Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương X -Phần 1)

Chương X: Chuẩn Bị Sứ Điệp

191115

Phần 1

Trong Chương 9, chúng ta đã đề cập đến việc chuẩn bị của người công bố Phúc Âm. Mặc dù đã cố gắng nhiều, chúng ta cũng không có thể nói là chúng ta đã trình bày đầy đủ về vấn đề vô cùng quan trọng đó. Chúng ta cố gắng làm phần của chúng ta, là con người, còn Chúa Thánh Linh mới là Đấng đào tạo, huấn luyện và chuẩn bị tôi tớ thật của Ngài.

Đến đây chúng ta đề cập đến công việc chuẩn bị sứ điệp. Nhưng có người hỏi rằng: sao không nói đến việc thăm viếng của Mục sư. Chúng ta có thể trả lời rằng tất cả các chương trong sách này đều tập trung vào chức vụ công bố Phúc Âm, tức là việc giảng dạy. Chúng ta tin rằng chức vụ này quan trọng hơn cả và nếu một người chăn bầy thiếu sót trong việc giảng dạy, người ấy không thể lấy bất cứ hoạt động nào khác, kể cả hoạt động thăm viếng để thay thế được. Nói cách khác, việc viếng thăm sẽ không có hiệu quả nếu không được việc giảng dạy dọn đường trước. Mục sư có thể đến thăm một người nào đó rồi uống trà, nói chuyện ít lâu, nhưng đó chỉ là một cuộc thăm viếng có tính cách xã hội (social visit), chứ không phải là cuộc thăm viếng của người chăn bầy (pastoral visit). Cuộc thăm viếng của người chăn bầy phải được chuẩn bị trước bằng việc rao giảng Phúc Âm. ơ đây chúng ta cũng không đề cập đến việc cầu nguyện trên tòa giảng hay cầu nguyện trước công chúng mặc dù đây cũng là một việc rất quan trọng. Lý do là mục đích của tài liệu này chỉ cho phép chúng ta tập trung vào thiên chức công bố Phúc Âm. Bài giảng đầy quyền năng của Thánh Linh sẽ đem lại kết quả trong mọi hoạt động khác, kể các những hoạt động trong giờ thờ phượng ngày Chúa nhật lẫn các hoạt động trong tuần của Mục sư, như thăm viếng v.v…

Trước khi đi vào các chi tiết của việc chuẩn bị sứ điệp, Mục sư phải có quyết định rõ ràng: bài giảng đang chuẩn bị đây là để giảng cho người chưa tin, hay là bài giảng có tính cách nuôi dưỡng và gây dựng cho người đã tin.

Như chúng ta đã nói, Mục sư phải giảng giải kinh và sứ điệp mình rao giảng phải lấy trực tiếp từ Thánh Kinh chứ không do một người nào soạn thảo trước. Các tài liệu được soạn thảo trước, như các bài học Giáo lý Căn bản – mặc dù rất cần thiết để huấn luyện, nếu là tài liệu soạn thảo đúng với Thánh Kinh – cũng không phải là tài liệu để Mục sư dùng làm tài liệu căn bản cho việc soạn bài giảng. Lý do là khi soạn thảo tài liệu Giáo lý, tác giả thường nhân mạnh hay nói nhiều về những điều mình thấy là cần thiết và đồng thời bỏ qua những điểm tưởng là không thích hợp. Khi cần giảng các đề tài được đem ra thảo luận trong các tài liệu về Giáo lý căn bản, Mục sư nên nghiên cứu Thánh Kinh cách trực tiếp để có thể trình bày đề tài mình giảng cách quân bình. Có Mục sư liên tục từ năm này qua năm nọ chỉ dùng tài liệu Giáo lý căn bản để giảng mà không giảng trực tiếp từ Thánh Kinh. Đó là một việc làm chúng ta không nên bắt chước, vì Mục sư phải luôn luôn mỏ Thánh Kinh để giảng sứ điệp của Thượng Đế và đồng thời hướng dẫn thính giả tập trung trực tiếp vào Thánh Kinh chứ không phải vào tài liệu do người khác biên soạn để giải thích Thánh Kinh. Người công bố Phúc Âm phải rao giảng “sứ điệp của Thượng Đế chứ không giảng giáo điều giáo lý của một giáo hội hay hệ phái nào.

Chúng ta đồng ý là lúc nào chúng ta cũng phải giảng theo cách giải kinh, nhưng giảng giải kinh cũng có hai cách: một là “giảng theo đoạn văn”, tức là Chúa nhật này đưa ra một đoạn văn (một chương, một khúc hay vài ba câu Thánh Kinh) để giảng theo lối giải kinh, rồi đến Chúa nhật sau Mục sư đưa ra một đoạn văn khác, có thể không liên hệ với đoạn văn đã giảng vào Chúa nhật trước. Cách thứ hai là “giảng hàng loạt”, tức là căn cứ trên một sách trong Thánh Kinh, hay một phần của một sách, rồi giảng liên tục trong một thời gian năm bảy Chúa nhật hay dài hơn nữa và bài giảng này liên hệ với bài giảng kia.

Mục sư Charles H. spurgeon, được nhiều gọi là “quán quân truyền đạo” của thế kỷ thứ 19, không đồng ý với cách “giảng hàng loạt”. Mục sư Spurgeon nói rằng đoạn văn làm nền tảng bài giảng phải do Thánh Linh soi dẫn và ban cho trực tiếp, khi Mục sư biết tìm cầu Chúa. Vì vậy Mục sư không tự mình quyết định nhưng phải cầu nguyện để được Chúa Thánh Linh dạy dỗ và Mục sư chỉ biết vâng phục. Một khi đã được Thánh Linh ban cho một đoạn văn để giảng, Mục sư căn cứ vào đó để công bố sứ điệp của Chúa. Quan điểm này của Mục sư Charles H. Spurgeon được nhiều người làm theo nên lúc còn trẻ Mục sư Martyn Lloyd-Jones không được nghe ai áp dụng cách “giảng hàng loạt” cả, và lúc mới bắt đầu chức vụ, ông cũng chỉ giảng theo đoạn văn.