Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương VIII -Phần 1)
Chương VIII: Đặc Tính Của Sứ Điệp
Phần 1
Trong Chương 7 chúng ta đã nói qua về một vấn đề quan trọng là: mối liên hệ giữa người giảng và thính giả. Chúng ta cũng đưa ra Lời Chúa dạy trong chương 9, thư Cổ-linh thứ nhất, và chương 15 của thư La-mã, và đi đến kết luận là: người giảng phải chủ động và không lệ thuộc vào thính giả. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã nhấn mạnh rằng: người giảng “thẩm định trình độ của thính giả”, tức là phải chú ý đến thính giả, phải biết rõ trình độ thuộc linh của thính giả. Đó là điểm quan trọng người giảng phải nhớ khi soạn bài giảng và khi công bố sứ điệp. Chúng ta nhắc lại nguyên tắc quan trọng đó một lần nữa: người nghe không thể nào chỉ huy người giảng, nhưng người giảng phải cố gắng thẩm định trình độ của người nghe. Chúng ta có thể trưng dẫn nhiều chỗ trong Thánh Kinh để chứng minh nguyên tắc này. Như trong ICổ- linh 3:1-3, sứ đồ Phao-lô viết rằng: “Thưa anh em, trước kia tôi không thể nói chuyện với anh em như với người thuộc linh, nhưng như người xác thịt, như con đỏ trong Chúa Cứu Thế. Tôi phải dùng sữa nuôi anh em, thay vì thức ăn đặc, vì anh em chưa tiêu hoá nổi, đến bây giờ anh em cũng chưa ăn được. Vì anh em vẫn sống theo xác thịt. Anh em còn ganh ghét, xung đột nhau; không phải anh em đang sống theo xác thịt như người đời sao?”. Mấy câu này cho thấy tình trạng thuộc linh của tín hữu ở thành Cổ-linh đã ảnh hưởng đến việc giảng dạy của sứ đồ Phao-lô. Nên để ý là: các tín hữu này không chỉ huy sứ đồ Phao-lô, nhưng sứ đồ cứu xét tình trạng thuộc linh của họ để quyết định cách giảng Phúc Âm cho họ
Chúng ta cũng xem Hi-bá 5:11-14. Sau khi giới thiệu cho độc giả biết Chúa Cứu Thế hiện làm Thầy Tế Lễ Tôi cao, theo cấp bậc Mên-chi-xê-đéc, tác giả viết rằng: “Tôi định khai triển vấn đề này, nhưng vì anh em chậm hiểu nên rất khó giải thích. Đáng lẽ ngày nay đã làm giáo sư, nhưng anh em vẫn còn ấu trĩ, phải học đi học lại những chân lý sơ đẳng của Đạo Chúa. Anh em vẫn còn uống sữa, chưa tiêu hoá nổi thức ăn của người lớn. Kẻ sống nhờ sữa vẫn còn trẻ con, chưa biết phân biệt phải trái, chưa thể học hỏi về Đạo lý công chính của Chúa. Thức ăn đặc dành cho người trưởng thành, vì họ có kinh nghiệm, biết phân biệt thiện ác”. Khúc Thánh Kinh này cũng giống như mấy câu trong ICổ- linh chương 3 chúng ta vừa trưng dẫn. Tác giả thư Hi-bá muôn trinh bày giáo lý về chức vụ Thầy Tế Lễ Tối cao của Chúa Jê- sus, nhưng sau khi thẩm định trình độ thuộc linh của độc giả, tác giả thấy rằng chưa có thể làm được vì độc giả chưa đủ trình độ để lãnh hội.
Đây là một điểm sơ đẳng trong việc dạy học. Dù dạy bất cứ ngành nào và trình độ nào, người dạy cũng phải thẩm định trình độ của học sinh hay sinh viên của mình. Người giảng Phúc Âm cũng phải luôn ghi nhớ nguyên tắc căn bản này, nhất là khi còn trẻ. Đa số Mục sư trẻ thường giảng cho thính giả căn cứ trên trình độ thuộc linh mà Mục sư ước mong họ đạt được, chứ không căn cứ trên trình độ họ đã đạt được. Bên Anh, có nhiều Mục sư trẻ, sau khi đọc tiểu sử các Mục sư danh tiếng thời Thanh giáo (thế kỷ thứ 17) thường coi các vị này là những Mục sư mẫu mực, những Mục sư lý tưởng và ráng bắt chước cho giống các vị này.
Trong khi đó họ quên rằng các Mục sư thời Thanh giáo thường giảng dài đến 3 tiếng đồng hồ, và thính giả của họ là những người đã được huấn luyện và chuẩn bị kỹ càng để có thể theo dõi những bài giảng dài với nhiều luận chứng, mà không chán. Nếu các Mục sư trẻ thuộc thế kỷ 20 bắt chước giảng dài như các Mục sư Thanh giáo, chẳng bao lâu họ không còn có ai ngồi nghe nữa! Vì vậy việc thẩm định trình độ thuộc linh và khả năng lãnh hội của thính giả là một việc rất cần thiết.
Chẳng những người công bố Phúc Âm phải thẩm định trình độ của người nghe mà còn phải hết sức thận trọng để việc thẩm định được thực hiện bách chính xác. Khi nói đến thẩm định chính xác, chúng ta phải để ý điểm này: người giảng thường thẩm định thính giả cách sai lầm, và chính thính giả cũng tự thẩm định cách sai lẫm. Chúng ta sẽ cắt nghiã điểm này cách rõ ràng ở phần sau, nhưng ở đây chúng ta cũng cần nói rằng việc thẩm định sai lầm này có thể đem lại kết quả nguy hiểm không lường được.
Chúng ta có thể nói việc thẩm định sai lầm đang đem lại hậu quả vô cùng tai hại hiện nay là việc “coi như là”: Coi mỗi người tự nhận mình là Cơ-đốc-nhân như là Cơ-đốc-nhân thật; coi mỗi người trung tín tham dự các sinh hoạt của giáo hội như là Cơ- đốc-nhân thật; coi mọi hội viên đã làm báp tem trong giáo hội như là Cơ-đốc-nhân thật. Đây là một sự thẩm định sai lầm nhất, mà cũng phổ thông nhất.