Lịch Sử Truyền Giáo II – Chương IX: Đông Á
Chương IX: Đông Á
I. TRUNG HOA

2.Công Cuộc Truyền Giáo Có Chân Đứng Trên Lục Địa Trung Hoa
Năm 1842 là một năm lịch sử, năm Hiệp-ước Nam-kinh được ký kết. Hiệp-ước này là một sỉ nhục cho Trung Quốc. Nó kết thúc chiến tranh “Nha Phiến” và ép buộc triều đình Mãn Thanh của Trung quốc phải mở 5 hải cảng quan trọng, chịu giao thương với ngoại quốc và cắt nhường Hương cảng cho Anh quốc. Các Hội Truyền giáo nắm lấy cơ hội đó và đẩy mạnh công cuộc truyền giáo vào Trung quốc. Các Hội Truyền giáo không dính dáng gì vào cuộc Chiến tranh Nha phiến, và chủ trương chung của họ là không tham dự chính trị, nhưng họ không thể tránh khỏi cảnh “tình ngay lý gian” nên nhiều khi bị hiểu lầm và bị buộc tội là “núp bóng” công cuộc buôn bán thuốc phiện của Anh quốc và theo gót chân quân xâm lược để vào lãnh thổ Trung-hoa.
Thượng-hải, lúc đó chỉ là một thị trấn nhỏ bé, đã trở thành “tổng hành dinh” của các Hội Truyền giáo từ khắp thế giới đến. Vào buổi ban đầu, Hội Truyền giáo Luân-đôn là Hội Truyền giáo lớn nhất và có ảnh hưởng nhất ở Trung-hoa. Hội có những giáo sĩ vừa là nhà đại trí thức vừa là lãnh tụ thuộc linh quan trọng như Lockhart, Muihead, Griffith John, James Legge v.v… là những người đã đóng góp rất nhiều vào việc đặt nền móng vững vàng cho Hội Thánh Chúa Cứu Thế (Tin Lành) ở Trung-hoa. Ngoài ra, Hội Truyền giáo Luân-đôn cũng có Alexander Williamson là người sáng lập ra Hội Văn Phẩm Cơ-đốc (Chrisitan Literature Society).

Các giáo sĩ Báp-tít đến đặt trụ sở truyền giáo ở cả năm hải cảng vừa được mở cửa, trong khi ấy Hội Truyền giáo Trưởng-lão chỉ hoạt động ở ba hải cảng, trong đó có Thượng-hải và Quảng-châu. Trong số các giáo sĩ Trưởng-lão, có W.A.P. Martin là người đã viết tác phẩm “Các bằng chứng Cơ-đốc,” là sách được phổ biến khá rộng ở Trung Hoa và Nhật-bản. Hội này cũng có John L. Nevius, nhà Truyền giáo nổi danh về đường lối “Giáo Hội Địa Phương,” là đường lối đã thu lượm được nhiều kết quả rất đặc sắc ở Sơn-đông, và về sau ở cả Đại-hàn.
Trong thời gian này, ngoài các Hội Truyền giáo Anh và Mỹ, các Hội Truyền giáo ở Âu châu, như Hội Truyền giáo Basel ở Thụy sĩ, Hội truyền giáo Rhine ở Đức và Hội Truyền giáo Hòa-lan cũng vào hoạt động ở Trung quốc. Trong số các giáo sĩ ở lục địa Âu châu đến có Karl Gutzlaff thuộc Hội Truyền giáo Hòa-lan, là nhà truyền giáo nổi tiếng hơn cả. Nhờ chịu khó làm việc, học hỏi và đi lại nhiều nơi ở Trung-hoa, Gutzlaff đã viết được nhiều tài liệu có giá trị và đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc truyền bá Phúc Âm ở Trung quốc, mặc dầu vào năm 1850 ông bị thất bại trong việc gởi một nhóm tín đồ Trung-hoa vào các vùng nội địa để giảng Tin Lành và phân phát sách báo Cơ-đốc. Đến năm 1860, Trung-hoa lại bị các cường quốc Tâyphương buộc ký Hiệp ước Thiên Tân mở thêm 10 đô thị cho việc giao thương với ngoại quốc, cho phép các nhà truyền giáo được tự do lưu hành khắp nước và các tín đồ Trung Hoa được luật pháp bảo vệ không bị bắt bớ truy tố.