Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương II -Phần 4)

Chương II : Không Công Tác Nào Có Thể Thay Thế Thiên Chức Công Bố Phúc Âm

climateaction

 Phần 4

Mục sư D. Martyn Lloyd-Jones, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Preaching & Preachers” và cũng là một y khoa bác sĩ, quả quyết rằng: “Để giải quyết các vấn đề cá nhân, việc công bố Phúc Âm “thật” (đúng tinh thần Tân Ước) phải được đặt lên hàng ưu việt. Tại sao vậy? Vì việc công bố Phúc Âm “thật” đối phó với các vấn đề cá nhân và trực tiếp giải quyết các vấn đề này.”

Mục sư Lloyd-Jones kể lại rằng suốt 40 năm hầu việc Chúa, Mục sư đã kinh nghiệm rất nhiều lần sự kiện này: Khi Mục sư công bố Phúc Âm cách trung tín, chính Chúa Thánh Linh đem lời Chúa áp dụng cho nhiều người và giải quyết các vân đề cá nhân của họ. Sau khi giảng xong, nhiều người đến nói với Mục sư: “Cám ơn Mục sư về bài giảng do Thánh Linh hướng dẫn. Dù Mục sư có biết đầy đủ chi tiết vấn đề tôi đang gặp phải, chưa chắc Mục sư đã có thể đưa ra giải pháp toàn hảo như vậy. Trước đây tôi định gặp riêng Mục sư để trình bày, nhưng tôi chưa kịp nói chuyện với Mục sư thì bài giảng đã giải quyết tất cả rồi”. Nói như vậy không có nghiã là việc nói chuyện riêng, việc “khải đạo” (căn cứ trên Lời Chúa) không phải là hoàn toàn vô ích, nhưng việc giảng Lời Chúa “thật” luôn luôn phải đứng hàng ưu việt và không có công tác nào có thể thay thế việc đó được.

Mục sư Lloyd-Jones cũng có thuật lại câu chuyện thật sau đây: Một ngày nọ Mục sư cùng với một bác sĩ và một Mục sư khác đi thăm một phụ nữ trẻ tuổi bị bại hai chân. Mục sư Lloyd- Jones ngạc nhiên vì mặc dù phụ nữ này bị bại và không đi lại được nhưng hai chân của bà ấy lại có thể cử động dễ dàng. Thấy vậy, Mục sư Lloyd-Jones (vốn là bác sĩ y khoa) nghĩ rằng bà ấy bị chứng “ictêri” (hysteria, là một chứng bệnh thần kinh vì quá kích động), vì bị thất vọng trong đời sống tình cảm. Cả vị bác sĩ và Mục sư Lloyd-Jones đều không thể chẩn bệnh hay giúp đỡ gì vì bà ấy không chịu nằm yên. Phu nữ này có một người chị và một em gái. Lúc đầu bà chị đến dự các giờ truyền giảng của Mục sư Lloyd-Jones rồi tiếp nhận Chúa Cứu Thế. Người em gái về sau cũng tin nhận Chúa. Ít lâu sau, Mục sư Lloyd-Jones thấy hai chị em này dìu “người bại” đến nhà thờ. Phụ nữ “bại” này được bà chị và người em gái dìu đến nhà thờ nghe Phúc Âm trong ít lâu rồi cũng tiếp nhận Chúa, rồi chứng “bại” biến mất. Mục sư Lloyd-Jones nhân mạnh rằng: “Tôi không hề đề cập chứng bệnh “bại” cũng không hề thảo luận với bà ấy về bệnh tình, nhưng chứng bệnh đó đã hoàn toàn biến mất”. Tại sao, hay nhờ ai mà bà ấy lành bệnh? Nhờ nghe Phúc Âm mà bà ấy được chính Chúa Thánh Linh ứng dụng chân lý của Thánh Kinh để chữa lành, mà không cần “khải đạo cá nhân” hay chữa trị, hay phân tích tâm lý gì cả.

flowers of the Atacama Desert

 

Mục sư Lloyd-Jones nhấn mạnh rằng: “Không phải lúc nào cũng xảy ra như vậy cả, nhưng nếu Phúc Âm được rao giảng cách trung thực, Chúa Thánh Linh có thể tác động một cách diệu kỳ để giải quyết các vấn đề cá nhân, trong khi chính người rao giảng Phúc Âm không hay biết gì cả. Tôi có thể kể ra rất nhiều trường hợp Chúa Thánh Linh làm việc như vậy, và nhiều khi Chúa dùng lời giảng đơn sơ để giúp đỡ nhiều người giải quyết các khó khăn cá nhân của họ. Cũng có trường hợp sau khi nghe giảng, người đang gặp vấn đề khó khăn đến nói chuyện với Mục sư và Mục sư có cơ hội nói chuyện và giúp đỡ riêng. Như vậy, bài giảng là cái móc nối dẫn đến sự tiếp xúc này và làm cho sự tiếp xúc dễ dàng hơn, vì nhờ Thánh Linh hướng dẫn, bài giảng của Mục sư đã bày tỏ cho người nghe biết Mục sư là người hiểu biết và thông cảm.” Môt bài giảng có hơi thở của Thánh Linh có thể giúp đỡ cho hàng chục, hàng trăm người cùng một lúc, vì khi Lời Hằng sống của Thượng Đế được giải bày cách trung thực, Lời đó đụng đến nơi sâu kín của nhiều tấm lòng đang mang nặng nhiều vấn đề khác biệt nhau. Việc công bố Phúc Âm do Thánh Linh hướng dẫn là thiết yếu cho việc giúp đỡ giải quyết các vấn đề cá nhân.” Tất cả các công tác khác, như cố vấn, khải đạo, khuyên lơn đều là phụ thuộc và đặt sau việc công bố Phúc Âm. Người nào đặt sai thứ tự ưu tiên này là người chưa biết rõ nhiệm vụ tôi quan trọng của Hội thánh và bỏ qua Đại Mạng lệnh của chính Chúa Cứu Thế Jê-sus.

3236903995_4ff6eaf429

 

Nhưng khi có ai đến với Mục sư để nhờ giúp giải quyết một vấn đề cá nhân, Mục sư đó phải tìm biết một điều vô cùng quan trọng: người ấy có phải là người thật tâm tin Chúa, là con cái thật của Thượng Đế không? Nếu người này chưa phải là con cái của Thượng Đế, Mục sư không thể nào áp dụng các nguyên tắc của Thánh Kinh được mà phải trình bày Phúc Âm cứu rỗi một cách rõ ràng để người ấy tiếp nhận Chúa trước đã. Nếu người ấy không thật tâm tin Chúa, Mục sư chỉ phí công tìm cách giải quyết các vấn đề cá nhân của người ấy, vì “người không có Thánh Linh không nhận lãnh những ân tứ của Thượng Đế, chỉ coi như chuyện khờ dại, vì phải nhờ Thánh Linh mới hiểu giá trị những ân tứ đó” (ICổ-linh 2:14). Mục sư có thể nhân cơ hội đó mà nói cho người ấy biết rằng người ấy đang bối rối bất an là vì chưa phục hoà với Thượng Đế, chưa có sự bình an với Thượng Đế qua dòng huyết tẩy sạch tội lỗi của Chúa Cứu Thế Jê-sus. Khi có người chưa tin (hay “tín hữu” chưa được tái sinh) đến với Mục sư để nhờ giúp đỡ là một cơ hội rất tốt để Mục sư chỉ rõ cho người ấy Con đường cứu rỗi.

Nhưng cũng còn có người cho rằng: vì thời gian thay đổi, vì chúng ta đang ở vào mấy năm cuối cùng của thế kỷ thứ 20, chúng ta phải có những biện pháp mới, những biện pháp của cuối thế kỷ này, tại sao lại cứ phải áp dụng đường lối của những thế hệ trước? Chúng ta có thể trả lời cách đơn giản nhưng dứt khoát là: Thượng Đế không thay đổi và con người muôn thuở không thay đổi. Con người có thể có những thay đổi bên ngoài, như y phục thay đổi, phương tiện di chuyển thay đổi, phương tiện truyền tin và giải trí thay đổi, nhưng bản chất và nhu cầu của con nguời vẫn y nguyên. Hội thánh trước đây cũng đã có những thời kỳ thiếu sự sống của Thánh Linh như Hội thánh hiện đại. Người ta gọi thời đại này là thời đại “sau chiến tranh lạnh”, thời đại nguyên tử, thời đại không gian v.v… nhưng Thượng Đế không thay đổi, “thời gian không đem lại những vết nhăn trên trán của Chúa”, và bản chất tội lỗi của con người, các nan đề của nhân loại và nhu cầu tâm linh của mỗi cá nhân con người đều vẫn y nguyên. Nếu có vài điểm khác biệt là hiện nay con người đang ở trong tình trạng “vỡ mộng” vì ý thức hệ sụp đổ, chủ nghiã phá sản, khoa học và kỹ thuật không đem lại các kết quả con người mong muốn. Một khác biệt khác chúng ta có thể kể ra là: chúng ta ở vào thời điểm gần ngày Chúa trở lại hơn những người sống- vào cuối thế kỷ thứ 19 hay đầu thế kỷ thứ 20, và ngày Chúa gần trở lại chừng nào thì thiên chức công bố Phúc Âm với tinh thần của Tân Ước, với quyền năng siêu nhiên của Thánh Linh lại càng quan trọng và cấp bách hơn lúc nào hết.