Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương VII -Phần 6)
Chương VII: Hội Chúng (Người Nghe Giảng)
Phần 6
Nhưng vẫn còn có người thắc mắc vì sứ đồ Phao-lô có mô tả chức vụ của mình trong ICổ-linh 9:19-23 rằng: “Dù được tự do không lệ thuộc ai, nhưng tôi tình nguyện làm nô lệ mọi người để dìu dắt nhiều người đến với Chúa. Giữa người Do-thái, tôi sống như người Do-thái để giúp họ tin Chúa. Giữa người theo luật pháp Do-thái, dù không bị luật pháp chi phối, tôi sống như người theo luật pháp để đưa họ đến với Chúa. Giữa người không theo luật pháp, tôi sống như người không luật pháp (dù tôi vẫn theo luật pháp của Chúa Cứu Thế) để giúp họ được cứu rỗi. Giữa người yếu đuối, tôi sống như người yếu đuối, để cứu người yếu đuối. Tôi hoà mình với mọi người, dùng mọi cách để có thể cứu một số người. Tôi làm mọi việc vì Phúc Âm, để được hưởng phúc với Phúc Âm”.
Đây là một đoạn văn Thánh Kinh rất thích hợp để chúng ta nghiên cứu trong chương này. Mới đọc qua đoạn văn này, chúng ta thấy dường như sứ đồ Phao-lô đồng ý với “trào lưu hiện đại” với những lập luận của họ chúng ta đã thảo luận trên đây, là lập luận chủ trương rằng: người đứng trên tòa giảng phải tùy thuộc vào người nghe. Dường như các hoạt động của sứ đồ Phao-lô phải thay đổi tùy đối tượng, tức là tùy theo hạng người nghe sứ đồ giảng.
Nhưng khi nghiên cứu kỹ càng đoạn văn này, chúng ta thấy sứ đồ Phao-lô không nói đến nội dung hay tinh thần của sứ điệp, mà nói đến cách ăn ở, cách cư xử của sứ đồ đối với những hạng người khác nhau và đồng thời cũng nói đến phương pháp truyền giảng, tức là cách sứ đồ công bố sứ điệp. Chúng ta phải nhấn mạnh điểm này: trên phương diện nội dung và tinh thần, sứ điệp của sứ đồ Phao-lô và của các sứ đồ khác không bao giờ thay đổi để cho thích hợp với thính giả, nhưng hình thức truyền giảng hay là phương pháp rao giảng cần phải linh động. Người công bố Phúc Âm không được để cho mình bị các truyền thông hay luật lệ làm cho mình mất tự do. Chúng ta không bắt chước những người mỗi khi giảng thì phải đọc lại những câu văn thật xưa thật cổ, với những từ ngữ đã lỗi thời, vì những người này cho rằng không làm như vậy là không đúng, không giống các nhà truyền đạo trứ danh đời xưa. Bên Âu-châu, vào thế kỷ thứ 20 mà còn có một số thanh niên dùng lối nói, thành ngữ và cả điệu bộ của các nhà truyền đạo Thanh giáo (Puritans) vào thế kỷ thứ 17.
Chúng ta không cần quan tâm đến những chi tiết có tính cách tạm thời, những chi tiết chỉ thích hợp cho một vài thế hệ, nhưng chúng ta phải đặc biệt chú ý đến những nguyên tắc, những điều không bao giờ thay đổi.
Đó chính là điều sứ đồ Phao-lô phải đương đầu. Trong chương 8, thư Cổ-linh thứ nhất, tức là chương trước đoạn văn Thánh Kinh chúng ta trưng dẫn trên đây, sứ đồ đưa ra những lời Chúa dạy về tế lễ dâng cho các thần tượng (của cúng). Vấn đề này cũng được sứ đồ đề cập trong La-mã chương 14. Cơ-đốc- nhân, cả người Do thái lẫn người thuộc các dân tộc ngoại-Do- thái (dân ngoại) bị các truyền thống, những phong tục cổ truyền làm cho họ thắc mắc khó xử. Sứ đồ Phao-lô được Thánh Linh hướng dẫn đã viết những đoạn văn đó để chỉ dạy cho họ giữ vững những nguyên tắc bất di bất dịch của Phúc Âm, nhưng đồng thời phải linh động khi gặp những chi tiết không quan trọng, vì các tín hữu mạnh mẽ phải lo nghĩ đến các anh em còn yếu đuối. Những người mạnh không được làm thương tổn lương tâm của những người yếu, nhưng phải tìm cách giúp đỡ và nếu cần cũng phải hạn chế hay bỏ hẳn những hành động “hợp pháp” nếu những hành động này có thể làm thương tổn người anh em. “Cho nên, nếu thức ăn gây cho anh em tôi phạm tội, tôi sẽ chẳng bao giờ ăn thịt để anh em tôi khỏi vấp phạm” (ICổ-linh 8:13). Đừng để việc tốt của anh em làm cớ cho người ta chỉ trích… Đừng để thức ăn làm hỏng việc của Thượng Đế. Mọi thức ăn đều tinh khiết, nhưng ăn uống mà gây cho người khác vấp phạm thì thật xấu” (La-mã 14:16, 20). Ngoài ra cũng còn nhiều câu khác trong mấy chương này nói rõ rằng: đừng để cho thành kiến làm cho người nghe hiểu sai sứ điệp của Chúa, đừng để những chi tiết nhỏ nhặt làm hỏng công việc Chúa. Trách nhiệm của người công bố Phúc Âm là phải làm cho người nghe biết Chân lý. Vì vậy, khi giảng cho người nước ngoài (ngoại Do-thái), người công bố Phúc Âm không cần phải đề cập đến những phong thục, những truyền thông Do-thái mà các Cơ-đốc-nhân Do-thái vẫn còn giữ. Sứ đồ Phao-lô rất thẳng thắn về điểm này, nên đã phản đối ngay cả Phê-rơ, khi sứ đồ này có “hành động đáng trách” (Ga-la-ti 2:11-16).