Khảo Học Thư Phi-líp – Chương 4.3

Chương 4.3 Nội Dung Thư Phi-líp

HoaLongDen1

Chuyển sang một đề tài mới, Phao-lô để cập đến chương trình hoạt động của hai bạn đồng lao Ty-mộ-thư và Ê-pháp-ran. Đợi khi tòa tuyên án Phao-lô, Ty-mộ-thư sẽ lập tức từ giả Phao-lô, lên đường về Phi-líp thăm viếng anh em tín hữu. Trong trường hợp Phao-lô được trả tự do, ông dự định sẽ đến thăm Hội thánh Phi-líp ngay (c. 19-24).

Ê-pháp-ran là người đại diện của Hội thánh Phi-líp, đã đến thăm Phao-lô và tận tâm cộng tác với ông tại La-mã. Phao-lô cho biết, Ê-pháp-ran tuy bị đau nặng gần chết nhưng được Chúa chữa lành. Tuy Phao-lô muốn giữ người bạn đắc lực đó một thời gian nữa tại La-mã, nhưng Ê-pháp-ran nóng lòng về quê ở Phi-líp, vì sợ anh em tín hữu lo lắng cho bệnh tình mình. Phao-lô đồng ý, và nhân cơ hội viết bức thư này gửi Ê-pháp-ran đem về cho Hội thánh Phi-líp (c.25-30).

Phao-lô được tin Hội thánh Phi-líp có một ít người bị ảnh hưởng của hai khuynh hướng sai lạc. Tuy vấn đề không trầm trọng, nhưng Phao-lô vẫn dành 21 câu, tức là cả chương 3, để cảnh cáo các tín hữu về hai khuynh hướng đó.

Khuynh hướng thứ nhất, tuy ít gây ảnh hưởng tại Phi-líp nhưng đã từng phá hoại Hội thánh xứ Ga-la-ti. Đây là chủ trương câu nệ luật pháp Mai-sen, cố gắng giữ theo một số luật pháp, nhưng chỉ chứ trọng về hình thức bề ngoài. Họ ép các tín hữu nước ngoài cố giữ lễ nghi tôn giáo Do thái, nhất là lễ cắt bì, vì họ cho rằng không chịu cắt bì theo luật pháp Mai-sen, thì dù tin Chúa Cứu Thế cũng chưa đủ điều kiện được cứu rỗi.

Phao-lô chỉ cần dạy vắn tắt và cảnh cáo anh em tín hữu Phi-líp về giáo lý sai lạc đó. Ông nhấn mạnh trong Phi-líp 3:2-11.

Lấy một thí dụ điển hình trong xã hội Hy-lạp, Ma-xê-đoan thời đó, là cuộc chạy đua trên núi Olympe – cái tên sau này được dùng để chỉ về Thế Vận Hội, Phao-lô cho cuộc đời theo Chúa giống như một cuộc chạy đua. Người chạy đua quên mọi việc sau lưng, chỉ bươn bả chạy nhanh tới trước, nhắm vào lằn mức cuối cùng mà nỗ lực chạy tới. Đó là thái độ của các môn đệ, các tín hữu trưởng thành trong Chúa, và của chính Phao-lô. Vì thế, ông kêu gọi tín hữu Phi-líp theo ông, tham dự cuộc chạy đua vĩ đại nhất của đời người (3:12-16).

tulip5

Đối với khuynh hướng vô kỷ luật, tức là những ai mang danh tín đồ Chúa Cứu Thế nhưng chỉ “mơ tưởng những việc trần gian,” miệng vẫn cầu nguyện, đọc Kinh mà “hành động giống như kẻ thù của Đấng chịu chết trên cây thập tự giá.” Họ chỉ biết lấy tư dục làm thần tượng, lấy điều ô nhục làm vinh dự.

Phao-lô cho biết, hạng người mạo nhận là theo Chúa mà sống vô kỷ luật đó chắc chắn sẽ đi vào diệt vong. Trái lại, người công dân Nước Chúa, tuy tích cực làm trọn bổn phận đối với xã hội, nhưng luôn luôn sốt sắng mong đợi Chúa Cứu Thế Jê-sus từ trời trở lại. Trong khi bọn người phóng túng chỉ lo cung phụng và thỏa mãn thân xác, thì người theo Chúa luôn luôn ghi nhớ rằng, Chúa “sẽ biến hỏa thân thể hư hoại mình ra thân thể vinh hiển như của Chúa, bởi quyền năng thống trị cả vũ trụ nhân sinh” (2:17-21).

Phao-lô ngỏ lời đặc biệt với các thân hữu tại Phi-líp, gọi họ là những anh em yêu quý, là “niềm vui và vòng hoa chiến thắng” của ông. Ông khuyên họ cứ vững vàng trong Chúa. Ông nhờ một đồng lao ở Phi-líp giải hòa giữa hai nữ tín hữu E-vô-đi và Sinh-ty-cơ (4:1-3). Phao-lô đưa ra mấy lời khuyên tổng quát trong chương 4 câu 4-9. Những lời khuyên như rót vào lòng người đọc thư thời ấy, và cũng khích lệ lòng người theo Chúa ngày nay (4:4-9).

Đến đây, Phao-lô ngỏ lời cám ơn Hội thánh Phi-líp vì họ đã tiếp trợ ông một lần nữa. Món quà của họ do Ê-pháp-ran mang đến cho ông giữa cảnh tù đày thật đầy ý nghĩa. Mặc dù Phao-lô đã nắm vững bí quyết mãn nguyện trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông vẫn biết ơn lòng tốt của các tín hữu đã nghĩ đến nhu cầu vật chất của ông.

Phao-lô ý thức rằng, họ làm nghĩa cử đẹp không phải vì ông nhưng vì Chúa. Ông xem tặng phẩm của họ là một của lễ dâng lên cho Chúa và được Ngài vui lòng nhận lấy. Đồng thời, ông cũng nhắc lại một sự thật mà tết cả các con cái thật của Chúa đều kinh nghiệm là:

“Thượng Đế của tôi sẽ đem cả sự phong phú trong Chúa Cứu Thế Jê-sus mà thỏa mãn tất cá nhu cầu của anh em. ” (4:10-20)

55eb070b15b6e14

Kết luận bức thư ngắn ngủi, Phao-lô chào thăm các tín hữu thánh thiện của Chúa Cứu Thế Jê-sus thành phố Phi-líp. Đứng sau lưng Phao-lô là cả một đoàn thể chiến sĩ Phúc Âm tại thủ đô La-mã, kể cả một số tín hữu trong cung điện của hoàng đế uy quyền nhất thế giới thời ấy. Câu cuối cùng của bức thư là:

“Cầu xin ân phúc của Chứa Cứu Thế Jê-sus chúng ta ngự trị trong tâm linh của tất cả anh em.”