Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương VII -Phần 4)

Chương VII: Hội Chúng (Người Nghe Giảng)

nang-som-cdnnv-332x205

Phần 4

Vào năm 1941, Mục sư Martyn Lloyd-Jones được mời giảng tại viện đại học Oxford vào một tối Chúa nhật. Đa số thính giả là sinh viên của viện đại học này. Sau khi công bố Phúc Âm như ông vẫn giảng ở bất cứ nơi nào khác, Mục sư Lloyd-Jones đi qua một toà nhà khác ở phía sau giảng đường, vì Mục sư quản nhiệm có tuyên bố: ai có câu hỏi gì, có thể qua đây để nghe Mục sư Lloyd-Jones giải đáp thắc mắc. Mục sư quản nhiệm và Mục sư Lloyd-Jones rất ngạc nhiên khi thấy toà nhà ấy đầy cả sinh viên, vì họ vẫn tưởng chỉ có một vài người có câu hỏi thôi. Vừa mới bắt đầu, một thanh niên đứng dậy xin nói (Về sau, Mục sư Lloyd-Jones được biết thanh niên này thuộc trong chủ tịch đoàn “Hội Tranh luận” của viện đại học Oxford, là hội rất nổi danh, đã sản xuất nhiều giám mục, chính khách, thẩm phán và luật sư ở Anh). Thanh niên này xin đặt một câu hỏi, nhưng nói một cách rất khéo léo, nhã nhặn. Trước hết thanh niên khen bài giảng của Mục sư và nói rằng anh ta nghe rất thích thú. Anh ta biết bài giảng đã được soạn thảo cách công phu và trình bày cách hùng hồn, nhưng theo anh thì bài giảng đó đáng phải đem giảng cho các người lao động, cho đám thính giả ở nông trại. Nói xong, thanh niên này ngồi xuống và cả hội trường cười ầm ĩ. Mục sư Lloyd-Jones trả đại ý như sau: dù ý kiến của Mục sư có vẻ như cổ hủ, nhưng Mục sư lúc nào cũng cho rằng các sinh viên đại học và cao học ở Oxford cũng là con người bằng đất sét, là tội nhân đáng thương như mọi người khác và nhu cầu tâm linh của họ cũng giống như nhu cầu tâm linh của các nông dân. Vì vậy Mục sư đã có dụng ý giảng bài giảng đó cho các sinh viên. Khi Mục sư nói xong, nhiều sinh viên cười lớn và vỗ tay hoan nghênh, và buổi giải đáp thắc mắc đó được mọi người chú ý.

Không có ý kiến nào sai lầm và nguy hiểm bằng ý kiến cho rằng phải có một thứ Phúc Âm đặc biệt cho mỗi hạng người trong xã hội. Ý kiến đó hoàn toàn trái ngược với Thánh Kinh, và trái ngược với kinh nghiệm công bố Phúc Âm của những sứ giả Phục hưng như Whitefield, spurgeon, Moody v.v… Các vị này không bao giờ chấp nhận ý kiến sai lầm nguy hiểm đó và thiên chức công bố Phúc Âm của họ đã đem lại phước hạnh của Chúa cho mọi hạng người trong xã hội, cả trí thức lẫn bình dân.

climateaction

Lập luận cho rằng con người hiện đại không thể nghe Phúc Âm để tiếp nhận Chúa Cứu Thế là vì ngựời giảng Phúc Âm cứ dùng những thuật ngữ và thành ngữ quá cổ, quá đặc biệt của Thánh Kinh (như “xưng công bình”, “thánh hoá” v.v…) nên không tạo được nhịp cầu thông cảm với người nghe, là một lập luận lệch lạc, căn cứ trên một quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Chúng ta phải chọn những bản dịch Thánh Kinh tốt nhất chính xác nhất và không nên có thái độ quá thủ cựu, cố tình giữ chặt lấy những bản dịch cũ trong khi có thể có bản dịch mới tốt hơn, nhưng cũng không chấp nhận cách đơn giản lập luận cho rằng vì người giảng Phúc Âm dùng những từ ngữ đặc biệt của Thánh Kinh mà con người hiện đại không chịu nghe Phúc Âm và không chịu hiểu. Để trả lời cho lập luận này, chúng ta có thể đặt câu hỏi như sau: Vào thời đại nào người chưa tin Chúa đã hiểu được các từ ngữ: “tái sinh” (to be bom again), “xưng công bình” (justification), “thánh hoá” (sanctification), “vinh quang hoá” (glorification)? Câu trả lời là: chẳng bao giờ cả. Ni-cô-đem, một giáo sư Do-thái giáo, đâu có hiểu tái sinh là gì khi Chúa Cứu Thế dùng thành ngữ đó lần đầu tiên. Vì vậy, trách nhiệm của người công bố Phúc Âm là giải kinh, là giải thích cho người nghe, đồng thời cầu xin Thánh Linh soi dẫn, để người chưa tin ý thức được sự khác biệt của Phúc Âm. Người công bố Phúc Âm không rao giảng những gì thế gian đã có, đã quen thuộc, nhưng chúng ta rao giảng Phúc Âm độc nhất, vô đối. Người giảng phải cho người nghe thấy điểm quan trọng đó và phải giải kinh cho người nghe hiểu. Người giảng phải quyết định mình giảng điều gì và giảng cách nào, chứ đừng để cho người nghe quyết định.

Mỗi dân tộc đều cần có Thánh Kinh bằng thứ ngôn ngữ riêng của họ, nhưng dù Thánh Kinh dịch ra thứ tiếng nào đi nữa, những từ ngữ đặc biệt của Thánh Kinh cũng phải được người công bố Phúc Âm định nghĩa và giải thích rõ ràng cho người nghe hiểu. Nếu không được giải thích, và nhất là nếu không được Chúa Thánh Linh soi dẫn, không một người chưa tin nào, dù là trí thức hay thất học, có thể hiểu được chân lý cứu rỗi của Phúc Âm. “Người không có Thánh Linh không nhận lãnh được những ân tứ của Thượng Đế, chỉ coi như chuyện khờ dại, vì phải nhờ Thánh Linh mới hiểu giá trị những ân tứ đó” (ICổ- linh 2:14).

Quá trình truyền đạt chân lý từ người này qua người khác được thánh Augustine phân tích và được giáo sư Burleigh nhắc lại như sau: “Ngoài ra quá trình thiên nhiên (thuộc thể) để truyền đạt tư tưởng từ người này đến người kia, việc truyền đạt chân lý còn phải có (thuộc linh) nữa. Ngôn ngữ, dù phát ra từ miệng hay viết ra thành chữ, là những phương tiện cần thiết để truyền đạt tư tưởng, nhưng ngôn ngữ không phải là nguyên nhân của sự lãnh hội. Ngôn ngữ chỉ là các dấu hiệu chỉ cho người khác thấy chân lý, nhưng người nghe chỉ có thể nắm vững được chân lý khi có Thánh Linh là Thần Chân lý phán vào tai tâm linh của mình”.

Chúng ta đừng vấp phải lỗi lầm của một số người tuy đã chấp nhận nguyên tắc này là đúng, nhưng đến khi thực hành việc rao giảng Phúc Âm lại quên mất Đức Chúa Thánh Linh là Thần Chân lý mà chỉ nhờ cậy vào “quyền thế, năng lực” của con người.