Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương VI -Phần 3)
Chương VI: Người Công Bố Phúc Âm
Phần 3
(3). Điều kiện thứ ba: Tư cách
Thư Tích 2:6-8 dạy rằng: “Hãy khuyên thanh niên phải khôn khéo, tự chủ. Chính con hãy làm gương sáng về các việc lành. Trong mọi việc con hãy chứng tỏ tinh thần ngay thật (không bị mua chuộc) và nghiêm chỉnh. Con phải ăn nói thuận tình hợp lý để kẻ thù nghịch phải hổ thẹn, không chỉ trích được”. Người truyền giảng Phúc Âm phải “kỉnh kiền” (kính sợ, vâng phục Chúa), phải có sự khôn ngoan của Thánh Linh ban cho, phải kiên nhẫn chịu đựng. “Đầy tớ Chúa không nên tranh chấp, nhưng phải hoà nhã với mọi người, khéo dạy dỗ và nhẫn nhục” (IITi-mộ-thư 2:24).
Ba điều kiện trên đây là tư cách căn bản, là các đức tính thiết yếu của người rao truyền Phúc Âm. Bây giờ chúng ta đề cập đến một vài khả năng người rao truyền Phúc Âm cần phải có. Mặc dù “khả năng” rất quan trọng nhưng vẫn chưa quan trọng bằng “tư cách”. Vì vậy chúng ta cần tránh lỗi lầm lớn người tân phái thường mắc phải khi họ coi khả năng quan trọng hơn tư cách. Sau đây là hai khả năng cần thiết.
(4). Khả năng trí tuệ, tức là có trí thông minh.
Lời Chúa trong IITi-mộ-thư 2:15 dạy người rao giảng Phúc Âm phải “ngay thẳng công bố Chân lý”, tức là phải phân tích và trình bày sứ điệp của Chúa cách trung thực. ITi-mộ-thư 3:2 cũng dạy người lãnh đạo phải “khéo giáo huấn”, tức là có khả năng dạy dỗ. Như vậy, người này phải nhận định cách rõ ràng, chính xác mối tương quan giữa “hệ thống thần học” (systematic theology) với ý nghĩa của khúc Thánh Kinh dùng làm nền tảng của bài giảng. Đây là một việc làm đòi hỏi người rao giảng Phúc Âm phải có khả năng trí tuệ cần thiết.
(5). Ăn nói lưu loát.
Chúng ta không đề cập đến tài hùng biện, hay tài “uốn lưỡi” để nói gì cũng được, quây cũng lập luận cho người ta tưởng là phải, xấu cũng làm cho người khác thấy là tốt. Nhưng người rao giảng Phúc Âm là “người nói”, người phát ngôn, không giống như nhà văn chuyên viết sách hay viết tiểu luận. Có những nhà thần học có khả năng viết sách, có tài khuyên dạy, nhưng lại ăn nói lúng ta lúng túng nên không thể làm người rao giảng Phúc Âm được.
Trên đây là một số tiêu chuẩn Hội thánh nên dùng để kiểm nghiệm người muốn rao giảng Phúc Âm vì cho rằng mình được Chúa kêu gọi. Chúng ta tin rằng cùng một Chúa Thánh Linh là Đấng kêu gọi một người vào chức vụ và cũng chính Thánh Linh đó cho Hội Thánh có ánh sáng để kiểm nghiệm lại cho biết chắc người đó thật sự được kêu gọi hay không. Người rao giảng Phúc Âm không “tự bổ nhiệm” chức vụ đó cho mình, và Hội thánh cũng không bắt buộc một người không được kêu gọi nhận lãnh chức vụ rao giảng. Kinh nghiệm cho thấy có nhiều người không được kêu gọi đã lựa chọn chức vụ này và “hành nghề Mục sư”, trở thành người “chuyên nghiệp”, cũng có người khác bị “đẩy” vào chức vụ, vì hoàn cảnh hay vì thành kiến sai lầm trong giáo hội. Chúng ta tin rằng Chúa Thánh Linh kêu gọi người Ngài chọn và Hội thánh có trách nhiệm kiểm nghiệm lại sự kêu gọi đó dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh.