Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương VII -Phần 7)

Chương VII: Hội Chúng (Người Nghe Giảng)

nang-som-cdnnv-332x205

Phần 7

Nói tóm lại, người công bố Phúc Âm cần học hỏi những người xưa, như những nhà truyền đạo Thanh giáo cách đây 300 năm về tri thức và kinh nghiệm thuộc linh, nhưng không nên bắt chước những chi tiết nhỏ nhặt đã lỗi thời, như những phong tục không liên hệ với Phúc Âm. Nếu làm như vậy, chúng ta không phải là người trung thành với Phúc Âm, nhưng là người nệ cổ. Lời Chúa dạy qua sứ đồ Phao-lô là: chúng ta phải linh động trong phương pháp truyền giảng Lời Chúa, nhưng cũng đừng bao giờ áp dụng nguyên tắc của người đời là: lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện.

Ngoài ra, khi công bố sứ điệp của Thượng Đế, chúng ta phải giữ cho khỏi lâm vào tình trạng “tiền hậu bất nhất” và nhất là đừng áp dụng một phương pháp truyền giảng nào mâu thuẫn với sứ điệp chúng ta công bố. Chẳng những Thánh Kinh dạy chúng ta phải khác thế gian mà những người có lòng muốn tìm chân lý của Thượng Đế cũng chờ đợi ở chúng ta những cái gì khác biệt với đời. Nhiều tội nhơn tìm đến Chúa Cứu Thế Jê-sus vì Ngài khác hẳn các nhà đạo đức mô phạm đang thời, với nếp sống thánh khiết, với lời dạy dỗ đầy quyền năng và tình thương. Người cách đây hai ngàn năm đến với Chúa Cứu Thế vì Ngài khác đời và hơn đời, tội nhơn của thế kỷ thứ 20 cũng được thu hút đến với sứ điệp Phúc Âm khi người công bố Phúc Âm có cái gì khác đời và hơn đời. Lập luận cho rằng chúng ta phải giống đời để thu hút người đời là một lập luận sai lầm, cả trên phương diện thần học, lẫn trên phương diện tâm lý học.

Người công bố Phúc Âm chân chính cần nhớ luôn rằng: khi thi hành thiên chức được Chúa ủy nhiệm, chúng ta phải phúc trình trực tiếp với Thượng Đế, phải tăng trưởng trong sự hiểu biết Thượng Đế và phải duy trì mối tương giao chặt chẽ với Thượng Đế. Vì chức vụ này là chức vụ của Thượng Đế ủy nhiệm, chúng ta phải “phục vụ Chúa với lòng nhiệt thành, kính sợ Chúa để Chúa vui lòng. Vì Thượng Đế chúng ta là một Ngọn Lửa thiêu đốt” (Hi-bá 12:28-29.

psalm-8.5,6

Người công bố Phúc Âm là người có trách nhiệm về sự sống đời đời, hoặc ở Thiên đàng hoặc ở hỏa ngục, của thính giả đang ngồi trước mặt mình, nên không được có thái độ đùa bỡn như một kịch sĩ nói những câu trào phúng để cho thính giả mua vui. Chính sứ điệp Phúc Âm là sứ điệp vui mừng, vì Phúc Âm là Tin Mừng. Người công bố Phúc Âm là người đã nếm được “niềm vui thiên thượng khó tả”của Thanh Linh (IPhê-rơ 1:8) và nhờ quyền năng Thánh Linh để chia sẻ niềm vui đó cho thính giả. Vì vậy người công bố Phúc Âm đầy dẫy Thánh Linh không thể nào mở miệng nói những câu tiếu lâm, những lời trào phúng thiếu sự thánh khiết (Ê-phê-sô 5:4, 6), như một số người hiện nay chủ trương rằng phải làm như vậy để cho thính giả cởi mở và sẵn sàng nghe Phúc Âm! Có thể thính giả cởi mở thật, nhưng điều họ muốn nghe không phải là Phúc Âm chân chính, và cái miệng đã bắt đầu nói những điều hèn hạ đâu có thể được Thánh Linh sử dụng. Miệng được Thánh Linh đại dụng là miệng biết kiêng, biết tránh những lời hèn hạ, vì “Nếu ngươi làm cho sự quý lìa khỏi sự hèn thì ngươi sẽ nên như miệng Ta” (Giê-rê-mi 15:19-b). Sứ điệp của chúng ta cho người tri thức cũng như người thất học, người “đạo đức” cũng như người gian ác, người phương đông cũng như người phương tây, là “Con nguời phải tái sinh” (Giăng 3:7-b). Theo Tân Ước thì con người toàn diện là hư hỏng, là sai lầm. Chẳng những con người sai lầm trên phương diện này hay trên phương diện khác, nhưng dưới con mắt của Thượng Đế, mỗi người là “người tội lỗi”, là “kẻ thù Thượng Đế” (La-mã 5:9,10). Điều kiện duy nhất để tiếp nhận sự cứu rỗi qua sự chết của Chúa Cứu Thê Jê-sus là: “Nhưng trước hết các con phải tìm kiếm Thượng Đế để được Ngài tha tội và ngự trị trong lòng, rồi Ngài sẽ cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu cho các con” (Mã-thi 6:33). Nếu chúng ta nhấn mạnh đến “mọi nhu cầu” mà không nhấn mạnh đến mạng lệnh “Trước hết phải tìm kiếm Thượng Đế”, chúng ta đã phản bội Thượng Đế, xuyên tạc sứ điệp của Thượng Đế giao phó.

Chúng ta không thể nào dùng một hành động, một nổ lực hay một nếp sông nào để đem một tội nhơn vào Nước Trời. Không một ai có thể làm việc đó, dù ở thời hiện đại hay trong thời đại của sứ đồ Phao-lô cũng vậy. Nhưng theo lời Chúa dạy trong ICổ- linh 9:15-27, chúng ta phải loại bỏ tất cả những thành kiến, phải chắc phục những nhược điểm cá nhân, phải tránh cả những hành động hay những sở thích dù là hợp lý để không làm “cớ vấp phạm” cho người nghe Phúc Âm, để họ có thể nghe và lãnh hội Phúc Âm một cách đầy đủ và chính xác. Đó là ý nghĩa của câu ‘Tôi hòa mình với mọi người, dùng mọi cách để có thể cứu một số người”.

Lỗi lầm tai hại nhất của trào lưu hiện đại trong Giáo hội là người ta đã hoàn toàn chối bỏ Đức Chúa Thánh Linh và quyền năng tối thượng của Ngài. Vì “con người hiện đại” trong Giáo hội cho rằng họ là các chuyên gia tâm lý học, chuyên gia giáo dục, huấn luyện và cả chuyên gia truyền giảng nữa, nên họ chủ trương phải phân chia thành nhóm này, nhóm nọ căn cứ trên tâm lý học, trên văn hoá, trên trình độ học vấn v.v… Họ làm như là có nhiều thứ Phúc Âm, và mỗi thứ Phúc Âm chỉ thích hợp cho một thành phần nào đó thôi. Khi làm như vậy họ đã chối bỏ Thánh Linh, chối bỏ Phúc Âm độc nhất, là Phúc Âm có quyền năng để cứu rỗi mọi hạng người (La-mã 1:17-18). Thượng Đế có Một Phúc Âm cho cả nhân loại. Nhân loại cũng chỉ là một. Vì áp dụng những lý thuyết tâm lý học hiện đại, nhiều người trong Giáo hội đã hiểu sai, nếu không nói là xuyên tạc Chân lý bất di bất dịch của Thánh Kinh và đề cao những phương pháp đi ngược với Sứ Điệp được Thượng Đế ủy thác cho người công bố Phúc Âm chân chính.