Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương IX -Phần 6)

Chương IX: Công Tác Chuẩn Bị Của Người Công Bố Phúc Âm

(Các Việc Mục Sư Cần Phải Làm Để Chuẩn Bị Cho Việc Công Bố Phúc Âm)

191115

Phần 6

Sau đó đến việc đọc các sách vở tài liệu về biện minh học, về khoa học (vật lý học, sinh vật học, sinh lý học, thiên văn học v.v…) Chúng ta cũng cần đọc một số sách tâm lý học, phân tâm vào Phúc Âm, hoặc để áp dụng lý thuyết của Sigmund Freud vào việc đối xử với tín hữu, mà là để biết âm mưu sâu độc của Sa-tan đang dùng tâm lý học làm một thứ “tôn giáo ngụy trang” để tấn công Phúc Âm một cách rất xảo quyệt, và đang đầu độc nhiều người tin Chúa. Nguyên tắc bất di bất dịch của chúng ta là Xa-cha-ri 4:6 “Không do quyền thế hay năng lực (của con người), nhưng bởi THẦN ta, Chúa Hằng Hữu phán vậy”.

Nhờ đọc nhiều, Mục sư khỏi bị lỗi thời nhưng có được cái nhìn khách quan và đồng thời có thể hiểu được thính giả của mình và thẩm định trình độ thuộc linh của họ dễ dàng hơn. Khi biết được người nào đang chịu ảnh hưởng của loại sách báo nào, Mục sư có thể hướng dẫn họ đi cho đúng với Lời Chúa. Vì đa số thính giả là người đơn sơ, nghe ai giảng gì cũng tin, đọc được điều gì chưa biết cũng tưởng là hay ho mới lạ. Là người chăn bầy, Mục sư có trách nhiệm giữ cho chiên khỏi ăn cỏ dại hay uống nước không trong lành.

Một điểm cũng quan trọng không kém là: việc đọc sách phải giữ cho quân bình. Có Mục sư để cả thì giờ đọc thần học, có người khác chỉ đọc triết học hay tâm lý học. Đọc như vậy là không quân bình. Chúng ta đã đề nghị Mục sư nên dành nhiều thì giờ để đọc thần học, lịch sử Hội Thánh, tiểu sử và bài giảng của các người đã được Thánh Linh đại dụng. Nếu chỉ đọc thần học và triết học mà không đọc các sách tiểu sử, bài giảng v.v… Mục sư rất dễ coi mình là người mạnh mẽ vô địch, lúc nào cũng có thể vượt qua các khó khăn trở ngại cách dễ dàng! Mục sư Lloyd- Jones đề nghị rằng: khi nào cảm thấy mình mạnh mẽ vô địch như vậy, chúng ta nên lấy nhật ký của những Tôi tớ trung thành của Chúa ra đọc. Như khi đọc nhật ký của George Whitefield, người được Thánh Linh đại dụng làm sứ giả Phục hưng ở Anh quốc, xứ Wales, Tô-cách-lan và Hoa-kỳ cũng là người rất khiêm nhường và có lòng yêu mến Chúa tha thiết. Khi ai đọc tiểu sử hay nhật ký những người như George Whitefield mà không hạ mình và cảm thấy mình nhỏ bé như con sâu, thì chưa chắc người ấy đẫ thật sự được Thánh Linh đổi mới. Chúng ta cần được Chúa dùng gương các anh hùng đức tin để giúp liên tục hạ mình trước mặt Chúa. Chúng ta cũng phải cẩn thận để khỏi quá nặng phần lý thuyết, quá “trí thức”.

Chúng ta cần nhắc lại: mục đích chính của việc đọc sách không phải chỉ để tìm tài liệu làm bài giảng. Đừng bao giờ làm như người mỗi khi mở Thánh Kinh ra đọc là chỉ để tìm một khúc Thánh Kinh làm nền tảng cho bài giảng Chúa nhật sắp tới, và đọc sách là chỉ để kiếm tài liệu để xây dựng bài giảng đó. Làm như vậy chẳng những là “méo mó nghề nghiệp” mà còn là một mối nguy hại cho chính mình và cho thính giả nữa. Mục sư Lloyd- Jones có kể câu chuyện ông gặp một Mục sư khác, sau khi tham dự một Hội đồng Mục sư đã nói với ông rằng: “Tôi học hỏi được rất nhiều trong dịp Hội đồng đó”. Mục sư Lloyd-Jones yên chí rằng Mục sư kia sẽ kể lại những điều ông ta đã học được và áp dụng cho chính mình, nhưng ông ta chỉ nói: “Tôi ghi chép được rất nhiều đề tài và tài liệu để soạn bài giảng!”. Mục sư này không tham dự Hội đồng để gặp Chúa, để được Thánh Linh dạy dỗ mình, để học cho mình, nhưng ông ấy đi dự Hội đồng để học cho người khác, để tìm tài liệu về giảng và dạy dỗ người khác!.

Đọc sách báo, bài giảng, tham dự hội đồng v.v… là để học hỏi cho chính mình và để bắt trí óc mình tự suy nghĩ chứ không phải để lấy tư tưởng của người làm tư tưởng của mình. Mục sư không phải là cái dĩa hát hay cuộn băng cassette, chỉ biết nói lại điều mình nghe mà không tiêu hoá hay chỉ học cho người khác chứ không học cho mình trước.

Trong thời gian đọc sách, Mục sư cần giữ cho tâm trí mình khỏi bị căng thẳng bằng cách áp dụng chương trình đọc cho quân bình (đọc tài liệu đòi hỏi trí óc làm việc nhiều, như sách thần học, rồi đọc những tài liệu nhẹ hơn, như lịch sử Hội thánh, lịch sử Phục hưng v.v…). Âm nhạc cũng bổ ích và giúp cho tâm trí nhẹ nhàng, nhất là nhạc thánh ca với các bài thánh ca tôn vinh, thờ phượng, cảm ta, rồi đến các loại nhạc cổ điển nhẹ.

Như chúng ta đã nói ở phần đầu chương này, không ai có thể đặt ra một số luật lệ cứng ngắt để dạy người công bố Phúc Âm phải chuẩn bị chính mình. Nhưng điều quan trọng chúng ta phải làm là: tìm biết chính mình, đặt mình vào kỷ luật tự giác và luôn luôn áp dụng câu ICổ-linh 10:31 “Làm việc gì, dù là ăn uống hay bất cứ việc gì khác, anh em phải nhắm mục đích duy nhất là tôn vinh Thượng Đế”