Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương V -Phần 4)

Chương V: Hành Động Công Bố Phúc Âm

mat-troi-buoi-sang-332x205

Phần 4

Để tóm tắt chương này chúng ta cần nhấn mạnh một lần nữa rằng: công bố Phúc Âm chân chính gồm có hai phần cân đối: soạn bài giảng hành động rao giảng. Đã có bài giảng soạn thảo với đầy đủ chi tiết cũng cần có hành động rao giảng với những đặc tính chúng ta vừa kể trên đây. Kinh nghiệm sau đây của Mục sư Lloyd-Jones và cũng có thể là kinh nghiệm của chúng ta, cho thấy sự khác biệt giữa bài giảng đã được soạn thảo và hành động đứng lên rao giảng: Mục sư giảng một bài giảng ở Hội thánh nhà vào một sáng Chúa Nhật. Mục sư cảm biết mình giảng một cách dễ dàng, trơn tru và có quyền năng của Thánh Linh. Chính Mục sư được cảm động, và thính giả cũng cảm biết như vậy. Qua Chúa Nhật sau, Mục sư được mời giảng cho một nhà thờ khác. Ông quyết định giảng lại bài mình vừa giảng vì nói rằng: “Thánh Linh đã ban quyền năng cho tôi khi tôi giảng bài đó”. Nhưng khi đứng trên toà giảng ở nhà thờ kia và bắt đầu giảng, Mục sư Lloyd-Jones cảm thây “hoàn toàn sập đổ”. Tại sao vậy? Tại vì khi Mục sư giảng lần trước, Thánh Linh giáng xuống trên Mục sư và trên hội chúng (rất có thể Thánh Linh tác động trên thính giả trước, rồi diễn giả được hưởng quyền năng đó qua thính giả, như chúng ta đã đề cập), nhờ đó bài giảng đơn sơ của Mục sư được Thánh Linh hà hơi, và buổi giảng được Thánh Linh xức dầu đặc biệt để trở thành một buổi giảng đầy quyền năng. Nhưng qua Chúa Nhật sau, Mục sư đứng trước một số thính giả khác, và có lẽ chính Mục sư cũng cảm thấy khác, nên hành động rao giảng hoàn toàn khác trước, mặc dù Mục sư đã dùng lại bài giảng đã giảng Chúa Nhật trước.

Kinh nghiệm này, không phải chỉ Mục sư Lloyd-Jones mới có, nhưng là một kinh nghiệm rất phổ thông, cho chúng ta thấy: người công bố Phúc Âm không ỷ lại vào bài giảng mình đã soạn thảo mà thôi, cũng không ỷ lại vào hành động giảng mà thôi. Có một vị Mục sư lão thành ở xứ Wales bên Anh là một nhà thần học uyên bác và là một nhà phê bình chính xác. Một lần nọ, ông tham dự một đại hội đồng và được nghe hai giáo sư thần học giảng. Khi vị giáo sư thứ nhất giảng xong, vị Mục sư lão thành chỉ nói mấy lời: “Có ánh sáng nhưng không có sức nóng”. Khi vị giáo sư thứ hai giảng xong, Mục sư này phê bình “Có sức nóng nhưng không có ánh sáng”. Cả hai vị giáo sư đều có khuyết điểm, vì người giảng phải có cả ánh sáng lẫn sức nóng. Giảng là gì? Giảng là thần học có lửa bùng cháy, giảng là thần học được người có lửa cháy trình bày. Người giảng phải nắm vững thần học, phải nắm vững chân lý của Thánh Kinh và phải giảng chân lý ấy với lửa Thánh Linh bùng cháy. Mục đích của việc công bố Phúc Âm là đem thính giả vào trong sự hiện diện của Thượng Đế, làm cho thính giả cảm biết chính Thượng Đế đang có mặt và đang hành động. Dù bài giảng không hùng hồn, nhưng nếu người giảng làm cho người nghe cảm biết được sự hiện diện của Thượng Đế, hé mở cho người nghe thấy được vinh quang và uy nghiêm của Thượng Đế, nếm được tình yêu ngọt ngào của Chúa Cứu Thế Jê-sus và lãnh hội được các đặc tính diệu kỳ của Phúc Âm, thì người giảng đã làm trọn thiên chức của mình.

-G2Xp8agzMbN591AgQAxFEsjdAw

Mục sư James Henry Thomwell có nói rằng: Bài giảng hữu hiệu, đầy quyền năng, là kết quả của sự học hỏi, kỷ luật, cầu nguyện và nhất là của sự xức dầu bởi Chúa Thánh Linh. Người giảng phải áp dụng những nguyên tắc thích hợp trong khi soạn thảo bài giảng và khi đứng lên rao truyền sứ điệp, người đó phải có một niềm tin nóng cháy, và nhất là phải được tình yêu của Chúa Cứu Thế cảm thúc” (IICổ-linh 5:14). Lời giảng phải phát xuất tận đáy lòng, một tấm lòng đầy tràn tình yêu Chúa và yêu linh hồn người ta”. Mặc dù được nhiều người coi là “người công bố Phúc Âm đầy quyền năng” vào thế kỷ thứ 19, Mục sư James Henry Thomwell tự phê binh như sau: “Thành tích giảng dạy của tôi không có gì đáng kể. Tôi chưa giảng được một bài nào như tôi đáng phải giảng.

Mục sư Lloyd-Jones viết rằng: “Bất cứ ai được biết ‘thế nào là công bố Phúc Âm chân chính’ đều cũng phải nói như Mục sư James Henry Thomwell: Tôi chưa giảng được một bài nào như tôi đáng phải giảng. Nhưng người ấy sẽ không ngừng cố gắng, không ngừng tìm kiếm Thánh Linh và hy vọng rằng bởi ân phúc của Thượng Đế, mình sẽ được Chúa cho giảng một bài giảng đúng tiêu chuẩn của Ngài.