mục sư này. Sau khi nghe giảng xong, Mục sư này quay lại nhìn vợ, vợ ông cũng quay lại nhìn ông, và họ nói với nhau: “Chúa đã cho chúng ta câu trả lời”. “Câu trả lời” là không định cư ở nước ngoài, nhưng trở về quê hương tiếp tục phục vụ Chúa, dù bị bắt bớ bức hại. Khi họ trở về, Chúa đã ban phước cho chức vụ họ rất nhiều, và nhiều năm về sau họ mới có cơ hội kể lại các chi tiết trên cho Mục sư Lloyd-Jones biết. Thật là một “yếu tố bất ngờ” vô cùng kỳ diệu của Chúa ban cho. Mục sư Lloyd-Jones nói rằng: Chúa chẳng những có thể dùng một bài giảng, mà Ngài cũng có thể dùng một lời cầu nguyện để đem lại “yếu tố bất ngờ” kỳ thú. Đó là trường hợp của một người vốn gian ác tội lỗi, đã tin nhận Chúa và đã được biến đổi khi Mục sư Lloyd-Jones còn phục vụ Chúa ở Miền Nam xứ Wales. về sau người này sa ngã, bỏ vợ con, lên Luân đôn sống với một người đàn bà tội lỗi. Đến khi hết tiền và bị người đàn bà này ruồng bỏ, người này quyết định lên cầu Westminster để nhảy xuống sông Thames tự tử. Khi vừa đến cầu này, người này nghe tiếng chuông “Big Ben” đổ sáu giờ ruổi chiều. Vừa nghe tiếng chuông, người này nghĩ thầm: “Bây giờ là giờ Mục sư Lloyd-Jones sắp lên toà giảng”, rồi quyết định nghe giảng một lần chót trước khi tự tử. cầu Westminster chỉ cách giảng đường Westminster có sáu phút đi bộ, nên người này đến giảng đường. Vừa khi bước vào cửa, người này nghe tiếng Mục sư Lloyd-Jones cầu nguyện “Xin Chúa thương xót những anh chị em đang sa ngã”. Lời cầu nguyện này đã đánh mạnh vào lòng anh ta, đồng thời Thánh Linh thuyết phục anh ta cách mạnh mẽ và giúp anh khóc lóc ăn năn tội lỗi. về sau người này là một trưởng lão trong một chi hội ở ngoại ô Luân đôn và phục vụ Chúa cách trung tín cho đến khi qua đời.
Giáo sĩ tiền phong William Carey có nói rằng: “Chúng ta cầu xin Thượng Đế làm những việc vĩ đại, và trông chờ những việc vĩ đại từ Thượng Đế. Chính Ngài đã phán rằng: “Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ trả lời con; Ta sẽ tiết lộ cho con những việc lớn lao, huyền nhiệm con chưa từng biết” (Giê-rê-mi 33:3) và “Ta là Chúa Tể, là Chân Thần của cả nhân loại. Có việc gì khó quá cho Ta đâu!” (Giê-rê-mi 32:27).
Khi chúng ta đặt mình hoàn toàn trong cánh tay toàn năng của Thượng Đế, Ngài sẽ làm những việc phi thường, cho chúng ta thấy từ việc bất ngờ này đến việc bất ngờ khác.