Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương IX -Phần 4)

Chương IX: Công Tác Chuẩn Bị Của Người Công Bố Phúc Âm

(Các Việc Mục Sư Cần Phải Làm Để Chuẩn Bị Cho Việc Công Bố Phúc Âm)

191115

Phần 4

II. Đọc Sách

Khi đề cập đến việc đọc sách, trước hết chúng ta phải nói đến việc đọc và suy gẫm Lời Thánh Kinh. Chúng ta tin rằng người rao giảng Phúc Âm chân chính là người đọc và suy gẫm Thánh Kinh hàng ngày, vì như Martin Luther, người ấy biết coi Thấnh Kinh là “mỏ kim cương vô tận”, đào cạn cạn ở bên trên thì chỉ được vài hạt kim cương nho nhỏ, nhưng càng đào sâu càng được những hạt lớn hơn và không bao giờ đào hết được, vì là mỏ vô tận.

Người rao giảng Phúc Âm chân chính đọc và suy gẫm Lời Thánh Kinh hàng ngày là một việc tự nhiên, như việc ăn uống mỗi ngày hai ba bữa để nuôi sống thể xác. Nếu không thường xuyên đọc và suy gẫm Lời Chúa thì lấy gì nuôi linh hồn mình và nuôi linh hồn người khác? Nhưng vấn đề cần được nhấn mạnh ở đây là: Phải đọc cách nào?

Một cách đọc chúng ta nên tránh, là thích gì đọc nấy hay “bạ đâu đọc đây”. Người đọc theo cách này chỉ đọc đi đọc lại những chương, đoạn hay khúc Thánh Kinh mình thích, mà không đọc toàn bộ Thánh Kinh. Mục SƯ Lloyd-Jones khuyên các Mục Sư nên đọc ít nhất mỗi năm một lần suốt bộ Thánh Kinh, hay nên áp dụng phương pháp đọc Thánh Kinh của Sứ giả Phục Hưng Robert Murray McCheyne đã dạy cho các tín hữu trong Hội thánh ông quản nhiệm ở Dundee. Theo phương pháp này, chúng ta đọc mỗi ngày bốn chương để mỗi năm có thể đọc suốt Cựu Ước một lần và suốt Tân Ước hai lần. Đây là mức đọc Thánh Kinh tối thiểu của người công bố Phúc Âm.

Sau khi cầu nguyện xin Thánh Linh phán lại Lời của Ngài cho lòng mình rồi đọc các chương Thánh Kinh theo phương pháp trên, chúng ta có thể nghiên cứu kỹ càng các điều vừa đọc bằng dùng cách loại sách như sách dẫn giải Thánh Kinh (Commentaries), các bài giảng đặc biệt liên hệ với các đoạn Thánh Kinh vừa đọc (như bài giảng của Jonathan Edwards, Charles H. Spurgeon, Albert B. Simpson, G.Campbell Morgan, A.W.Tozer v.v…), hay dùng Tự điển Thánh Kinh, Thánh Kinh Phù dẫn. Người biết cổ văn Hi-bá hay Hy-lạp có thể dùng Thánh Kinh bằng hai thứ cổ văn này để nghiên cứu thêm.

Nhưng mục đích chính của việc đọc và suy gẫm Thánh Kinh là để tìm lương thực thuộc linh nuôi dưỡng linh hồn mình, để được nghe Thánh Linh phán trực tiếp với mình và để biết Chúa cách sâu nhiệm hơn, chứ không phải mục dích là để tìm đề tài cho bài giảng. Mục sư Lloyd-Jones nói rằng:”Đọc và suy gẫm Thánh Kinh mà chỉ để tìm đề tài bài giảng là một mối nguy hại người công bố Phúc Âm chân chính phải ý thức và phải cố hết sức kháng cự”. Mục sư cũng như tín hữu đọc Thánh Kinh với mục đích là để chính mình được nuôi dưỡng và tăng trưởng thuộc linh. Rồi có thể trong khi đọc và suy gẫm Thánh Kinh như vậy, Chúa Thánh Linh làm cho một câu hay một điểm nào đó nổi bật lên và người đọc nhận được một sự dạy dỗ đặc biệt. Đồng thời Chúa cho người ấy thấy rằng sự dạy dỗ đó có thể được đem chia sẻ cho các tín hữu. Chỉ khi đó, Mục sư mới đem những điều đã học được cho chính bản thân vào bài giảng. Theo kinh nghiệm của Mục sư Lloyd-Jones thì mỗi khi ông được một sự dạy dỗ đặc biệt có thể chia sẻ cho người khác như vậy, ông liền lấy cuốn sổ tay, ghi lại lập tức những điểm mình vừa học được với Chúa. Mục sư Lloyd-Jones căn cứ trên kinh nghiệm của ông mà nói rằng: “Đối với tôi, việc ghi vào sổ các điểm đó là một việc làm rất cần thiết, vì nếu không ghi ngay lại, tôi có thể quên hết hay chỉ nhớ được một vài phần những điều đã học hỏi được trong lúc đọc và suy gẫm Lời Chúa”.

Sau thì giờ dành cho việc đọc và suy gẫm Thánh Kinh, chúng ta có thể nói đến thì giờ để đọc sách vở tài liệu hướng dẫn cầu nguyện, do những người nhận được quyền năng để công bố Phúc Âm qua sự cầu nguyện cầu thay. Những “người cầu nguyện” này kể lại cho chúng ta những kinh nghiệm cầu nguyện cảm tạ, cầu nguyện tôn vinh thờ phượng, cầu nguyện chiến đấu và chiến thắng của họ. Có những gương cầu thay kiên nhẫn như gương của George Mueller, một chiến sĩ cầu nguyện, đã cầu thay mỗi ngày trong sáu mươi năm cho hai người chưa biết Chúa. Cuối cùng Chúa đã nhậm lời cầu thay của ông, và người thứ nhất đã tiếp nhận Chúa một tuần lễ trước khi Mueller qua đời, còn người thứ hai tiếp nhận Chúa quãng một năm sau đó, tức là lúc ông đã về Thiên đàng. John Knox đã cầu nguyện Chúa giải cứu xứ Tô-cách-lan ra khỏi tay một đạo quân xâm lăng. John Welch, rễ của John Knox, có nói rằng:ngày nào ông không dành từ 7 đến 8 tiếng đồng hồ để cầu nguyện và suy gẫm lời Chúa là “ngày lãng phí”. Sau khi ông qua đời, có người nói rằng: “Ông Welch là người rất giống Chúa Cứu Thế”. Tại sao ông giống Chúa như vậy? Vì ông dành nhiều giờ mỗi ngày để ở trong sự hiện diện của Chúa. Mục sư Lloyd-Jones nói rằng: “Richard Sibbes, sống vào thế kỷ thứ 17 và được nhiều người gọi là “bác sĩ tâm linh” có viết mấy cuốn sách, như sách “Cậy Sậy Dập” (The Bruised Reed), “Cuộc Xung đột của Linh hồn” (The Souĩs Conflict) là những sách được Chúa dùng để làm cho chính tôi _ được xoa dịu, an ủi, khuyến khích và chữa lành”.