Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương VII -Phần 2)
Chương VII: Hội Chúng (Người Nghe Giảng)
Phần 2
Sau đây là những lạp luận của “trào lưu mới” này. Các lập luận này có khi mâu thuẫn nhau, nhưng đều được coi là đòi hỏi hay nhu cầu của “con người hiện đại.
(1). Lập luận thứ nhất cho rằng: thính giả là những người “bình thường”, hàng ngày bị báo chí, truyền thanh, truyền hình “điều kiện hoá”, tức là “được” những nhà báo, nhà bình luận v.v… suy nghĩ giùm, nên không còn thích tự suy nghĩ và tâm trí họ không còn có thể theo dõi các luận cứ sâu sắc được. Vì vậy hình thức rao giảng phải thay đổi bằng cách dùng những chuyện phim ngắn để cho các tài tử màn bạc hay các ca sĩ nổi danh nói chuyện, ‘làm chứng” cho họ nghe. Điều kiện quan trọng là phải “tạo nên một bầu không khí thoải mái” cho người nghe, như chiếu phim, tổ chức ca nhạc (nhạc thính phòng), kịch nhạc v.v… rồi lợi dụng cơ hội mà chen vào một vài lời Thánh Kinh. Có người còn chủ trương rằng: không nên đả động đến Phúc Âm trong các cuộc hội họp này, để cho các thân hữu khỏi “dội”, vì mục đích chính là để làm quen, để gây cảm tình với các thân hữu!.
(2). Lập luận thứ hai cho rằng: việc người rao giảng Phúc Âm dùng các thuật ngữ (terminology) và thành ngữ quá đặc biệt của Thánh Kinh, như: ân điển (ân phúc, ân sủng), tái sinh, xưng công bình (xưng nghiã, xưng công chính), thánh hoá, vinh hiển hoá (glorification) v.v… làm cho thính giả sợ nghe giảng Phúc Âm. Vì vậy, theo trào lưu mới, người rao giảng Phúc Âm phải tránh những từ ngữ đó, để cho người nghe khỏi chán, khỏi dội.
(3). Lập luận thứ ba cho rằng: con người hiện đại có “cái nhìn khoa học”, cái nhìn chịu ảnh hưởng của thuyết tiến hoá. Vì vậy khi giảng Phúc Âm, người giảng chỉ nên đề cập đến các kinh nghiệm luân lý, đạo đức, phải cho người nghe thấy rằng Thánh Kinh và Thiên nhiên (theo cái nhìn của các khoa học gia) bổ túc cho nhau và có uy quyền như nhau, để cho người “trí thức hiện đại” khỏi đóng tai lại mà không chịu nghe giảng. Theo người chủ trương lập luận này, người giảng Phúc Âm chỉ nên tập trung vào các vấn đề tôn giáo và không được đề cập đến nguồn gốc của cuộc sáng tạo, nguồn gốc của loài người, sự sa ngã của A-đam, cũng không được nói đến các phép lạ hay bàn tay của Thượng Đế trong lịch sử nhân loại v.v… vì theo họ, những điều này không hợp với khoa học. Lập luận này thật ra không phải là một lập luận hiện đại, vì vào thế kỷ thứ 19, Albrecht Ritschl (một nhà thần học Đức, 1822-1889) đã chủ trương như vậy và bây giờ “trào lưu mới” chỉ lặp lại những điều Ritschl đã nói.
(4). Lập luận thứ tư cho rằng: con người hiện đại là con người “văn minh”, chịu ảnh hưởng của văn chương nghệ thuật hiện đại, qua phim ảnh, tiểu thuyết, cách ăn mặc v.v… Nếu người giảng Phúc Âm không nghĩ như họ nghĩ, nói như họ nói thì không thể nào giảng cho họ nghe được. Cách đây ít lâu, một tạp chí tôn giáo ở Anh quốc có đăng bài phê bình một cuốn sách vừa xuất bản. Tác giả bài báo này viết rằng: “Nếu tất cả các Mục sư đều đọc cuốn sách này, thì sẽ có “hy vọng mới” cho việc rao giảng Phúc Âm, vì nhờ đọc sách này, các Mục sư sẽ thấy rằng họ có thể dùng mỗi buổi tối thứ bảy một cách hữu ích hơn bằng cách xem chương trình truyền hình “Nghệ thuật Sân khấu tối Thứ bảy”. Chương trình này sẽ giúp họ biết rõ tâm trạng, quan điểm và ngôn ngữ của con người hiện đại để có thể rao giảng Phúc Âm cách hữu hiệu hơn vào ngày Chúa Nhật”! Đó là cách nhà báo này đề nghị các Mục sư nên áp dụng để chuẩn bị sứ điệp của mình, mà không cần phải dành nhiều thì giờ cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa!
(5). Lập luận thứ năm cho rằng: con người hiện đại không thích ngồi nghe người đứng trên tòa giảng công bố các giáo lý của Thánh Kinh. Thính giả là người tri thức, có trình độ tương đương với trình độ của Mục sư hay có thể còn cao hơn trình độ của Mục sư nữa, nên không muốn “bị ngồi nghe dạy dỗ”, mà chỉ muốn nghe Mục sư phân tích vân đề cách tỉ mỉ, khoa học, hợp lý trí rồi đưa ra một sô quan điểm khác nhau cho thính giả tự lựa chọn. Lập luận này cho rằng việc một người đứng giảng cho cả hội chúng nghe không còn thích hợp nữa, và phải được thay thế bằng các buổi họp để cho thính giả được trao đổi ý kiến, được thảo luận, đối chất v.v…
Cũng có một lập luận, mặc dù đề cập đến việc rao giảng nhưng cũng có nhiều liên hệ với chương trình huấn luyện các người rao giảng Phúc Âm, đó là lập luận cho rằng sau khi tốt nghiệp trường thần học hay chũng viện, tất cả những người sẽ đi rao giảng Phúc Âm phải làm việc trong các hãng xưởng công nghiệp trong một khoảng thời gian chừng sáu tháng để làm quen với giới thợ thuyền, để biết tâm trạng, quan điểm, cách giao tế, cách ăn nói của họ và cũng để có thể có ngôn ngữ và lối nói của thợ thuyền. Theo những người đưa ra lập luận này thì không ai có thể giảng Phúc Âm nếu chưa có các kinh nghiệm sống đó.