Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương IV -Phần 3)

Chương IV: Hình Thức Của Bài Giảng

II Ti 2.15

Phần 3

Chúng ta bắt đầu với phương diện tiêu cực, tức là nói lên rằng: “Bài giảng không phải là…..

Trước hết, bài giảng không phải là bài tiểu luận. Chúng ta cần nhắc đi nhắc lại nhiều lần, vì có một số người công bố Phúc Âm mà không thấy được sự khác biệt giữa một bài giảng và một bài tiểu luận. Bài giảng và bài tiểu luận khác nhau, vì cách hành văn khác nhau. Bài tiểu luận được viết ra cho độc giả còn bài giảng được soạn để nói ra cho thính giả nghe. Bài tiểu luận thường được viết với hình thức văn chương tao nhã nhưng văn chương không phải là điều kiện tiên quyết của bài giảng tiểu luận, nhưng trong bài giảng nhiều điểm cần phải được lặp đi lặp lại để nhấn mạnh hay để làm sáng tỏ những điểm quan trọng.

Người không thấy các khác biệt này thường đọc một đoạn văn Thánh Kinh để tìm kiếm một ý hay một đề tài. Khi đã kiếm được ý hay đề tài rồi, người đó bỏ qua cả đoạn văn lẫn mạch văn Thánh Kinh để tập trung vào việc viết tiểu luận căn cứ trên ý hay đề tài vừa kiếm được, rồi đến lúc đứng lên toà giảng, người đó chỉ có việc đọc lại bài tiểu luận mình đã viết. Bài tiểu luận thường phải tránh “yếu tố tấn công” (element of attack) mà chỉ đưa ra các ý kiến cách nhẹ nhàng, với lối hành văn hấp dẫn người đọc. Làm như vậy không phải là giảng, vì người giảng phải đào sâu và bài giảng phải có “yếu tố tấn công”.

Thứ hai, bài giảng không phải là bài diễn thuyết. Bài giảng và bài diễn thuyết hoàn toàn khác nhau. Bài diễn thuyết bắt đầu bằng một đề tài, rồi người diễn thuyết dùng sự hiểu biết và dữ kiện để xây dựng trên đề tài đó. Mục tiêu của bài diễn thuyết là tâm trí và mục đích của diễn thuyết trình bày những sự kiện, đưa ra những kiến thức. Vì vậy bài diễn thuyết không có “yếu tố tấn công” và không có dụng ý làm một điều hữu ích cho thính giả. Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng giữa bài diễn thuyết và bài giảng là: bài giảng không bắt đầu với một đề tài, nhưng bài giảng phải luôn luôn có tính cách “giải kinh”. Trong bài giảng, đề tài là cái gì từ đoạn văn và mạch văn Thánh Kinh phát xuất ra, và được đoạn văn với mạch văn đó làm sáng tỏ. Nói cách khác, bài giảng không nên bắt đầu bằng một đề tài, nhưng phải bắt đầu bằng Thánh Kinh, rồi từ Thánh Kinh mà rút tỉa ra giáo lý hay đề tài, rồi giáo lý này phải được dẫn giải trong bối cảnh của đoạn văn và mạch văn Thánh Kinh đang được sử dụng.

Bài giảng phải có có đặc tính giải kinh. Nhưng bài giảng giải kinh cũng không phải là một bài “tường thuật tại chỗ” hay một bài bình luận chỉ để giải thích ý nghĩa của một câu, một phân đoạn hay một đoạn văn trong Thánh Kinh. Chúng ta phải lưu ý đến điểm này, vì có người tưởng giảng giải kinh là đọc một phân đoạn, dẫn giải câu thứ nhất, rồi dẫn giải câu thứ nhì và cứ tiếp tục làm như vậy cho đến hết phân đoạn là xong bài giảng. Nhưng đó không phải là cách giảng giải kinh.

Nguyên tắc giảng giải kinh là: luôn giữ mối liên hệ giữa việc giải kinh với bài giảng. Đặc tính chủ yếu của bài giảng là một hình thức rõ rệt dứt khoát và chính hình thức này làm thành bài giảng. Bài giảng phải căn cứ trên việc giải kinh, và các lời giải kinh phải được “đúc” hay “đổ vào khuôn” thành một sứ điệp (bài giảng) với các đặc thù của hình thức. Trong Cựu Ước có một thành ngữ có thể giúp chúng ta hiểu rõ điểm này. Thành ngữ đó là “gánh nặng của Chúa” (cũng có thể dịch là: tin buồn của Chúa, hay sấm truyền của Chúa, thông điệp của Chúa – Ê-sa 14:28; Giê-rê-mi 23:32-37; Ê-xê-kiên 12:10; Ô-sê 8:1; Xa-cha-ri 9:1 v.v…). Thông điệp hay sấm truyền của Chúa đến với nhà tiên tri như là một gánh nặng, và toàn bộ thông điệp được khải thị cho nhà tiên tri để tiên tri đem nói lại. Đặc tính của “gánh nặng của Chúa” là đặc tính mà các bài tiểu luận và bài diễn thuyết không thể nào có được. Bài giảng chỉ gồm có những lời dẫn giải các câu Thánh Kinh cũng không hề có được đặc tính này.

Hình thức của bài giảng cũng giống như hình thức một bản nhạc giao hưởng (symphony). Bản nhạc giao hưởng phải có hình thức và cũng có cáo phần. Bản nhạc giao hưởng được phân chia thành nhiều phần rõ rệt, dễ nhận thấy, nhưng lúc nào bản nhạc giao hưởng cũng là một “toàn bộ“. Các phần này phải là các thành phần hoà hợp trong một toàn bộ, và toàn bộ không phải chỉ là việc chắp nối các phần lại với nhau. Bài giảng là một công trình xây dựng giống như một bản nhạc giao hưởng, chứ không phải chỉ là những lời dẫn giải, những ý kiến hay những nhận xét chắp nối lại với nhau. Các lời dẫn giải, ý kiến và nhận xét này đều là những thành phần cần thiết nhưng phải được “đúc” lại với nhau trong hình thức đặc thù mới trở thành một bài giảng.

xe dap bang rau cu

Edwin Hatch có trình bày một điểm đáng lưu ý: theo ông thì những lời giảng Phúc Âm trong Hội thánh đầu tiên đều có đặc tính tiên tri. Những người công bố Phúc Âm nhận sứ điệp từ Chúa Thánh Linh và họ đứng lên giảng mà không cần suy nghĩ hay chuẩn bị trước. Họ không có hình thức bài giảng mà chỉ có những lời công bố, vì “chính Chúa Thánh Linh đã cảm ứng họ nói ra lời của Thượng Đế” (IlPhê-rơ 1:21). Sứ điệp của Chúa thình lình đến với họ và sau khi nhận được sứ điệp đó, họ chỉ mở miệng công bố ra.

Người Hy-lạp lúc nào cũng chú ý đến hình thức và đối với họ cái gì cũng phải có hình thức: hình thức của thân thể, hình thức các toà nhà, rồi đến hình thức các bài diễn thuyết, thuyết trình. Họ luôn luôn coi hình thức là điều quan trọng vì không có ai đứng lên nói mà không chuẩn bị trước nếu người đó muốn lời nói mình gây ảnh hưởng trên người nghe. Vì vậy người Hy-lạp đã khai triển phương pháp, hay hình thức. Đến thế kỷ thứ hai Hội thánh chịu ảnh hưởng của người Hy-lạp và bắt đầu áp dụng hình thức của họ trong việc chuẩn bị bài giảng.

Ý kiến của Edwin Hatch có mấy sự thật quan trọng chúng ta không thể bỏ qua. Thứ nhất là “yếu tố tiên trido Thánh Linh hướng dẫn là một yếu tố rất rõ rệt trong Tân Ước, và thứ hai là người công bố Phúc Âm phải hết sức thận trọng và đừng bao giờ để cho hình thức lấn át thực chất, hình thức trở thành quan trọng hơn nội dung. Một khi đã có hình thức, như hình thức văn chương hay một thứ hình thức nào khác, chúng ta rất dễ bị làm nô lệ cho hình thức và lo chú ý đến phương pháp giảng hơn là chú ý đến điều mình giảng.

Nhưng khi nói rằng các bài giảng trong Tân Ước hoàn toàn không có hình thức, Edvvin Hatch đã đi quá xa. Bài giảng vào ngày Lễ Ngũ tuần của Phi-e-rơ (Công vụ 2:) có một hình thức rõ rệt. Phi-e-rơ không đứng lên để công bố một số nhận xét không ăn nhằm gì với nhau, nhưng ông đã giảng một bài giảng có hình thức chặt chẽ. Khi giảng trước Hội đồng quốc gia (Công vụ 7); Ê-tiên nói theo một hình thức dứt khoát, chúng ta gọi là “hình thức bài giảng”. Ông có một dàn bài và trình bày tuần tự từ điểm này đến điểm kia. Trước khi bắt đầu nói, ông đã biết mình phải nói đến đâu thì chấm dứt. Khi nghiên cứu Công vụ 7:2-53, chúng ta có thể thấy rõ hình thức, cách cấu trúc, cách xây dựng của bài giảng này. Khi giảng ở An-ti-ốt trong xứ Bi-si-đi (Công vụ 13:), Phao-lô cũng có một dàn bài và một hình thức rõ rệt.