Lịch Sử Truyền Giáo II – Chương IX: Đông Á

Chương IX: Đông Á

I. TRUNG HOA

Lịch Sử Truyền Giáo II
Lịch Sử Truyền Giáo II

A. Công Cuộc Truyền Giáo của Cảnh Giáo (Nestorian)

Theo nhiều sử liệu, Phúc Âm đã lan tràn nhanh chóng từ An-ti-ốt và Edessa, nước Sy-ri, qua vùng Lưỡng Hà (Meso-potamia) do tinh thần truyền bá Phúc Âm của Cảnh Giáo. Từ vùng Lưỡng Hà, các nhà truyền giáo đã đi khắp vùng Trung Á và nhiều nước Đông Á Alopen, nhà truyền bá Phúc Âm (TBPÂ) Cảnh Giáo đã đến Trung Quốc lần đầu năm 635. Theo các chi tiết ghi trên bia đá bằng Hán văn và tiếng Syriac tìm được năm 1625, thì các nhà TBPÂ Sy-ri đã được hoàng đế Đường Thái Tông tiếp đón nồng hậu, xây cất cho họ một tu viện và khuyến khích họ truyền bá tôn giáo mới này trên khắp Trung Quốc.

Các nhà TBPÂ Cảnh Giáo hăng say học Hoa ngữ, nghiên cứu văn hóa Trung Hoa, trau giồi Hoa văn, rồi dịch Kinh Thánh và 35 bộ sách Cơ-đốc giáo ra Hoa văn. Suốt hơn 200 năm, Cảnh Giáo tiếp tục phát triển, lập trường học, xây tu viện. Nhưng đến năm 845, chính phủ Trung Hoa ra lệnh đóng cửa tất cả các tu viện, lấy cớ “nếp sống khổ tu của Cảnh Giáo và Phật giáo không thích hợp với sinh hoạt của dân tộc Trung Hoa.” Có đến 3.000 tu sĩ Cảnh Giáo buộc phải rời tu viện, trở về nếp sống cũ.

Cảnh Giáo tại Trung Quốc phát triển mạnh và rộng nhất dưới triều đại nhà Nguyên vào thế kỷ 13. Theo một số sử liệu, một hoàng đế nhà Nguyên đã tiếp nhận Đạo Chúa, rồi còn sai sứ thần đi La-mã xin Đức Giáo Hoàng (ĐGH) cử hàng trăm giáo sĩ qua Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Minh Thái Tổ chiến thắng nhà Nguyên và sáng lập nhà Minh, “tất cả các nhà thờ tu viện của Giáo hội Cảnh Giáo (Nestorian) đều bị phá hủy hoàn toàn”. Điều này Aboul Faradj có lẽ chỉ viết theo thông cáo chính thức của nhà nước chứ không biết rõ sự thực. Vì đến năm 1294, khi nhà truyền giáo Franciscan đầu tiên là “Giăng ở Monte Corvino” đến Bắc Kinh, ông ta có ghi lại là: ” Cảnh Giáo là nhóm đã có ở đây lâu đời đang tìm cách chống đối hoạt động của chúng ta.” Có một điểm đáng nói là mặc dầu đã đến Trung Hoa rất sớm, đã được nhà Đường bảo trợ, đã có một thời kỳ phồn thịnh, nhóm Cảnh Giáo không gây được một ảnh hưởng gì sâu đậm trên dân tộc Trung-hoa cả.