Lịch Sử Truyền Giáo II – Chương IX: Đông Á

Chương IX: Đông Á

I. TRUNG HOA

Lịch Sử Thế Giới II
Lịch Sử Thế Giới II

Mặc dù hầu hết các cánh cửa truyền giáo đã đóng, các giáo sĩ ngoại quốc không còn được phép hoạt động nữa, và các mối liên lạc với các Giáo hội Hải Ngoại đều bị cắt đứt , nhưng Chúa “vẫn cùng làm việc” với Hội Thánh Trung Hoa, tạo thành nhiều bài học lịch sử quý giá. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nghiên cứu các hoạt động truyền giáo ở Trung Hoa trước năm 1949 để học kinh nghiệm, vì xã hội Hoa rất gần với xã hội Việt về văn hóa, tôn giáo, và phong tục. Sau năm 1949, lại có nhiều điểm tương đồng về chính trị, quân sự nữa.

Trung Hoa là nước đông dân nhất thế giới; dân số năm 1995 là 1 tỷ 203 triệu, tức là hơn 1/5 dân số thế giới (theo “The Universal Almanac” -NGTG- 1997, tr. 413). Trung Hoa có năm dân tộc lớn là: dân Hán (92%), Mãn, Mông, Hồi và Tạng. Dân Mãn sống quanh xứ Mãn-châu; dân Mông-cổ sống ở Nội Mông và Ngoại Mông, (Ngoại Mông là một nước độc lập không thuộc Trung Hoa); dân Hồi ở vùng núi non miền tây; còn dân Tạng tập trung ở Tây-tạng. Dân Hán là dân quan trọng hơn cả, sinh sống khắp cả Trung quốc và cũng là thành phần quan trọng ở nhiều nước Á châu, như Việt Nam, Phi-luật-tân, Mã-lai, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a v.v… Ngoài ra Trung Hoa cũng có nhiều bộ lạc thiểu số sống ở miền nam và tây nam.

Trung Hoa là nước có một nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Lịch sử Trung Hoa bắt đầu khoảng 2.700 năm trước Công nguyên (theo Trung Hoa Sử Cương của Đào Duy Anh, tr. 218-19, nhưng theo Milestones of History, do NXB Norton, tr.14, đến năm 2400, sử Trung Hoa mới bắt đầu với triều đại Yao). Ngay từ đầu, Trung Hoa đã có nhiều triều đại danh tiếng, như Ngũ Đế, Tam Đại (Hạ, Thương, Chu), rồi đến Tân, Hán, Tấn… Trung Hoa có sách vở tài liệu, báo chí xuất bản tại một địa phương có thể lưu hành khắp cả nước, và các nhà dịch Kinh Thánh chỉ cần một bản dịch Hán vãn là đủ trình bày Lời Chúa cho hơn một tỷ người Trung Hoa rồi. Khi Kinh Thánh chưa dịch ra tiếng Việt, Thánh Kinh Hội đã phổ biến Kinh Thánh Hán văn (chữ Nho) trong giới trí thức Việt Nam và có một số người đã nhờ Kinh Thánh chữ Nho mà trở lại tin Chúa. Cũng nên lưu ý: bản Kinh Thánh chữ Nho (bản Văn Lý) là một trong ba bản Kinh Thánh chính yếu đã được dùng trong việc dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt (bản 1925-26).