Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương VI -Phần 5)

Chương VI: Người Công Bố Phúc Âm

Thanksgiving

Phần 5

Một môn học quan trọng đi song song với sự hiểu biết Thánh Kinh là môn thần học. Hiểu biết Thánh Kinh vẫn chưa đủ nếu chưa nắm vững tinh túy của “thần học Thánh Kinh” (Biblical theology) hay chưa biết nghiên cứu Thánh Kinh một cách có hệ thống (theo hệ thống thần học).

Trong cuốn “Chức vụ cầu thay” (Ministry of Intercessiọn), Mục sư Andrew Murray cũng đề nghị các trường thần học nên coi Cầu nguyện cầu thay là một trong các môn học tối cần thiết. Khi còn tại thế, Chúa Jê-sus là Người cầu nguyện. Chúa không làm một việc gì mà không cầu nguyện với Đức Chúa Cha. Công vụ 6:4 và 7 cũng cho thấy rằng khi các sứ đồ bỏ tất cả các công việc khác để “chuyên lo cầu nguyện và truyền giảng Lời Chúa.” thì “Đạo Chúa phát triển mạnh, số tín hữu tại Giê-ru-sa-lem ngày càng gia tăng đông đảo”. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề thiết yếu này trong Chương 9.

Người được chuẩn bị để công bố Phúc Âm cần phải học Lịch sử Hội Thánh. Môn học này giúp cho sinh viên biết các vấn đề quan trọng về các tà thuyết: có những tà thuyết nào? bắt nguồn từ đâu? nguy hiểm như thế nào? v.v… Các tà thuyết phần lớn phát xuất từ những người hiểu biết Thánh Kinh nhưng thiếu quân bình, không nắm vững được sự quân bình giữa các chân lý trong “toàn bộ chân lý Thánh Kinh”. Như trường hợp không quân bình giữa bản tính thánh khiết kỵ tà và bản tính yêu thương của Thượng Đế nên đã phát xuất ra tà thuyết cho rằng: vì Thượng Đế là tình thương nên Ngài sẽ không hình phạt ai cả; người tin Chúa Jê-sus hay không tin Chúa Jê-sus cũng đều hưởng được tình thương của Thượng Đế và đều được lên thiên đàng cả! Lịch sử Hội thánh là một trong các môn học có thể giúp cho sinh viên khỏi sa vào các tà thuyết, thường bắt đầu từ một sơ suất hay sai lầm nho nhỏ.

Đồng thời với môn Lịch sử Hội Thánh, sinh viên cần học Lịch sử các cuộc Phục Hưng. Mục sư Martyn Lloyd-Jones viết rằng: “Theo kinh nghiệm cá nhân tôi thì không có gì làm cho tôi phấn khởi hơn là lịch sử các cuộc Phục hưng. Vào thời kỳ chúng ta đang sống đây, với những chuỗi ngày đen tối, nặng nề, không có thứ “thuốc bổ” nào làm cho chúng ta lên tinh thần bằng lịch sử các cuộc Phục hưng. Người hầu việc Chúa bị tấn công đủ mọi mặt rất dễ bị chán nản và dường như không còn sức nữa để tiếp tục chức vụ. Nhưng khi đó, Chúa thường dùng lịch sử Hội thánh, nhất là lịch sử các cuộc Phục hưng, để chúng ta được nhắc nhở và tin chắc chắn rằng: Thượng Đế đã đưa cánh tay toàn năng để đem Hội thánh ra khỏi những trạng huống bi đát trong lịch sử thế nào, Ngài cũng sẵn sàng can thiệp để giải cứu chúng ta như vậy. Mỗi khi chán nản, thất vọng hay quá mệt mỏi, tôi lại đọc các sách ghi chép lại những công việc vĩ đại Chúa Thánh Linh đã làm vào thế kỷ thứ 18, như việc Chúa Thánh Linh đại dụng George Whitefield, và lần nào tôi cũng được Chúa làm cho phấn khởi lạc quan. Tôi thiết nghĩ rằng khi một người rao giảng Phúc Âm càng biết rõ cách Chúa Thánh Linh hành động trong lịch sử Hội thánh thế nào, người ấy càng được Chúa dùng cách hữu hiệu chừng nấy”.