Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương XII -Phần 4)
Chương XII: Thí Dụ Soi Sáng, Trí Tưởng Tượng, Tu Từ (Hùng Biện), Lời Nói Hóm Hỉnh
Phần 4
Ăn nói hóm hỉnh, có duyên (humor), nêu là một ân tứ của Thánh Linh, là đặc tính tốt. Mục sư Charles H. Spurgeon là người có ân tứ ăn nói hóm hỉnh có duyên và đã dùng ân tứ này trong việc công bố Phúc Âm. Ngược lại, sứ giả Phục hưng George Whitefield rất nghiêm trang khi giảng Lời Chúa, và không bao giờ trào phúng cả.
Ăn nói hóm hỉnh có duyên tự nó không phải là một điều sai, nhưng chúng ta phải giữ đừng bao giờ vượt qua ranh giới thanh nhã mà bước vào lãnh vực thiếu thanh nhã. Nói cách khác, trong khi giảng – và cả trong sinh hoạt hàng ngày – sứ giả thật của Thượng Đế không thể nào nói một lời thiếu thanh nhã, vì Lời Chúa trong Ê-phê-sô 5:4 dạy rằng “đừng nói lời tục tĩu,bậy bạ, hoặc chuyện tiếu lâm thô bỉ‘. “Tiếu lâm thô bỉ” tức là nói trào phúng thiếu thanh nhã, nói lời thiếu thanh nhã để chọc người ta cười. Đây không phải là một ý kiến của người này hay người kia để chúng ta muốn nghe thì nghe, không muốn nghe cũng được, nhưng đây là một mạng lệnh của Thượng Đế, ai là con cái của Thượng Đế cũng phải vâng lời, huống chi là những người cho mình đã được Chúa bổ nhiệm làm sứ giả của Ngài. Người công bố Phúc Âm là sứ giả, là sứ thần (khâm sai) của Thượng Đế và có trách nhiệm với linh hồn người ta, với sự cứu rỗi đời đời hay trầm luân đời đời của các linh hồn ấy. Vì vậy, nếu Thánh Linh cho người đó có cách ăn nói hóm hỉnh có duyên cách tự nhiên, thì dùng ân tứ đó trong giới hạn thanh nhã và ngay thật để làm vinh hiển Chúa. Nhưng đừng bao giờ nhắm vào mục đích chọc cho thính giả cười mà không làm vinh hiển danh Chúa, hay chọc cười một cách “chuyên nghiệp” như các diễn viên màn ảnh hay diễn viên sân khâu.
Điểm cuối cùng chúng ta nêu lên trong Chương này là: mỗi bài giảng phải dài bao lâu? Thật ra, chúng ta không có một luật lệ nào bảo phải giảng bao lâu cả. Là người nhận lãnh sứ điệp trực tiếp từ Chúa Thánh Linh để truyền lại cho hội chúng, chúng ta phải tùy theo sứ điệp, tùy theo các sự dạy dỗ của Chúa, và trên hết cả mọi sự, phải tùy theo sự hướng dẫn của Thánh Linh. Có những lần, chúng ta chuẩn bị bài giảng để giảng chừng nửa giờ, nhưng khi đang giảng, Thánh Linh bảo chúng ta phải khai triển thêm điểm này điểm nọ, và bài giảng có thể kéo dài đến 40 phút hay hơn. Cũng có những lần khác, Thánh Linh bảo ta bỏ bớt một vài điều đã ghi trong dàn bài, và vì thế bài giảng chỉ còn 20 hay 25 phút.
Điều quan trọng là chúng ta phải nhạy cảm để nghe tiếng của Thánh Linh và phải hoàn toàn đầu phục mọi sự chỉ dẫn dạy dỗ của Ngài. Đừng bao giờ làm “nô lệ cái đồng hồ” và cũng đừng nói lòng dòng quá dài trong khi đã hết ý.
Người công bố Phúc Âm được Đấng Đã Chết và Sống Lại bổ nhiệm làm sứ giả của Ngài, chứ không bị một số thính giả chưa được tái sinh, hoặc thính giả bệnh hoạn thuộc linh điều khiển. Người công bố Phúc Âm có trách nhiệm cầu thay và dùng chân lý của Thượng Đế để đem những người này đến với Chúa Cứu Thế, để họ có lòng đỏi khát chân lý, thích nghe chân lý hơn là xem T.V., xem báo chí, hay đi mua sắm vào ngày Chúa nhật. Chúng ta cũng đừng quên là chúng ta đứng lên toà giảng, rao truyền sứ điệp của Thượng Đế chỉ vì một động cơ thúc đẩy duy nhất, là sự cảm thúc của tình thương Chúa Jê-sus đã đổ đầy trong lòng chúng ta (IICổ-linh 5:14).