Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương VII -Phần 5)

Chương VII: Hội Chúng (Người Nghe Giảng)

nang-som-cdnnv-332x205

Phần 5

Lập luận cho rằng người giảng Phúc Âm phải thực tập nghề nghiệp của thính giả là một lập luận vừa không đúng với Thánh Kinh vừa không thực tế. Ga-la-ti 3:28 chép rằng: “Sự chia rẽ kỳ thị giữa Do-thái và nước ngoài, giữa nô lệ và tự do, giữa nam và nữ, đã chấm dứt, vì chúng ta đều hợp nhất trong Chúa Cứu Thế Jê-sus”. Chúng ta cũng có thể nói rằng: không còn có sự chia rẽ giữa trí thức và thất học, giữa dân thầy và dân thợ v.v… Cả nhân loại đều là một trong tội lỗi, trong sự thất bại, trong tuyệt vọng và cả nhân loại đều cần Chúa Cứu Thế Jê-sus và công lao cứu chuộc của Ngài đã thực hiện trên thập tự giá.

Mục sư Lloyđ-Jones có kể lại cuộc sống của ông để chứng minh rằng “kinh nghiệm sống ngoài đời”, dù có giúp ích một phần nào cho chức vụ Mục sư, cũng không thể nào so sánh, hay làm mẫu mực cho chức vụ của người công bố Phúc Âm được. Sau khi tốt nghiệp trường y khoa, Mục sư Lloyd-Jones đã làm bác sĩ trong một thời gian trước khi được Chúa kêu gọi để rao giảng Phúc Âm. Mục sư Lloyd-Jones nói rằng: việc làm đầu tiên của bác sĩ là hỏi bệnh nhân: có những triệu chứng gì, đau đớn chỗ nào, đau đớn bao lâu, bắt đầu đau như thế nào, biến chứng ra sao v.v… Sau khi hỏi rất- tỉ mỉ về các triệu chứng và bệnh trạng, bác sĩ phải hỏi lai lịch của bệnh nhân, từ khi bệnh nhân còn bé. Sau đó, hỏi về lai lịch gia đình bệnh nhân. Nếu nghi là một chứng bệnh di truyền, bác sĩ còn phải hỏi “bản chất bệnh hoạn” của gia đình (gia đình dễ mắc bệnh gì) v.v… Rồi cuối cùng bác sĩ mới chẩn bệnh cho bệnh nhân. Nếu không biết rõ các chi tiết cá nhân đó của mỗi bệnh nhân, bác sĩ không thể nào làm trọn trách nhiệm của mình được. Nhưng công việc của Mục sư khác hẳn công việc của bác sĩ vì Mục sư không cần biết chi tiết cá nhân của mỗi tín hữu trong chi hội mình. Tại sao vậy? Vì lời Chúa đã cho Mục sư biết rằng tất cả những người ngồi trên các hàng ghế để nghe giảng đều có cùng một chứng bệnh, là bệnh tội lỗi. Ai cũng có cùng một chứng bệnh đó. Các triệu chứng có thể khác nhau rất nhiều, nhưng trách nhiệm của Mục sư không phải lo trị liệu các triệu chứng mà phải lo chữa trị căn bệnh. Khi nhắc đến điểm này, chúng ta cũng cần nói rằng: theo kinh nghiệm của nhiều Mục sư thì thường sau mỗi giờ giảng, có người đến nói chuyện với Mục sư và thố lộ với Mục sư một thứ tội nào đó người ấy đang vướng phải rồi xin Mục sư cầu nguyện cho mình được thoát khỏi tội ấy. Nếu khi nói chuyện, Mục sư được Thánh Linh cho biết người đang đối thoại với mình là người chưa được sinh lại, Mục sư phải nói thẳng cho người ấy biết rằng:

Chúa cứu rỗi “con người toàn diện” và huyết Chúa tiêu trừ gốc tội. Nếu chỉ lo trừ một tội riêng biệt nào đó mà không hoàn toàn đầu hàng Đức Thánh Linh để có mối tương giao với Thượng Đế, thì cũng chẳng khác chi người bệnh chỉ lo chữa chạy triệu chứng mà không động đến căn bệnh.

13814101258301984

Khi công bố Phúc Âm, Mục sư phải luôn luôn nhớ rằng tất cả mọi người đều là tội nhân dưới con mắt của Thượng Đế. Dù thính giả là người trí thức hay người thất học, họ cũng có một “mẫu số chung” là tội lỗi. Mục sư phải trình bày Lời Chúa cách nào cho người Pha-ri-si, là người đang tự thị tự mãn về sự công bình riêng của họ, thấy được rằng họ cũng cần Chúa Cứu Thế Jê-sus như người thâu thuế. Thật ra người Pha-ri-si còn cần Chúa hơn người thâu thuế gian ác kia nữa. Người trí thức cần được Thánh Linh rọi sáng để thấy tội kiêu ngạo, tự cao tự đại của họ còn nặng gấp vạn lần các thứ tội lỗi của xác thịt. Người kiêu ngạo đến nghe giảng với tư cách là thanh tra hay quan toà sẽ không thể nào tin nhận Chúa nếu không hạ mình, thú nhận tội lỗi mình dưới chân thập tự giá. Trong một cuộc truyền giảng của Mục sư G.Campbell Morgan ở Luân đôn, ông thị trưởng Luân đôn, là một người nổi tiếng đạo cao đức trọng, tiến lên xin tiếp nhận Chúa Jê-sus. Mục sư Morgan bảo ông thị trưởng quỳ trước toà giảng và đọc câu: “Đây là Chiên Con Thượng Đế, Đấng tẩy sạch tội lỗi nhân loại”. Ngay khi đó một tên cướp khét tiếng cũng tiến lên xin tin nhận Chúa. Mục sư Morgan bảo người này quỳ bên ông thị trưởng và cũng đọc câu “Đây là Chiên Con Thượng Đế, Đấng tẩy sạch tội lỗi nhân loại”. Dưới con mắt của Thượng Đế, ông thị trưởng đạo cao đức trọng là một tội nhơn, mà tên cướp kia cũng là một tội nhơn, và cả hai đều cần Huyết của Chiên Con Thượng Đế như nhau. “Vì mọi người đều phạm tội, thiếu hụt tiêu chuẩn vinh quang của Thượng Đế”. “Chẳng có một người công chính vô tội nào cả, dù một người cũng không có” và “chẳng ai được kể là công chính vô tội trước mặt Thượng Đế” (La-mã 3:23, 10, 19).

Những lập luận cho rằng người công bố Phúc Âm phải thay đổi sứ điệp và cách giảng để theo cho lập trào lưu mới của “con người hiện đại” đều sai lầm, vì căn cứ trên một quan niệm sai lầm, hay nói cho đúng hơn, các lập luận đó đã căn cứ trên một nền thần học sai lầm. Nền thần đạo này sai lầm vì không nhận thấy rõ bản chất thật của tội lỗi, không thấy rằng con người phạm tội vì bản chất con người là bản chất tội lỗi. Người này phạm tội này, người kia phạm tội kia, vì tội lỗi có thể có nhiều triệu chứng, nhưng bản chất của tội lỗi từ khi A-đam phản nghịch Thượng Đế vẫn không thay đổi. Phúc Âm đã được Hội Thánh công bố từ khi Hội thánh được khai sinh vào ngày Lễ Ngũ tuần đến nay vẫn không thay đổi. Khi có người công bố Phúc Âm cách trung thực, chính Thánh-Linh đem Phúc Âm đó để tác động trên từng trường hợp cá nhân. Đàn ông, đàn bà, người lớn tuổi, các trẻ em đều cần được Thánh Linh thuyết phục để mỗi người biết tội, biết mình cần Chúa Cứu Thế Jê-sus và để tiếp nhận Phúc Âm. Thánh Linh đem những người khác nhau về tuổi tác, văn hoá, trình độ học vấn kết hợp lại thành Hội thánh, là Thân thể của Chúa Jê-sus. Nếu có ai cảm thấy mình không thể sát nhập vào đoàn thể đó của Chúa, thì người đó chắc chắn là người chưa được sinh lại, người đó vẫn còn kiêu ngạo tự cao tự đại và cần phải được Thánh Linh hạ sát đất để có tấm lòng khiêm nhường thật. Hội thánh của Chúa nổi bật trên tất cả các hội đoàn của loài người và phản chiếu được vinh quang của Thượng Đế là vì Hội Thánh gồm có những người được Chúa Jê-sus cứu rỗi từ mọi dân tộc, mọi nền văn hoá, mọi tầng lớp xã hội để có một sự sống chung, để thờ phượng chung và tiếp nhận cùng một Phúc Âm của Thượng Đế.